Bản báo cáo thổi bùng nỗi lo trên Phố Wall, khiến chứng khoán Mỹ sụt giảm ngay đầu năm mới
Thị trường tài chính Mỹ khởi đầu năm 2025 không mấy êm ả và cuối cùng bị bán tháo mạnh trong phiên 10/1.
Với một nền kinh tế đang trên đà bùng nổ, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) thân thiện hậu thuẫn phía sau và ông Donald Trump sắp trở lại Nhà Trắng, triển vọng của Phố Wall dường như vô cùng tích cực khi năm cũ đi qua, năm mới bước đến.
Tuy nhiên, 10 ngày đầu tiên của năm mới đã trôi qua và Bloomberg cho rằng hy vọng của các nhà đầu tư về một chuyến hành trình suôn sẻ đang gặp rắc rối.
Thị trường tài chính Mỹ khởi đầu năm không êm ả và cuối cùng bị bán tháo mạnh trong phiên 10/1, khi bằng chứng về sức mạnh của thị trường lao động khiến các nhà đầu tư bi quan lo sợ rằng Fed sẽ khó nới lỏng tiền tệ hơn nữa.
Diễn biến phiên 10/1 là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy tin tức kinh tế tốt không hẳn là điều may mắn cho thị trường, đặc biệt là khi chúng đe dọa các chiến lược đầu tư nhạy cảm với lãi suất và những doanh nghiệp nặng nợ ở Mỹ.
Theo báo cáo mới của Bộ Lao động Mỹ, trong tháng cuối cùng của năm 2024, nền kinh tế đã tạo thêm 256.000 việc làm, cao hơn hẳn dự báo và tỷ lệ thất nghiệp bất ngờ giảm xuống còn 4,1%.
Đối với những người hy vọng ngân hàng trung ương do Chủ tịch Jerome Powell dẫn dắt sẽ tiếp tục hạ lãi suất trong năm 2025, bản báo cáo nói trên thực chất là một nỗi thất vọng.
Giá cổ phiếu lao dốc, khiến S&P 500 kết thúc tuần sụt gần 2%. Đây là mức giảm hàng tuần mạnh nhất của chỉ số này kể từ khi ông Powell làm rung chuyển thị trường hồi tháng 12 bằng cách báo hiệu rằng lạm phát vẫn chưa bị chế ngự.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ nới dài đà tăng kể từ bài phát biểu của ông Powell. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm đã vượt mức 5%. Giá bitcoin tăng nhưng đó là sau khi đồng tiền ảo lớn nhất thế giới mất 9% trong ba phiền trước đó.
Một nạn nhân khác của vòng xoáy hỗn loạn là các tài sản được hưởng lợi từ “Trump trade”, chiến lược giao dịch dựa trên chiến thắng và loạt chính sách tiềm năng của Tổng thống đắc cử Trump.
Hiện tại, các nhà đầu tư đang phải đương đầu với giai đoạn giao dịch mà họ không mong muốn: lợi suất trái phiếu tăng vọt do thị trường lo ngại rằng chính phủ Mỹ sẽ chi tiêu không kiểm soát và thuế quan thương mại sẽ thúc đẩy lạm phát đi lên.
Đơn cử, nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ - những tưởng được hưởng lợi từ các chính sách tập trung vào tăng trưởng kinh tế và mang tính bảo hộ của ông Trump - đã giảm khoảng 3% kể từ ngày bầu cử tổng thống Mỹ.
Vài tuần qua có thể là bản xem trước cho cả năm 2025”
Bà Priya Misra, Giám đốc quản lý danh mục đầu tư tại JPMorgan Asset Management, đánh giá.
“Đầu tư trong năm nay không dễ dàng, mà ngược lại sẽ đầy bất ổn và hỗn loạn. Chúng ta sẽ thấy Fed tạm ngừng nới lỏng chính sách tiền tệ, định giá cổ phiếu cao ngất ngưởng và bất ổn chính sách theo cả hai chiều”, bà giải thích.
Trong một cuộc phỏng vấn quan điện thoại với Bloomberg, ông Max Wasserman, Giám đốc phụ trách danh mục đầu tư cấp cao tại Miramar Capital, nhận thấy các nhà đầu tư đã quá lạc quan rằng Fed sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất.
Không giống như năm ngoái, khi thông tin lạm phát hạ nhiệt giúp thúc đẩy giá cổ phiếu đi lên và giữ lợi suất trái phiếu kho bạc trong tầm kiểm soát, cả hai tài sản đều đi xuống trong tháng 1 năm nay. Diễn biến đó chứng tỏ thị trường đang lo ngại về lạm phát.
Tổng tỷ suất sinh lời của cổ phiếu và trái phiếu kho bạc đã âm trong 5 tuần liên tiếp, đánh dấu chuỗi tiêu cực dài nhất kể từ tháng 9/2023.
Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp dựa trên giao dịch của các quỹ ETF lớn tập trung vào S&P 500 và trái phiếu kho bạc, đây đang là khởi đầu tồi tệ nhất của chỉ số chứng khoán Mỹ kể từ năm 2022 và kể từ năm 2021 đối với trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài.
Tỷ phú Bill Harnisch là một trong số ít những người tiên đoán trước đợt thoái lui mới đây. Quỹ đầu cơ Peconic Partners quy mô 1,9 tỷ USD của Harnisch đạt tỷ suất sinh lời 192% trong 4 năm qua, vượt trội hơn hẳn thị trường chung.
Song, gần đây Peconic đã giảm bớt đòn bẩy, bán khống cổ phiếu liên quan đến nhà ở và hạn chế tiếp xúc với các công ty công nghệ vốn hóa lớn vì lo ngại rằng dù mạnh hay yếu, nền kinh tế đều gây nguy hiểm cho những nhà đầu cơ giá lên.
“Bạn đang ở trong tình thế mà cả hai bên đều thua thiệt. Chúng tôi nghĩ thị trường đang rất rủi ro”, Harnisch nói qua điện thoại với Bloomberg. Ông lưu ý rằng nếu nền kinh tế tăng trưởng mạnh hơn, Fed sẽ buộc phải hành động nhanh chóng hơn.
Nhìn chung, số liệu việc làm tháng 12 là dữ kiện mới nhất trong một chuỗi các báo cáo cho thấy nền kinh tế số một thế giới vẫn vững mạnh và áp lực giá có khả năng sẽ tăng lên.
Một cuộc khảo sát mới đây của Đại học Michigan cho thấy kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng Mỹ trong dài hạn đã vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2008. Kỳ vọng lạm phát trong hai năm tới ở mức 2,7%, cao nhất kể từ tháng 4/2024.
“Càng có nhiều bất ngờ về tăng trưởng kinh tế, các nhà đầu tư sẽ càng lo lắng về tác động của chúng đến lạm phát”, Phó Giám đốc đầu tư tại Richard Bernstein Advisors nhấn mạnh.