Thống nhất một số nội dung về Dự án xây dựng tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua các tỉnh Nam Định, Thái Bình
Ngày 7/5, tại trụ sở UBND tỉnh Thái Bình, hai tỉnh Thái Bình, Nam Định đã tổ chức hội nghị thống nhất một số nội dung về công tác triển khai Dự án xây dựng tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua các tỉnh Nam Định, Thái Bình theo phương thức đối tác công tư. Các đồng chí: Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình và Đặng Khánh Toàn, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định đồng chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.
Dự hội nghị về phía tỉnh Thái Bình có các đồng chí: Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban TVTU, lãnh đạo các sở, ngành và các huyện Kiến Xương, Thái Thụy...

Đồng chí Đặng Khánh Toàn, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định phát biểu tại hội nghị.
Dự hội nghị về phía tỉnh Nam Định có các đồng chí Ủy viên Ban TVTU: Nguyễn Phùng Hoan, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; các đồng chí TUV: Mai Thanh Long, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Lê Đoài, Hà Lan Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban TVTU; lãnh đạo các sở, ngành liên quan và các huyện Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Nam Trực, Xuân Trường...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Khắc Thận phát biểu tại hội nghị.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua các tỉnh Nam Định, Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1680/QĐ-TTg ngày 25/12/2023 với chiều dài khoảng 60,9km (địa bàn tỉnh Nam Định dài 27,6km; địa bàn tỉnh Thái Bình dài 33,3km); do UBND tỉnh Thái Bình là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án, UBND tỉnh Nam Định phối hợp.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình phát biểu tại hội nghị.
Ngày 29/4/2025, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành Quyết định số 766/QĐ–UBND phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT. Theo đó, nhà đầu tư trúng thầu dự án này là Liên danh các doanh nghiệp Tập đoàn GELEXIMCO - Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành - Công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng Nam Sơn - Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng hạ tầng Hoàng Cầu, với tổng mức đầu tư là 19.784,54 tỷ đồng. Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua các tỉnh Nam Định và Thái Bình có điểm đầu (Km19+300) tại đầu cầu vượt sông Đáy phía Nam Định, thuộc địa bàn xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định; điểm cuối (Km80+200) tại nút giao giữa Quốc lộ 37 mới và đường ven biển, thuộc địa bàn xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình; được xây dựng theo tiêu chuẩn đường bộ cao tốc (TCVN 5729:2012), 4 làn xe hoàn chỉnh với bề rộng nền đường 24,5m, vận tốc thiết kế 120 km/giờ.

Đồng chí Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Dự án sẽ xây dựng 23 cầu trên chính tuyến, trong đó cầu dài nhất là cầu vượt sông Hồng nối Thái Bình và Nam Định dài 1.115m; 4 cầu vượt ngang; 4 nút giao; hệ thống quản lý giao thông thông minh. Trên tuyến dự kiến xây dựng 1 trạm dừng nghỉ tại Km33+500 (huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) và 1 trạm tại Km51+900 (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình). Tổng nhu cầu sử dụng đất khoảng 538,44ha (bao gồm cả diện tích quy hoạch các khu tái định cư; không bao gồm diện tích trạm dừng nghỉ), trong đó đất ở khoảng 8,91ha; đất nông nghiệp khoảng 453,85ha; đất xây dựng cơ sở giáo dục đào tạo khoảng 0,38ha; đất sản xuất, kinh doanh khoảng 2,1ha; đất phi nông nghiệp khác khoảng 73,2ha (bao gồm loại đất: giao thông, thủy lợi, đất nghĩa trang, đất công trình năng lượng).
Về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), hiện tỉnh Thái Bình đã bồi thường, GPMB đất nông nghiệp được khoảng 200ha/237ha, đang tập trung di chuyển mộ và GPMB đất ở và đất khác; phấn đấu bàn giao cơ bản đất nông nghiệp trong tháng 5/2025 và đất ở trong quý 4/2025. Đối với tỉnh Nam Định, đã GPMB đất nông nghiệp được 104ha/173ha; đang tập trung di chuyển mộ và GPMB đất ở và đất khác, phấn đấu hoàn thành GPMB đất nông nghiệp trong tháng 5/2025 và đất ở trong tháng 9/2025. Trong quá trình triển khai dự án, 2 tỉnh Nam Định, Thái Bình đã phối hợp chặt chẽ, đến nay các bước, quy trình đã hoàn tất và dự kiến sẽ khởi công dự án vào ngày 12/5/2025.
Phát biểu kết luận hội nghị, các đồng chí: Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình và Đặng Khánh Toàn, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định khẳng định, tuyến đường cao tốc Ninh Binh - Hải Phòng đoạn qua các tỉnh Nam Định, Thái Bình là công trình trọng điểm quốc gia và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội không chỉ của các tỉnh Nam Định, Thái Bình mà cả vùng đồng bằng sông Hồng và toàn quốc. Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy hai tỉnh ghi nhận, biểu dương nỗ lực của các sở, ngành, các huyện trong công tác GPMB, hoàn thiện các hồ sơ thủ tục triển khai dự án. Trong thời gian tới, yêu cầu UBND 2 tỉnh Nam Định, Thái Bình tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương hoàn thiện các thủ tục pháp lý và chuẩn bị các điều kiện cho lễ khởi công dự án; tiếp tục làm tốt công tác phối hợp để đẩy nhanh tiến độ công tác GPMB, nhất là trong bối cảnh sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, bỏ cấp huyện và sáp nhập tỉnh. Yêu cầu UBND các tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tích cực hỗ trợ chủ đầu tư trong việc đảm bảo đủ nguồn vật liệu xây dựng phục vụ thi công dự án. Các sở, ngành, địa phương cần đặc biệt chú trọng công tác đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình triển khai thực hiện dự án; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu, nắm được ý nghĩa to lớn của dự án để đồng thuận, tạo điều kiện cho đơn vị thi công thực hiện các hạng mục của dự án đảm bảo tiến độ. Yêu cầu liên danh nhà đầu tư có kế hoạch thi công, mốc thời gian và tiến độ cụ thể từng hạng mục, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thi công, nhất là về nhân lực, thiết bị, để đảm bảo tiến độ, chất lượng, kỹ, mỹ thuật của công trình; tích cực phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương hai tỉnh để dự án triển khai thuận lợi, hiệu quả, phấn đấu về đích trước kế hoạch.