Bản sắc văn hóa đô thị qua lăng kính văn học nghệ thuật 3 miền

Từ Hà Nội - mạch nguồn văn hiến, đến Huế vùng đất thấm đẫm hồn thơ, rồi TP Hồ Chí Minh - đô thị năng động với nhịp sống hiện đại, mỗi vùng đất mang một sắc thái riêng trong bản đồ văn học nghệ thuật Việt Nam. Trong tiến trình hội nhập và đổi mới, sự phát triển của văn học nghệ thuật ở ba thành phố lớn không chỉ làm phong phú đời sống tinh thần, mà còn góp phần định hình bản sắc văn hóa đô thị trong thời đại mới.

Ba sắc thái - một dòng chảy văn hóa nghệ thuật

Ở mỗi đô thị lớn, văn học nghệ thuật không chỉ là tấm gương phản ánh xã hội mà còn là yếu tố tham gia kiến tạo bản sắc đô thị - nơi con người, ký ức và thời đại cùng song hành. Hà Nội, với nền tảng ngàn năm văn hiến, luôn được xem là trung tâm của chiều sâu văn hóa.

Theo NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, văn nghệ Thủ đô mang đặc trưng của chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc, đồng thời không ngừng đổi mới để phản ánh đời sống đô thị đương đại.

Từ sau năm 2011, Hà Nội nổi bật với các hoạt động nghệ thuật cộng đồng ở phố cổ, phố đi bộ, hồ Hoàn Kiếm, triển lãm ngoài trời, dự án sáng tạo… góp phần định hình không gian văn hóa mới, giàu tính tương tác.

Các tác phẩm văn học nghệ thuật 3 miền cùng hội tụ và được trưng bày tại TP Hồ Chí Minh.

Các tác phẩm văn học nghệ thuật 3 miền cùng hội tụ và được trưng bày tại TP Hồ Chí Minh.

Trong khi đó, Huế - vùng đất thơ mộng bên dòng Hương, có một đời sống văn học nghệ thuật mang chiều sâu nội tâm, thấm đẫm cảm thức hoài niệm. Theo nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP Huế, địa phương có gần 800 hội viên, nhiều gương mặt tác giả tiêu biểu, từ Thanh Hải, Trần Hoàn, Trịnh Công Sơn, cho đến các thế hệ trẻ. Văn học - nghệ thuật Huế là sự kết tinh của văn hóa cung đình và dân gian, từ ca kịch, mỹ thuật, kiến trúc đến thơ ca hiện đại. Các trại sáng tác, festival nghệ thuật, hội thảo chuyên sâu trong suốt 50 năm qua cho thấy văn nghệ Huế không chỉ bảo tồn truyền thống mà còn chủ động hội nhập, góp phần quảng bá văn hóa Huế ra thế giới.

Không gian trưng bày các tác phẩm văn học nghệ thuật tiêu biểu của Hà Nội - Huế - TP Hồ Chí Minh.

Không gian trưng bày các tác phẩm văn học nghệ thuật tiêu biểu của Hà Nội - Huế - TP Hồ Chí Minh.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, thành phố trẻ, năng động và luôn vận động, thì văn học nghệ thuật lại mang tính hiện đại, thể nghiệm và đa dạng vùng miền. Nghệ sĩ Lê Nguyên Hiều, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh là đất lành chim đậu, nơi hội tụ của nhiều dòng chảy văn hóa, tạo nên một diện mạo nghệ thuật giàu sức sống và mở rộng không gian sáng tạo cho thế hệ nghệ sĩ trẻ”.

Những chương trình như "Chuông vàng vọng cổ", "Giai điệu mùa thu", "Liên hoan Múa mở rộng"... cùng nhiều tác phẩm sân khấu, văn học, âm nhạc đã góp phần định hình bản sắc nghệ thuật phương Nam đương đại, khoáng đạt, cởi mở và luôn sẵn sàng thử nghiệm.

Chuyển mình trong giai đoạn mới

Bên cạnh những thành tựu, văn học nghệ thuật ở cả ba đô thị cũng đối mặt nhiều trăn trở. NSND Trần Quốc Chiêm thẳng thắn nhìn nhận: “Vẫn thiếu những tác phẩm xứng tầm phản ánh công cuộc đổi mới và con người thời đại. Một số tác phẩm chạy theo thị hiếu dễ dãi, lệch chuẩn tư tưởng và đánh mất giá trị nhân văn”. Đây cũng là quan điểm của nhà báo, đạo diễn Thanh Hiệp (Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh) khi ông cho rằng: “Nghệ thuật vừa nâng đỡ, vừa phản biện xã hội, cảnh tỉnh và giúp con người hướng thiện. Nếu chạy theo thị hiếu tầm thường, văn học nghệ thuật có thể trở thành con dao hai lưỡi”.

TP Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, lại đang thiếu không gian nghệ thuật tương xứng với tầm vóc. Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh Nguyễn Trường Lưu bày tỏ lo lắng khi sau 50 năm, TP Hồ Chí Minh chưa có những thiết chế văn hóa đủ tầm, ngoài vài công trình như Nhà hát Hòa Bình, Bến Thành hay Nhà Thiếu nhi thành phố. Đáng nói hơn, thành phố còn “thiếu vắng những bài hát hay về mình”, điều mà Hà Nội hay Huế đã làm rất tốt.

"Phải chăng bản sắc văn hóa TP Hồ Chí Minh là sự vận động không ngừng, cởi mở với cái mới, nhưng vì quá mở nên khó đọng lại thành những biểu tượng sâu sắc?”, ông Lưu đặt vấn đề.

Nhìn từ góc độ mỹ thuật, GS.TS Nguyễn Xuân Tiên - Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần vượt khỏi tư duy triển lãm đơn lẻ, chuyển sang hợp tác vùng và công tư để tạo ra các dự án nghệ thuật cộng đồng gắn với không gian đô thị. Theo ông: Tthời đại số, trí tuệ nhân tạo và đổi mới sáng tạo sẽ buộc các hội văn học nghệ thuật không thể chỉ dừng ở hội thảo hay quảng bá, mà phải hành động bằng những dự án cụ thể có tác động đến công chúng.

Khu vực trưng bày những bức ảnh về thiên nhiên, con người và văn hóa đặc trưng 3 miền.

Khu vực trưng bày những bức ảnh về thiên nhiên, con người và văn hóa đặc trưng 3 miền.

Từ thực tiễn, các văn nghệ sĩ kiến nghị: Cần có cơ chế đặt hàng, đầu tư chiều sâu cho tác phẩm nghệ thuật; xây dựng môi trường đào tạo và bồi dưỡng nghệ sĩ bài bản hơn; phát triển không gian sáng tạo đa dạng, kết nối giữa trung ương - địa phương - cộng đồng; khuyến khích thể nghiệm và sáng tạo từ truyền thống.

Như Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh Trịnh Bích Ngân nhận xét: “Từ những truyện ngắn trên báo chí đến các sáng tác dài hơi, văn học không chỉ phản ánh hiện thực, mà còn là nơi thẩm thấu cảm xúc cộng đồng từ chiến tranh đến hòa bình, từ cá nhân đến xã hội, từ khát vọng đổi mới đến bản lĩnh sáng tạo”.

Dòng chảy văn học nghệ thuật tại Hà Nội - Huế - TP Hồ Chí Minh không ngừng biến đổi trong 50 năm qua, từ chủ nghĩa yêu nước đến cách tân hình thức, từ truyền thống đến hiện đại, từ nghệ thuật hàn lâm đến văn hóa số. Đó không chỉ là ba trung tâm sáng tạo mà còn là ba “bản sắc” góp phần định hình diện mạo văn hóa Việt Nam đương đại.

Khi ba miền cùng "đồng tâm hiệp lực", như lời ông Nguyễn Thọ Truyền - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh, thì chính văn học nghệ thuật sẽ là nền tảng giúp xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới.

Bài và ảnh: Hương Trần/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-hoa/ban-sac-van-hoa-do-thi-qua-lang-kinh-van-hoc-nghe-thuat-3-mien-20250702185252868.htm
Zalo