Lao xao mùa giũ cá cơm sông trên sông Tiền, sông Hậu

Từ bao đời nay, dòng sông Tiền, sông Hậu luôn hào phóng, mang đến nguồn lợi thủy sản phong phú theo con nước lớn ròng cho người dân miền Tây. Mùa nước nổi, cá linh sinh sản đầy sông, còn mùa nước kiệt thì cá cơm cũng chộn rộn xuôi dòng để dân vạn chài đánh lưới.

Ngày trước, trên dòng sông Tiền, sông Hậu, người dân chỉ bắt cá lớn, ít ai chú ý tới loài cá bé xíu như con cá cơm. Thế nhưng, khi nguồn cá tôm cạn kiệt, loài cá cơm được xem là đối tượng thủy sản được ngư dân khai thác bằng lưới, kiếm thêm thu nhập lúc nhàn hạ. Vậy đó, mà cá cơm đi vào ẩm thực như một món ngon dân dã rồi hình thành hẳn cái nghề giũ cá cơm tại các tỉnh đầu nguồn.

Mùa cá cơm sông Cửu Long

Theo một giai thoại, cái tên cá cơm có từ thời Nguyễn Ánh bôn tẩu. Bị nghĩa quân Tây Sơn truy đuổi, sức cùng, lương thực cạn kiệt, tàu lênh đênh, quân lính đói lả, Nguyễn Ánh cầu xin trời cứu.

Bỗng xuất hiện từng đàn cá trắng nhỏ, dày đặc, mọi người vớt lên, chế biến sơ, ăn thay cơm, qua cơn đói. Từ đó mà con cá bé xiu trắng nõn được gọi là cá cơm.

Cá cơm sông, sống thành đàn lên tới hàng triệu con, kích cỡ bằng đầu đũa và dài chừng 10cm, ăn sinh vật phù du.

Cá cơm sông, sống thành đàn lên tới hàng triệu con, kích cỡ bằng đầu đũa và dài chừng 10cm, ăn sinh vật phù du.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử địa phương Nam Bộ - Nguyễn Hữu Hiệp, thời tiết Nam bộ chia hai mùa rõ rệt nắng và mưa. Riêng vùng đầu nguồn sông Cửu Long thì mùa nắng gọi mùa mùa cạn; mùa mưa gọi mùa nước nổi. Giao mùa bắt đầu từ tháng 5 âm lịch, nước bắt đầu quay.

Dòng chảy các con sông Tiền Giang và Hậu Giang không xuôi một chiều theo những con nước lớn, nước ròng như bình thường mà vào thời điểm này nước từ thượng nguồn đổ xuống ngày càng nhiều, không thoát hết ra biển được nên phải dội lại, lựng bựng, gọi là “nước quay kỳ nhứt”. Khi “nước quay kỳ nhì” thì nước từ từ tràn lên đồng, nhiều nơi ngập đường, ngập chợ. Ở kỳ “nước nhì”, sông rạch toàn vùng có rất nhiều tôm cá, nhất là cá linh. Còn ở kỳ “nước nhứt” thì trên sông có vô số cá trắng, trong đó cá cơm là chộn rộn nhất, từng bầy tua tủa khắp các dòng trường giang rộng lớn.

Cá cơm là “em út” họ nhà cá về trọng lượng, thân mình trắng trong, phần bụng trắng đục như hạt cơm, sống ở vùng nước ấm. Có hai loại cá cơm biển và cá cơm sông. Cá sống thành đàn lên tới hàng triệu con, kích cỡ bằng đầu đũa và dài chừng 10 cm trở lại, ăn sinh vật phù du.

Các loài cá cơm thường gặp ở Việt Nam được gọi theo màu sắc, là: Trắng, thường, sọc tiêu, đỏ, than, sọc phấn, phấn chì, lép, mờm. Sống ở nước ngọt, cá xuất hiện nhiều trên sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Cỏ.

Thời điểm rộ nhất của cá cơm là từ tháng 12 năm trước đến tháng 5 âm lịch năm sau. Tuy thân hình “tí hon” nhưng toàn chọn sinh sôi ở sông lớn, không chịu bơi vào kinh, rạch nên cá cơm cũng dễ bị “tóm cổ” trong mành lưới cước của dân vạn chài.

Ngư dân đánh bắt cá cơm trên sông Tiền đoạn qua tỉnh An Giang.

Ngư dân đánh bắt cá cơm trên sông Tiền đoạn qua tỉnh An Giang.

Anh Nguyễn Hoàng Minh – ngư dân bắt cá cơm tại xã Tân Thuận Tây, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Từ tháng 10 đến hết mùng 5/5 mới hết. Cái loài này nước lên hoặc nước ròng chảy xiết cũng không có, nước chuẩn mới có mặt nó. Bắt nó chỉ có lúc sẩm tối hoặc hừng đông thôi”.

Hồng Ngự, Chợ Mới, Cần Đước… là những nơi hội tụ nhiều ngư dân hành nghề đánh bắt cơm, mỗi địa phương có hơn 100 hộ bủa lưới. Mùa cá cơm chỉ diễn ra trong vài tháng nên bà con tranh thủ thả lưới cả ban đêm. Cá cơm sống ở tầng nước mặt nên ngư dân không dùng lưới sâu dạo, chỉ cần dài, càng dài càng bắt được nhiều cá, do đó phạm vi bao chiếm của lưới khá rộng.

Muốn đánh bắt nó phải chờ con nước ròng mới trúng đậm. Với chiếc xuồng 6,5 mét và một luồng lưới 400m thả dài trên một khúc sông, chờ đến sau 1 giờ, mẻ lưới kéo lên giũ nhẹ cho cá gom về một ụ rồi xúc ra thau, một mẻ trúng đậm thì khoảng 30kg cá.

Ông Nguyễn Văn Hoàng – ngư dân ở xã Tân Thuận Tây, TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp kể: “Thả ngầm là thả lưới sâu dưới lòng đất mới dính, còn thả nổi là thả vào ban đêm vì giờ đó cá cơm nổi lên mặt nước. Năm rồi thì ít, cá xuất hiện vài hôm là biến mất tiêu, năm nay kéo dài tận nửa tháng, trung bình một mẻ kiếm 30-40 kg cá là đó. Còn ngày nào trúng đậm là 60kg, mà lâu thiệt lâu mới có một mẻ đậm như vậy”.

Muốn đánh bắt cá cơm phải chờ con nước ròng mới trúng đậm. Với chiếc xuồng 6,5m và một luồng lưới 400m thả dài trên một khúc sông, chờ đến sau 1 giờ, mẻ lưới kéo lên giũ nhẹ cho cá gom về một ụ rồi xúc ra thau. Một mẻ trúng đậm thì khoảng 30kg cá.

Muốn đánh bắt cá cơm phải chờ con nước ròng mới trúng đậm. Với chiếc xuồng 6,5m và một luồng lưới 400m thả dài trên một khúc sông, chờ đến sau 1 giờ, mẻ lưới kéo lên giũ nhẹ cho cá gom về một ụ rồi xúc ra thau. Một mẻ trúng đậm thì khoảng 30kg cá.

Công đoạn để thả một giác lưới (tức một lần) rất vất vả, phải chọn bến thả, xăng dầu, máy móc, lưới, phao và đèn. Mỗi ngọn đèn cách nhau chừng 6 đến 10m, 2 đầu đèn màu đỏ và ở giữa màu xanh lá cây, 2 đầu phải có cờ báo hiệu để tránh ghe tàu ban đêm chạy qua.

Đầu hôm quăng một mẻ, đến khoảng 3 đến 4 giờ khuya sáng hôm sau thì tiếp tục mẻ thứ hai. Những đêm trời đứng gió, sông dài vắng lặng, hàng ngàn chiếc đèn lưới cá cơm lung linh dưới mặt sông đầy tựa như những vì sao của dãy ngân hà.

Quang cảnh cái nghề giũ cá cơm đêm trong mắt người ngoài nó quyến rũ vậy đó, nhưng đối với dân vạn chài đó là sinh kế quan trọng theo mùa. Có bữa chờ đến con nước thả lưới, mây ù ù kéo tới, mưa giáng xuống, coi như ngày hôm đó trắng tay về xuồng không.

Chị Phan Thị Kim Sang – ngư dân đóng đáy cá cơm trên sông Tiền đoạn qua xã Tân Thuận Tây, TP.Cao Lãnh cho biết: “8h tối thả lưới xuống, 12 khuya kéo lên. Cá nhiều thì một chút xíu đổ một lần, cá ít thì ngủ 1 giấc hơn 1 tiếng đồng đồ đổ một lần. Ngày trước cá nhiều lắm, nhưng bây giờ ít đi nhiều rồi”.

Từ bữa ăn quê nhà đến đặc sản, giấc mơ du lịch trên sông

Nguồn cá cơm luôn được được bạn hàng thu mua mạnh. Cá tươi, mỗi ký thấp nhất 20.000 đồng. Cá phơi khô mỗi ký có giá thấp nhất 150.000 đồng. Hiện, nguồn cá cơm phơi khô được xem là đặc sản, tiêu thụ ở các tỉnh miền Đông, như: Bình Dương, Đồng Nai hoặc TP. Hồ Chí Minh. Loại khô cá cơm này rất độc đáo, dễ ăn, hậu ngọt như được ướp chất phù sa của vùng châu thổ Cửu Long mà không nơi nào có được.

Thấy vậy mà cá cơm sinh lợi cũng nhiều, mỗi đầu xuồng bỏ túi trên 500.000 đồng/ngày sau khi trừ tất cả chi phí, nông dân thôn quê có nguồn thu nhập cũng cơ bản ổn định.

Cá cơm sông nhúng bột chiên trở thành món đặc sản tại các nhà hàng lớn.

Cá cơm sông nhúng bột chiên trở thành món đặc sản tại các nhà hàng lớn.

Anh Đỗ Hữu Tài, chủ quán ăn sinh thái tại xã Tân Thuận Tây, TP. Cao Lãnh cho biết: “Khách đến hay gọi cá cơm kho cà hoặc chiên bột. Kho cà mình nấu nước dừa với cà, cá tươi nhúng vào nên nó ngon ngọt lắm”.

Năm tháng trôi qua, dân vạn chài cứ sống cùng sông nước và lầm lũi bắt cá trên sông để mưu sinh theo nhịp đập thời gian. Những năm gần đây, biến đổi khí hậu, cá mắm ít dần nên những đêm bội thu cá cơm cũng không còn thường xuyên như ngày trước. Một vạt lưới dài chừng 300 mét cộng với ghe tàu…, sau 3 năm sử dụng, thay mới, ít nhất cũng từ 15 đến 20 triệu đồng mà tiền bán cá chỉ xoay sở trong ngày.

Đây cũng là điều mà địa phương cần suy nghĩ, nên chăng khuyến khích nông dân tập hợp thành làng nghề để thuận lợi trong vay vốn và mức lãi suất được ưu tiên để cuộc sống của họ được nâng lên.

Ở Chợ Mới, Cù lao Giêng nằm trong quy hoạch vùng du lịch sinh thái cộng đồng, nghề đánh cá trên sông cũng là điểm hẹn tuyệt vời nhưng để nghề giũ cá cơm bước chân được vô ngành du lịch không phải là chuyện dễ dàng. Mới đây nhất, Tâm Quê Hội quán ở xã Tân Thuận Tây, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã mở một không gian tên “Đêm Tân Thuận Tây”.

Không gian này nép mình bên sông Tiền, phục vụ 32 quầy ẩm thực cùng các hoạt động trải nghiệm gắn với nghề truyền thống, trong đó có nghề giũ cá cơm đêm.

Đây được xem như một phần an ủi cho dân vạn chài, cái nghề vừa lạnh vừa ướt, vừa cô đơn trên sông vắng cũng có ngày được quan tâm. Chỉ mong những ngày tháng tới, dân hạ bạc xứ đầu nguồn trúng nhiều tôm cá để tiếp tục mưu sinh ổn định nơi quê nhà!

Kim Loan/VOV-Giao Thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/lao-xao-mua-giu-ca-com-song-tren-song-tien-song-hau-post1212091.vov
Zalo