Tô thắm thêm vẻ đẹp người lính

35 năm qua, tờ báo Quân đội nhân dân (QĐND) Cuối tuần đã quá thân quen, gần gũi với nhiều lớp cán bộ, chiến sĩ và bạn đọc. Với định hướng chuyển tải nội dung và cách thể hiện đậm chất văn hóa, tờ QĐND Cuối tuần không chỉ tạo được chỗ đứng riêng trong hệ thống các ấn phẩm của Báo QĐND mà còn có bản sắc riêng trong làng báo Việt Nam.

Đây là điều mọi người đọc báo đều mong mỏi tờ báo phát huy hơn nữa, nhất là trong bối cảnh cuộc sống xã hội đang đổi mới mạnh mẽ, nhanh chóng về nhiều mặt trong đó có những phương tiện, phương thức thông tin mới cùng nhu cầu đa dạng của bộ đội và nhân dân.

Tổng Bí thư Đỗ Mười đọc Báo Quân đội nhân dân thứ bảy, số 181, năm 1993 (nay là Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần). Ảnh tư liệu

Tổng Bí thư Đỗ Mười đọc Báo Quân đội nhân dân thứ bảy, số 181, năm 1993 (nay là Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần). Ảnh tư liệu

“Mốt hai mốt” và...

“Cùng nhau đi Hồng binh. Đồng tâm ta đều bước. Đừng cho quân thù thoát. Ta quyết chí hy sinh...”. Hành khúc “Cùng nhau đi Hồng binh” của nhạc sĩ Đinh Nhu nhắc nhở cho chúng ta biết “Mốt hai mốt” bắt đầu có ngay từ những bước chân đầu tiên của đội quân Tự vệ đỏ, tổ chức vũ trang cách mạng đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng ra đời trong cao trào cách mạng đầu tiên Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931). “Đồng tâm ta đều bước” là yêu cầu và hành động cơ bản đầu tiên để mọi người xuất thân khác nhau trở nên thống nhất, kỷ luật, đoàn kết tạo thành đơn vị vũ trang. Khởi thủy của Quân đội ta là thế và mãi mãi vẫn là thế.

Cũng vì thế mà viết về bộ đội trong cuộc sống thời bình thực sự là việc khó khi hầu như đơn vị nào cũng giống nhau, lặp đi lặp lại ở kỷ luật nghiêm minh, bài bản, công tác học tập, huấn luyện, nền nếp hoạt động, sinh hoạt... Cả đến chuyện ăn, ngủ, nghe, đọc, xem, hát hò... cũng vậy. Một tổ chức tập thể đặc biệt trong xã hội nếu không thống nhất, không nghiêm minh thì không có sức mạnh. Không lạ khi nhiều anh chị em cầm bút vẫn nói với nhau: Viết về bộ đội khó tìm ra cái mới, khó hấp dẫn, dễ khô. Đó là thực tế, là thách thức với mọi người làm báo. Dù góc độ đề cập và tiếp cận từ văn hóa song người viết của Báo QĐND Cuối tuần luôn phải gặp thách thức này và thật đáng mừng là từng chặng, từng chặng, anh chị em và các cộng tác viên gần xa đều đã có những thành công.

“Mốt hai mốt” là khô khan, đơn điệu. Đúng rồi, nhưng khi người lính vượt được qua thì câu chuyện của họ đâu phải là khô khan. Được ngắm nhìn những bước chân đi, những gương mặt, ánh mắt nhìn thẳng... đều tăm tắp ra bãi tập thường ngày hay đặc biệt là các cuộc diễu, duyệt binh trong những ngày lễ trọng thể của đất nước, người dân nào cũng thấy đẹp, thấy tự hào. Song chỉ những người làm báo mới cho công chúng biết được họ đã trải qua mưa nắng, qua khó khăn, gian khổ thế nào.

Chiến sĩ trên trận địa pháo cao xạ Trung đoàn 213, Sư đoàn 363, Quân chủng Phòng không-Không quân đọc Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần. Ảnh: PHÚ SƠN

Chiến sĩ trên trận địa pháo cao xạ Trung đoàn 213, Sư đoàn 363, Quân chủng Phòng không-Không quân đọc Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần. Ảnh: PHÚ SƠN

Có bao nhiêu sắc thái người lính được tái hiện trên Báo QĐND Cuối tuần? Không thể kể hết. Những phóng sự chi tiết về sự lặn lội giúp dân cùng những sáng kiến tổ chức đời sống, trồng rau xanh, cây xanh và hoa, những trận đấu thể thao, đêm văn nghệ quân-dân... của cán bộ, chiến sĩ nơi biên giới, hải đảo xa xôi. Những kỳ công khổ luyện, những đam mê học tập làm chủ khoa học công nghệ quân sự, làm chủ những cỗ xe tăng, khẩu pháo, chiến hạm, máy bay và các vũ khí hiện đại. Những bỡ ngỡ, hồn nhiên của người lính trẻ trước các cô gái, những niềm vui của họ khi được qua làng bản, phố xá, được chuyện trò, tâm sự với các ông bà, anh chị, được chăm sóc, vui chơi cùng trẻ nhỏ...

Chất lính, chất Bộ đội Cụ Hồ là gì? Là chất thép của ý chí, bản lĩnh, là chất trẻ trong sáng đầy hoài bão, khát vọng yêu thương và dâng hiến... Tờ báo QĐND Cuối tuần đã góp phần lan tỏa, tô đậm những phẩm chất ấy và đó là căn cốt để ứng biến, phát huy trong những đổi thay.

Bầu trời cái đẹp

Viết về và viết vì người lính là hai phần việc lớn của tờ báo nên câu hỏi người lính cần gì, mong gì luôn thôi thúc những người cầm bút. Với tờ báo QĐND Cuối tuần, trách nhiệm và cũng là lợi thế là tiếp cận văn hóa, phát hiện và đưa cái đẹp, một nhu cầu hàng đầu trong nhận thức và tâm hồn người lính đến với chính họ. Vì sao Bộ đội Cụ Hồ trở thành hình mẫu con người mới trong cuộc sống và hình tượng cao đẹp trong các bộ môn văn học, nghệ thuật nước nhà nếu không phải chính họ là hiện thân của sự chưng cất, phát triển tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại.

Còn nhớ, ngay trong những ngày đầu tiên ra mắt, tờ QĐND Cuối tuần đã đề cập đến từng mảng khối, từng công trình tác phẩm và chi tiết của kho tàng di sản văn hóa khổng lồ của dân tộc. Những lề thói, phong tục của xã hội nông nghiệp truyền thống, những lễ hội, những vùng dân ca, dân vũ, những loại hình nghệ thuật chèo, tuồng, cải lương... để lại gì và bảo tồn, phát triển ra sao trong cuộc sống hôm nay, song hành cùng các làn sóng văn hóa, văn học, nghệ thuật hiện đại. Những tác phẩm kinh điển, những câu thơ, áng văn bất hủ trong chiều dài nghìn năm của dân tộc và nhân loại, những đóng góp, thành tựu văn học, nghệ thuật trong các cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ở thế kỷ 20. Những nét đặc sắc của văn hóa quân sự Việt Nam và thế giới, các xu hướng, sự kiện, hiện tượng mới, tác phẩm mới... Tất cả đều được nhìn lại, khẳng định giá trị và gợi mở cho hiện tại và tương lai. Trên mặt báo, những vấn đề, những tác phẩm được đề cập không chỉ là việc giới thiệu, phân tích với góc nhìn mới mà còn có những trao đổi, thảo luận chiều sâu. Gần đây, diễn đàn kéo dài nhiều kỳ về chủ đề “Văn học, nghệ thuật góp phần xây dựng bản lĩnh và nhân cách Bộ đội Cụ Hồ” là một thành công, bổ ích và lý thú.

Nhìn lại những việc, những điều đã làm được để thấy tờ báo hoàn toàn và có thể tự tin đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng mọi mặt trên định hướng cơ bản đã lựa chọn. Nói chung là thế song đi vào cụ thể là biết bao việc mới, việc khó phải làm và phải làm mới, nâng cao chính mình. Chúng ta có thể gần hơn, trẻ hơn với người lính hôm nay; đồng thời lại phải già dặn hơn trong vai trò dẫn dắt họ. Nghĩa là trong tư tưởng chính trị và thẩm mỹ, trong phong cách công tác và thể hiện đều cần xác định rõ phương hướng, cách làm mới. Thời làm báo đa phương tiện, vừa cần tận dụng, vừa đua tranh với mạng xã hội không thể không năng động, linh hoạt với nhiều sáng kiến hơn nữa. Đơn cử, cần nhiều bài viết ngắn gọn, sinh động hơn. Những loại hình có tính giải trí hay trực tiếp đề cập đến công nghiệp văn hóa, trong đó có giải trí cũng cần nhiều hơn. Cũng trong xu hướng thời công nghệ nên chăng tổ chức các hình thức tương tác qua lại giữa người đọc với tờ báo...

Chúng ta đều biết làm báo là liên tục đổi mới, hướng đến cái mới, không mới, không sinh động là xa rời cuộc sống và bạn đọc. Chúng ta cũng đều biết làm báo là tổ chức, ở đây là khai thác kho báu lớn lao từ những chuyên gia, những bạn viết có tầm tri thức và ngòi bút sâu sắc, tinh nhạy, rộng hơn là người dân, người lính cùng viết, cùng làm báo.

Yêu tờ báo nên xin được mạnh dạn nói lên lòng mong mỏi của một bạn đọc, bạn viết lâu năm dành cho Báo QĐND Cuối tuần.

Báo QĐND Cuối tuần là một trong những ấn phẩm của Báo Quân đội nhân dân phát hành số đầu tiên với tên gọi Báo QĐND thứ bảy vào ngày 7-7-1990, khổ 29x42cm, 12 trang, in 4 màu, phát hành trên toàn quốc. Trước yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới, ngày 7-1-1996, Báo QĐND thứ bảy được xuất bản bộ mới với tên gọi là Báo QĐND Cuối tuần. Báo tăng lên 16 trang. Với phương châm “định hướng, chuyên sâu, giải trí”, 35 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Biên tập Báo QĐND, ấn phẩm Báo QĐND Cuối tuần không ngừng cải tiến, đổi mới và nâng cao chất lượng về nội dung và hình thức nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc.

MẠNH HÙNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/nuoi-duong-van-hoa-bo-doi-cu-ho/to-tham-them-ve-dep-nguoi-linh-835553
Zalo