Bài phát biếu năm mới 2025 của ông Putin sẽ tiết lộ gì về xung đột với Ukraine?
Ngày 31/12/1999, ngày cuối cùng của năm 1999 đã đánh dấu thời điểm chuyển giao quyền lực đặc biệt ở Nga: Tổng thống Boris Yeltsin bất ngờ xuất hiện trên sóng truyền hình quốc gia với tuyên bố sẽ nhường ghế cho Thủ tướng Nga lúc bấy giờ - ông Vladimir Putin.
Xuất thân là cựu quân nhân KGB và chỉ vừa bắt đầu sự nghiệp chính trị với vai trò cố vấn cho Thị trường thành phố St. Petersburg Anatoly Sobchak vào năm 1991, ông Putin khi đó vẫn còn là một gương mặt khá mới mẻ đối với công chúng. Điều này làm dấy lên nhiều quan ngại từ giới truyền thông và người dân Nga về khả năng lãnh đạo của tân Tổng thống, đặc biệt nước Nga vẫn chìm trong tình cảnh rối ren sau khi Liên Xô tan rã.
Trong bài phát biểu nhậm chức ngắn gọn, ông Putin nêu rõ: "Tôi hiểu rằng tôi đã nhận một trách nhiệm to lớn và tôi biết rằng ở nước Nga, nguyên thủ quốc gia đã, đang và sẽ luôn là người chịu trách nhiệm về mọi công việc của đất nước".
Bài phát biểu của nhà lãnh đạo Điện Kremlin đã khởi đầu 1/4 thế kỷ phục hồi của nước Nga, đưa nền kinh tế Nga liên tục lọt tốp đầu thế giới, kể cả trong thời kỳ diễn ra xung đột với Ukraine.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, sự trở lại của ông Trump có thể khiến thời gian tại nhiệm tới của nhà lãnh đạo Nga không còn suôn sẻ như trước. Trong suốt thời gian vận động tranh cử, ông Trump thường xuyên lặp lại tuyên bố sẽ chấm dứt cuộc xung đột giữa Moscow và Kiev. Dù vẫn chưa tiết lộ những chi tiết cụ thể về kế hoạch hòa bình nhưng Tổng thống Mỹ đắc cử đã nói rõ một điều: ông muốn điều đó xảy ra nhanh chóng. Cách tiếp cận khó đoán của ông Trump đối với chính sách đối ngoại đồng nghĩa với việc Điện Kremlin sẽ cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng cho một cuộc đàm phán khó lường.
Người được ông Trump lựa chọn cho vị trí Đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Nga và Ukraine, Trung tướng đã nghỉ hưu Keith Kellogg đã ví xung đột Nga-Ukraine giống như một "cuộc chiến trong lồng", nơi Tổng thống Mỹ đắc cử có vai trò như một trọng tài.
“Bạn có hai võ sĩ và cả hai đều muốn ra đòn. Do vậy, bạn cần một trọng tài để tách họ ra. Tôi nghĩ Tổng thống Donald J. Trump có thể làm được điều đó. Ông ấy sẽ khiến hai bên sẵn sàng ngồi lại với nhau và cùng thảo luận về cách chấm dứt cuộc xung đột này”, ông Kellog chia sẻ trên kênh Fox Business.
Tuy nhiên, những gì sẽ diễn ra trên bàn đàm phán vẫn là một câu hỏi mở, bởi rõ ràng Nga đang nắm kèo trên. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong những tuần gần đây đã thay đổi giọng điệu của mình, thừa nhận rằng Ukraine không có đủ sức mạnh để giành lại toàn bộ lãnh thổ đã mất vào tay Nga. Và trong cuộc họp thường niên cuối năm, ông Putin cũng tuyên bố đã sẵn sàng ngối đối diện Ukraine trên bàn đàm phán nếu Kiev có thể chấp nhận những điều kiện của Nga.
"Chính trị là nghệ thuật thỏa hiệp. Chúng tôi luôn nói rằng chúng tôi sẵn sàng cho cả đàm phán và thỏa hiệp", ông Putin nói, đồng thời nhấn mạnh rằng mọi thỏa thuận cần được dựa trên "thực tế trên thực địa".
"Thực tế trên thực địa" mà nhà lãnh đạo Nga đang nhắc đến có thể không chỉ là lợi thế quân sự trước Kiev. Bà Hanna Notte, Giám đốc chương trình Á-Âu tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin của Mỹ cho rằng bên cạnh những thành quả quân sự ở chiến trường Ukraine, Nga còn giữ "con bài mặc cả" ở Syria, bao gồm cả vị thế là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc của Moscow.
“Vai trò của Nga tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có ý nghĩa quan trọng đối với HTS - nhóm đối lập đang lên nắm quyền ở Syria. Quyền phủ quyết của Nga trong tổ chức phi chính phủ lớn nhất hành tinh này có thể tác động sâu rộng đến quá trình chuyển gia quyền lực trong giai đoạn hậu Assad và tiến tới hợp pháp hóa một chính phủ mới”, bà Notte nói.
Bên cạnh đó, dù vẫn còn nhiều cảnh báo không mấy lạc quan về việc nền kinh tế thời chiến của Nga sẽ sớm chạm đến điểm giới hạn nếu xung đột với Ukraine không chấm dứt, Moscow vẫn mạnh tay nâng mức chi tiêu quốc phòng lên tới 126 tỷ USD (tương đương 13,5 nghìn tỷ rúp) trong năm 2025, đảm bảo năng lực tài chính chắc chắn cho cuộc chiến tiêu hao với Kiev.
Quyết định này của Moscow dường như có phần mâu thuẫn với tuyên bố cởi mở với một lệnh ngừng bắn mà người đứng đầu Điện Kremlin đưa ra trước đó, khiến những diễn biến tiếp theo trong xung đột ở Ukraine ngày càng khó lường. Tất cả những gì truyền thông có thể mong đợi là bài phát biểu của nhà lãnh đạo Nga trước thềm năm mới sẽ tiệt lộ thêm về tương lai của xung đột đã kéo dài gần 3 năm này.