Chàng rể miền Nam ăn giỗ ở Bắc, mê tít 1 món đặc sản trong mâm cỗ Hải Phòng
Vài lần được trải nghiệm mâm cỗ cúng giỗ ở quê vợ Hải Phòng, chàng rể đến từ miền Nam ấn tượng với loạt món ăn ngon có màu sắc bắt mắt, chế biến kỳ công, trong đó có món nem cua bể.
“Hôm nay, chúng ta hãy cùng gác lại mọi bộn bề ngoài kia để trở về với không khí ấm cúng, linh thiêng của một ngày giỗ truyền thống tại miền Bắc, nơi mà những giá trị văn hóa và tình thân được gìn giữ qua từng mái nhà, từng mâm cỗ.
Đây không phải lần đầu tiên mình có dịp được trải nghiệm khoảnh khắc ấm cúng này. Song, điều đặc biệt là lần này, mình có cơ hội cùng với gia đình chuẩn bị các món ăn đặc trưng trong mâm cỗ ngày giỗ”, Nguyễn Lê Thanh Hùng (SN 1996) – chàng rể đến từ TPHCM, hào hứng giới thiệu về ngày giỗ ở quê vợ.

Thanh Hùng và vợ chụp ảnh trong một chuyến du lịch ở Hải Phòng
Hùng cho biết, anh sinh ra và lớn lên ở vùng đất thép Củ Chi. Năm 2022, anh kết hôn và trở thành rể Bắc. Vợ anh là Nguyễn Hồng Nhung, quê ở Hải Phòng.
“Sau kết hôn, chúng mình sống và làm việc tại TPHCM một thời gian rồi quyết định chuyển hẳn ra Bắc. Chúng mình chọn Hải Phòng quê vợ làm nơi lập nghiệp, xuất phát từ những ấn tượng đặc biệt của mình về nơi đây. Một trong số đó là nền ẩm thực phong phú, có nhiều món ăn ngon.
Đặc biệt, vài lần được tham gia hoạt động cúng giỗ cùng gia đình vợ, mình càng yêu thêm mảnh đất này, xem nơi đây là quê hương thứ 2 và muốn tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa bản địa đặc sắc”, Hùng nói.


Chàng rể miền Nam phụ giúp bố mẹ vợ chế biến các món ăn đặc trưng trong mâm cỗ ở Hải Phòng
Từ khi đến Hải Phòng sinh sống, chàng rể trẻ có cơ hội trải nghiệm nhiều mâm cỗ trong các dịp khác nhau. Mỗi dịp như vậy, anh thường quay video, vừa lưu giữ kỷ niệm, vừa lan tỏa nét văn hóa đặc trưng ở “quê hương thứ 2”.
Hùng cho hay, mâm cỗ ở Hải Phòng được chuẩn bị rất tươm tất. Từ chiều hôm trước, các thành viên trong gia đình đã nhộn nhịp sắm sửa nguyên vật liệu, rán sơ một vài món như chả nem, chả rươi… để hôm sau có thể chế biến ngay, tiết kiệm thời gian.
Mâm cỗ ở Hải Phòng thường có một số món quen thuộc như gà luộc, tôm luộc, chả nem, canh
Theo quan sát của anh, trong các ngày cúng giỗ ở nhà vợ đều có những món quen thuộc như gà luộc, tôm luộc, nem rán và canh.
Vào dịp Tết cổ truyền, mâm cỗ còn có thêm bánh chưng, xôi và đặc biệt không thể thiếu món thịt kho đông. Đây là món ăn quen thuộc của nhiều gia đình ở Hải Phòng vào mùa đông vì thuận tiện chế biến trong điều kiện thời tiết se lạnh của miền Bắc.
“Những món ăn này không đại diện cho tất cả mâm cỗ ở miền Bắc”, 9X nói.


Mỗi món ăn trong mâm cỗ đều là kết quả của sự chuẩn bị công phu và tình cảm của từng thành viên
Chàng rể trẻ tuổi cũng nhận thấy, mâm cỗ ở quê vợ được bày biện tinh tế, hài hòa, thể hiện sự trang trọng và tinh thần truyền thống.
Các món ăn thường có hương vị thanh đạm, ít ngọt, ít cay và đặc biệt chú trọng đến màu sắc tự nhiên của nguyên liệu, như màu đỏ của tôm luộc, màu vàng ươm của thịt gà, kết hợp với màu xanh, cam của các loại rau, củ.
“Điều thú vị là mỗi mâm cỗ đều có sự cân bằng dinh dưỡng và mùi vị, giữa món nhiều dầu mỡ với món thanh đạm, giữa đồ có nước và đồ khô. Ví dụ, chả nem, chả rươi chấm nước mắm chua ngọt, ăn với các loại rau thơm hoặc canh mọc nấm nấu cùng rau củ, giúp giảm cảm giác ngán khi ăn”, Hùng chia sẻ thêm.
Thanh Hùng hào hứng thụ lộc sau khi cùng gia đình vợ hạ lễ mâm cỗ
Nem cua bể (hay chả nem) là món ăn trong mâm cỗ cúng giỗ ở nhà vợ mà Hùng yêu thích nhất. Anh nhận xét món này giống chả giò miền Nam nhưng kích thước to hơn, phần nhân phong phú và có thêm thịt cua rất hấp dẫn.
Nem cua bể Hải Phòng có thể gói theo hình trụ, dáng thuôn dài nhưng phổ biến nhất là gói thành hình vuông. Khi ăn, nem được cắt thành các miếng nhỏ, ăn với bún cùng xà lách, tía tô, lá mơ... và các loại củ được cắt lát trong nước chấm chua ngọt như đu đủ, dưa chuột, cà rốt.
Mâm cỗ ngày giỗ không chỉ toát lên nét văn hóa ẩm thực đặc trưng mà còn thể hiện lòng thành kính, tưởng nhớ tới ông bà tổ tiên của các thế hệ con cháu
Chàng rể Hải Phòng thừa nhận, mâm cỗ của gia đình vợ anh không đại diện cho tất cả các mâm cỗ khác ở miền Bắc. Tùy điều kiện, sở thích từng nhà mà mỗi mâm cỗ lại có nét khác biệt riêng.
“Ngày giỗ, dù mỗi gia đình sẽ có sự thay đổi linh hoạt trong cách tổ chức mâm cỗ để phù hợp với cuộc sống hiện đại nhưng vẫn luôn giữ vững ý nghĩa thiêng liêng, thể hiện lòng thành kính đối với ông bà tổ tiên.
Đây cũng là dịp để các thành viên sum họp, nhắc nhở cùng nhau giữ gìn và phát triển văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của gia đình, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh và văn hóa của người Việt”, Hùng bày tỏ.