Mỹ chấp thuận bán 1.200 tên lửa AIM-120 AMRAAM cho đồng minh
Mỹ đã phê duyệt thỏa thuận bán tên lửa không đối không AIM-120D-3 và AIM-120C-8 AMRAAM cho Nhật Bản.
Thỏa thuận này có tổng giá trị ước tính khoảng 3,64 tỷ USD, bao gồm cả thiết bị liên quan và hỗ trợ hậu cần. Cơ quan Hợp tác An ninh quốc phòng của Mỹ (DSCA) đã chính thức gửi thông báo cho Quốc hội Mỹ về hợp đồng này.
Chính phủ Nhật Bản đã bày tỏ mong muốn mua khoảng 1.200 tên lửa AIM-120 với 2 biến thể D-3 và C-8, cùng với nhiều bộ phận dẫn đường, thiết bị bảo trì và các loại vũ khí huấn luyện.
Gói trang bị này còn bao gồm các đầu đạn, động cơ đẩy, thùng chứa tên lửa, phần mềm lập trình và tài liệu kỹ thuật cần thiết để tích hợp các tên lửa mới vào hệ thống phòng thủ hiện tại của Nhật Bản.
Thỏa thuận này được đánh giá là có ý nghĩa chiến lược quan trọng, trong bối cảnh tình hình khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang trở nên ngày càng phức tạp.
Bộ tên lửa AIM-120D-3 và C-8 với tầm bắn xa và khả năng chống nhiễu điện tử mạnh mẽ sẽ giúp Nhật Bản tăng cường khả năng bảo vệ không phận trước các cuộc tấn công tiềm tàng.
Hiện tại, Nhật Bản sở hữu 1 phi đội máy bay chiến đấu hiện đại có thể sử dụng các tên lửa AMRAAM này một cách hiệu quả. Đứng đầu trong số đó là F-35A Lightning II, dòng máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 được trang bị hệ thống radar và cảm biến tiên tiến. Những chiếc F-35A này sẽ khai thác tối đa tiềm năng của các tên lửa AIM-120
Bên cạnh F-35A, các máy bay F-15J và F-15DJ của Nhật Bản cũng đang được nâng cấp để tương thích với tên lửa AIM-120D-3. Chương trình nâng cấp mang tên Japan Super Interceptor (JSI) giúp các máy bay này cải thiện đáng kể khả năng chiến đấu, đặc biệt là trong môi trường tác chiến điện tử phức tạp.
Ngoài ra, dòng máy bay chiến đấu F-2, được Nhật Bản và Mỹ hợp tác phát triển, cũng có thể triển khai các phiên bản mới nhất của AIM-120. F-2 là loại máy bay đa năng, có khả năng thực hiện cả nhiệm vụ không chiến và bảo vệ các tuyến đường biển chiến lược.
Thỏa thuận bán tên lửa này phản ánh sự hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa Mỹ và Nhật Bản trong lĩnh vực quốc phòng. Việc Washington phê duyệt thỏa thuận cho thấy cam kết của Mỹ trong việc hỗ trợ đồng minh Nhật Bản đối phó với những thách thức an ninh đang gia tăng trong khu vực.
Đặc biệt, khả năng Nhật Bản tự vận hành và bảo trì các tên lửa mà không cần hỗ trợ lớn từ bên ngoài càng củng cố vị thế của nước này như một đồng minh tự chủ nhưng quan trọng của Mỹ.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ khẳng định, việc bán lô tên lửa này sẽ không làm thay đổi cán cân quân sự trong khu vực. Thỏa thuận cũng không yêu cầu Mỹ phải triển khai thêm lực lượng tại Nhật Bản và không ảnh hưởng đến khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng phòng thủ Mỹ.
Giá trị hợp đồng cuối cùng có thể thay đổi tùy thuộc vào các yêu cầu cụ thể và ngân sách của Nhật Bản.