Chuyển dịch năng lượng thế giới ra sao khi ông Trump vào Nhà Trắng?
Trước việc ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng, các lãnh đạo quốc tế nhấn mạnh rằng, những xáo trộn sắp tới ở Mỹ sẽ không làm chệch hướng quá trình chuyển đổi năng lượng hoặc nỗ lực thực hiện Thỏa thuận Khí hậu Paris.
“Kết quả của cuộc bầu cử này sẽ được coi là một đòn giáng mạnh vào hành động khí hậu toàn cầu, nhưng nó không thể và sẽ không ngăn cản những thay đổi đang diễn ra để phi carbon hóa nền kinh tế và đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris”, bà Christiana Figueres, cựu thư ký khí hậu Liên Hợp Quốc và là một trong những người xây dựng Thỏa thuận Paris 2015, phát biểu.
“Đứng về phía dầu khí đồng nghĩa với việc đi lùi trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Công nghệ năng lượng sạch dự kiến sẽ tiếp tục vượt mặt nhiên liệu hóa thạch, không chỉ vì chúng lành mạnh, nhanh, sạch và phong phú hơn, mà còn vì chúng đánh bại nhiên liệu hóa thạch ở điểm yếu nhất của chúng: Sự bất ổn và kém hiệu quả không thể khắc phục”, bà nói.
Bà Figueres cũng cho biết: “Những công việc quan trọng đang được thực hiện trong các cộng đồng trên toàn thế giới để tái tạo hành tinh và xã hội của chúng ta sẽ tiếp tục, với một tinh thần quyết tâm mới mẻ hơn. Khi có mặt tại Nam Phi để tham dự Giải thưởng Earthshot, tôi nhận thấy rõ rằng có một liều thuốc giải cho sự tuyệt vọng, đó chính là hành động thực tế, và nó đang diễn ra ở mọi ngóc ngách của Trái đất”.
“Chúng tôi sẽ hợp tác với chính quyền Mỹ tiếp theo ở bất cứ đâu có thể để củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và đối phó với các thách thức an ninh chung, bao gồm cả khủng hoảng khí hậu”, bà Jennifer Morgan, Quốc vụ khanh kiêm Đặc phái viên về Hành động Khí hậu Quốc tế của Đức, khẳng định.
“Đối với Đức và EU, quá trình chuyển đổi sang trung hòa khí hậu là nền tảng cho khả năng cạnh tranh trong tương lai”, bà Morgan nhấn mạnh, chỉ vài ngày sau khi Liên minh châu Âu báo cáo mức giảm 8% lượng khí thải nhà kính trong năm 2023, chủ yếu nhờ sự chuyển đổi nhanh chóng sang năng lượng tái tạo.
“Vì vậy, chúng tôi sẽ hợp tác với tất cả các đối tác để tạo sân chơi bình đẳng trong cuộc đua phát triển ngành công nghiệp xanh”, bà nói thêm. “Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các luật khí hậu của mình và hợp tác với các đối tác quốc tế ở mọi cấp chính quyền, xã hội dân sự và khu vực tư nhân để thực hiện đầy đủ và nhanh chóng Thỏa thuận Paris”, bà bổ sung.
“Đúng vậy. Thật tệ”, bà Catherine McKenna, cựu Bộ trưởng Môi trường và Khí hậu Canada, hiện là CEO của Climate and Nature Solutions, nói. “Nhưng chúng ta cần vực dậy, hợp tác với nhau và đẩy mạnh hành động cũng như hoạt động vì khí hậu, bao gồm cả việc nỗ lực nhiều hơn để lôi kéo người dân thường tham gia vào cuộc chiến. Đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái để yêu cầu Chính phủ của họ hành động vì khí hậu”.
Các nhà hoạt động khí hậu tại Mỹ cho rằng nền kinh tế, đặc biệt là lạm phát, là yếu tố then chốt trong cuộc bầu cử vừa qua ở Mỹ – và sự phụ thuộc dai dẳng của quốc gia này vào nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân chính của vấn đề đó.
Sau khi tỷ lệ lạm phát hàng năm của Mỹ đạt mức 9,1% vào tháng 6/2022, Viện Roosevelt đã chỉ ra rằng 1/3 mức tăng này là do giá nhiên liệu hóa thạch. Ngược lại, các chính sách năng lượng sạch của chính quyền Biden-Harris đã tạo ra việc làm trên khắp đất nước, với một phần lớn trong số đó nằm ở các bang, nơi có số lượng phiếu ủng hộ ông Trump một cách áp đảo.
“Nếu ông Trump thực hiện lời đe dọa rút khỏi Thỏa thuận Paris, Mỹ sẽ là bên chịu tổn thất lớn nhất”, ông Bill Hare, Giám đốc điều hành của Climate Analytics và là cựu tác giả của IPCC, nhận định. Nhưng “chúng ta đã từng ở trong tình thế này trước đây – việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump không làm cho Thỏa thuận Paris sụp đổ, như một số nhà phân tích đã dự đoán”, ông cho biết.
Tuy nhiên, ông Hare cũng cảnh báo rằng, “việc Mỹ đảo ngược các hành động khí hậu trong nước dưới thời chính quyền Trump sẽ gây tổn hại cho các nỗ lực nhằm hạn chế mức nóng lên ở ngưỡng 1,5°C. Kỳ vọng duy trì mục tiêu 1,5°C cuối cùng sẽ phụ thuộc vào hành động của tất cả các quốc gia trong những năm tới, cũng như vào những gì Mỹ thực hiện sau khi kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump”.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã bãi bỏ hàng chục quy định môi trường, mở thêm đất để khai thác dầu khí, và nới lỏng các quy định đối với các dự án sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, các tổ chức tại Mỹ cho rằng ông không thể hoàn toàn ngăn chặn làn sóng năng lượng tái tạo vốn được thúc đẩy bởi các chính sách từ thời chính quyền Obama. Hiện tại, các nhà lãnh đạo khí hậu lại một lần nữa thảo luận về các liên minh ở cấp thành phố và tiểu bang nhằm cứu vãn động lực chuyển đổi năng lượng và ứng phó khí hậu tại Mỹ.
“Tôi thực sự hy vọng rằng những cơn bão gần đây tại Mỹ đã khiến Tổng thống Trump phải suy nghĩ lại về niềm tin rằng biến đổi khí hậu sẽ tạo ra ‘nhiều bất động sản ven biển hơn’”, bà Mary Robinson, cựu Tổng thống Ireland và cựu Chủ tịch của The Elders, phát biểu. “Biến đổi khí hậu chỉ mang lại thêm cái chết và sự tàn phá. Vẫn còn phải chờ xem liệu ông ấy có một lần nữa cô lập Mỹ bằng cách rút khỏi Thỏa thuận Paris hay không”.
Giống như lần trước, sự trở lại của ông Trump mở ra cơ hội cho các đối thủ địa chính trị của Mỹ dẫn đầu trong phản ứng khí hậu và nền kinh tế sạch.
“Một lần nữa, Trung Quốc lại đứng trước một thời điểm quan trọng”, ông Yao Zhe, cố vấn chính sách toàn cầu tại Greenpeace Đông Á, nhận định. “Kỳ vọng Trung Quốc sẽ cùng với các quốc gia chủ chốt trấn an thế giới rằng sẽ tiếp tục diễn ra nhiều hành động khí hậu”, bắt đầu với một Đóng góp do Quốc gia Tự quyết mới (NDC) theo Thỏa thuận Paris, trong đó “vạch ra các hành động rõ ràng để chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch”, ông nói.
Biến đổi khí hậu “đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định quan hệ Mỹ-Trung trong thời kỳ Tổng thống Biden”, ông Yao Zhe nói thêm. “Chính quyền Trump có thể xóa bỏ một số thành quả ngoại giao khí hậu đạt được trong những năm gần đây, nhưng sự hợp tác khí hậu giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục ở cấp địa phương và giữa các tổ chức phi Chính phủ”, ông kết luận.