Bản tin sáng 7/5: TP.HCM thuộc nhóm 30 địa phương có chỉ số năng lực cạnh tranh cao năm 2024
Tin tức đáng chú ý sáng 7/5: TP.HCM thuộc nhóm 30 địa phương có chỉ số năng lực cạnh tranh cao năm 2024; TP.HCM sẽ chính thức vận hành bộ máy hành chính mới trước ngày 15/9 sau sáp nhập; Bộ Xây dựng đề nghị TP.HCM xây dựng phương án riêng ứng phó tràn dầu ở Cần Giờ; Máy bay Vietnam Airlines hạ cánh khẩn cấp tại Thổ Nhĩ Kỳ để cứu hành khách gặp sự cố y tế.
TP.HCM thuộc nhóm 30 địa phương có chỉ số năng lực cạnh tranh cao năm 2024
Ngày 6/5 tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức lễ công bố Báo cáo Chỉ số Năng lực Cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024.
Theo kết quả công bố, TP.HCM xếp hạng 29 trên cả nước với 67,89 điểm, giảm 2 bậc so với vị trí 27 của năm 2023. Mặc dù thứ hạng giảm, TP.HCM vẫn duy trì vị thế trong nhóm 30 tỉnh, thành có chỉ số năng lực cạnh tranh cao.
Trong 10 chỉ số thành phần của PCI TP.HCM, có 3 chỉ số ghi nhận sự cải thiện là: tính năng động của chính quyền địa phương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo lao động. Tuy nhiên, các chỉ số còn lại có xu hướng giảm, đáng chú ý là chỉ số cạnh tranh bình đẳng giảm mạnh từ 5,92 xuống còn 5,4 điểm.

Năm nay, Hải Phòng lần đầu tiên vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng PCI với 74,84 điểm. Các địa phương tiếp tục giữ vững phong độ cao gồm Quảng Ninh, Long An, Bắc Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thừa Thiên - Huế, Hậu Giang, Phú Thọ, Đồng Tháp và Hưng Yên, tất cả đều đạt trên 70 điểm.
Báo cáo PCI 2024 phản ánh xu hướng tích cực trong cải cách môi trường kinh doanh tại cấp tỉnh. Điểm số trung bình toàn quốc đạt 67,67, tăng 1 điểm so với năm trước, đánh dấu năm thứ 8 liên tiếp vượt ngưỡng 60 điểm.
Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI nhận định, PCI không chỉ là công cụ đo lường hiệu quả điều hành kinh tế, mà còn là nền tảng cho phát triển bền vững, giúp phát hiện và tháo gỡ kịp thời các điểm nghẽn, tạo dựng môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi và công bằng.
TP.HCM sẽ chính thức vận hành bộ máy hành chính mới trước ngày 15/9 sau sáp nhập
UBND TP.HCM vừa trình Chính phủ đề án sáp nhập 3 địa phương gồm TP.HCM, tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhằm hình thành một đô thị đặc biệt với tổng diện tích 6.772 km² và dân số hơn 13,7 triệu người. Theo kế hoạch, bộ máy chính quyền cấp xã sẽ hoàn tất sắp xếp và đi vào hoạt động muộn nhất vào ngày 15/8, trong khi cấp tỉnh sẽ chính thức vận hành trước ngày 15/9.
Về mặt hành chính, TP.HCM mới sẽ có 168 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 113 phường, 54 xã và đặc khu Côn Đảo. Trung tâm hành chính - chính trị của thành phố đặt tại 86 Lê Thánh Tôn (quận 1), cùng hai cơ sở phụ trợ tại trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Về tổ chức Đảng, TP.HCM sau sáp nhập sẽ được hợp nhất với sự tham mưu của Ban Tổ chức Trung ương, hình thành Đảng bộ mới và chỉ định nhân sự chủ chốt cho nhiệm kỳ 2025 - 2030. Các cơ quan chuyên môn cấp sở được giữ nguyên trạng, với 15 sở và cơ quan tương đương, đồng thời tiếp tục thí điểm Sở An toàn thực phẩm theo Nghị quyết 98/2023/QH15.

Đáng chú ý, các chức danh lãnh đạo HĐND và UBND cấp tỉnh, cấp xã sẽ không thông qua bầu cử mà được chỉ định bởi Thường trực HĐND tương ứng. Các HĐND sẽ duy trì hoạt động đến hết nhiệm kỳ hiện tại (2021–2026). Riêng các phường thuộc TP.HCM sẽ không tổ chức HĐND trong hai nhiệm kỳ liên tiếp theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Về nhân sự, TP.HCM sẽ giữ nguyên biên chế hiện tại trong giai đoạn đầu, tiến hành rà soát và bố trí lại theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đồng thời kết thúc nhiệm vụ đối với các cán bộ không chuyên trách. Bên cạnh đó, trụ sở làm việc sẽ được nâng cấp, bố trí lại theo nhu cầu thực tiễn, đảm bảo không gây thất thoát tài sản công, với lộ trình xử lý dứt điểm trong vòng 3 năm theo cam kết của UBND TP.HCM.
Bộ Xây dựng đề nghị TP.HCM xây dựng phương án riêng ứng phó tràn dầu ở Cần Giờ
Ngày 6/5, Bộ Xây dựng và UBND TP.HCM tổ chức họp trực tuyến nhằm đánh giá công tác ứng phó sự cố tràn dầu do va chạm giữa hai tàu hàng trên sông Lòng Tàu (huyện Cần Giờ) vào tối 25/4. Vụ va chạm khiến dầu loang ra môi trường, ảnh hưởng trên 30ha rừng ngập mặn và gây thiệt hại hơn 4 tấn thủy sản tại ba xã Thạnh An, Long Hòa, Lý Nhơn. Mặc dù không có thiệt hại về người và hàng hóa, cả hai tàu đều bị hư hỏng phần mũi.

Lực lượng chức năng TP.HCM đã nhanh chóng triển khai các biện pháp ứng phó, thu gom dầu loang, xử lý rác thải nhiễm dầu và khắc phục ô nhiễm. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Xuân Sang nhận định TP cần có phương án riêng, đồng bộ và lâu dài để đối phó với sự cố tương tự trong tương lai, bao gồm thu gom dầu rò rỉ, đánh giá tác động môi trường và xác định rõ thiệt hại.
Ngoài ra, Bộ yêu cầu Cảng vụ hàng hải TP.HCM nhanh chóng điều tra nguyên nhân vụ va chạm, phối hợp các địa phương như Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai giám sát tình trạng dầu lan, tránh ảnh hưởng lan rộng và đề xuất phương án bồi thường thiệt hại. TP.HCM cũng được chỉ đạo xây dựng kế hoạch điều tiết giao thông khu vực để phục vụ công tác cứu hộ, đảm bảo thông suốt luồng hàng hải.
Máy bay Vietnam Airlines hạ cánh khẩn cấp tại Thổ Nhĩ Kỳ để cứu hành khách gặp sự cố y tế
Vào ngày 6/5, chuyến bay VN37 của Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines khởi hành từ Hà Nội đi Frankfurt (Đức) đã buộc phải chuyển hướng và hạ cánh khẩn cấp tại sân bay Erzurum (Thổ Nhĩ Kỳ) nhằm hỗ trợ một hành khách gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe.
Theo thông tin từ Vietnam Airlines, sau khoảng 8 giờ bay, một hành khách nam, 61 tuổi, quốc tịch Việt Nam, xuất hiện triệu chứng khó thở, nghi do thiếu oxy. Ngay lập tức, tổ bay đã phát thông báo khẩn tìm kiếm sự hỗ trợ y tế từ các hành khách trên chuyến bay. Rất may, một hành khách là bác sĩ đã nhanh chóng có mặt để sơ cứu và hỗ trợ bệnh nhân bằng bình oxy.
Tuy nhiên, nhận thấy tình trạng bệnh nhân không có dấu hiệu cải thiện, cơ trưởng đã quyết định điều hướng chuyến bay, hạ cánh khẩn tại sân bay Erzurum vào lúc 10 giờ 32 phút sáng cùng ngày (giờ Việt Nam). Ngay khi máy bay chạm đất, lực lượng y tế địa phương đã nhanh chóng tiếp cận và đưa người bệnh vào bệnh viện gần nhất để điều trị, đi kèm là một người thân.
Sau khi hoàn tất các thủ tục và được nhà chức trách sở tại cấp phép, chuyến bay VN37 đã tiếp tục hành trình đến Frankfurt và cất cánh trở lại vào lúc 15 giờ chiều cùng ngày. Tổng thời gian bị chậm so với lịch trình dự kiến là hơn 6 giờ.
Đại diện Vietnam Airlines khẳng định, mặc dù việc thay đổi lịch trình gây phát sinh chi phí và ảnh hưởng đến kế hoạch bay, tuy nhiên sự an toàn và tính mạng của hành khách luôn là ưu tiên hàng đầu. Hãng cũng cho biết, đây không phải là lần đầu tiên Vietnam Airlines điều chỉnh lộ trình để hỗ trợ y tế khẩn cấp.
Trước đó, vào ngày 11/1/2025, chuyến bay VN1602 từ Buôn Ma Thuột đi Hà Nội đã phải hạ cánh tại Đà Nẵng để cấp cứu hành khách, và vào tháng 12/2024, chuyến VN307 từ Tokyo về TP.HCM cũng chuyển hướng đến sân bay Đào Viên (Đài Loan) vì sự cố tương tự.