'Không phải trò đùa': Quân đội Mỹ sẵn có kế hoạch đối phó với thảm họa xác sống
Nếu xác sống trỗi dậy, quân đội Mỹ thực sự đã có sẵn một kế hoạch đối phó được vạch ra khá chi tiết.
Tài liệu CONPLAN 8888-11
Khi nhận được lệnh từ Tổng thống hoặc Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ (USSTRATCOM) sẽ triển khai các bước chuẩn bị để bảo vệ dân thường, bảo vệ các cơ sở hạ tầng trọng yếu và tiêu diệt mối đe dọa từ...xác sống (zombie).
Điều đáng chú ý là toàn bộ chiến dịch này sẽ được tiến hành mà không vi phạm quyền của con người – và kể cả là xác sống.
“Bản kế hoạch này không phải là một trò đùa”, tài liệu CONPLAN 8888-11 (Kế hoạch Đối phó Xác sống) được USSTRATCOM ban hành ngày 30/4/2011 nhấn mạnh. Đây là cơ quan chịu trách nhiệm giám sát lực lượng vũ khí hạt nhân chiến lược, năng lực tấn công toàn cầu và phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Kế hoạch này ban đầu được thiết kế để huấn luyện các sĩ quan trẻ trong Hệ thống Lập kế hoạch và Thực hiện Chiến dịch Liên quân (JOPES) của Bộ Quốc phòng. Các giảng viên nhận thấy rằng một viễn cảnh của ngày tận thế với xác sống sẽ là công cụ giảng dạy tốt hơn so với việc sử dụng các tình huống giả định về các quốc gia như Tunisia hoặc Nigeria, vốn dễ bị hiểu lầm là kế hoạch thực tế.
“Chúng tôi đã chọn một kịch bản hoàn toàn không thể xảy ra trong thực tế để tránh bất kỳ sự hiểu lầm nào”, tài liệu CONPLAN 8888-11 đưa ra lời giải thích. “Vì kế hoạch này quá phi lý, học viên không chỉ cảm thấy hứng thú với bài học mà còn hiểu rõ các khái niệm cơ bản trong việc xây dựng kế hoạch và mệnh lệnh một cách hiệu quả”.
Kế hoạch này thể hiện cách mà USSTRATCOM ứng phó với một cuộc nổi dậy toàn cầu của xác sống. Khi quân đội Mỹ ban hành cảnh báo Tình trạng Thây ma (Zombie Condition), Bộ Tư lệnh Chiến lược sẽ bắt đầu triển khai các hoạt động phòng thủ để bảo vệ người dân và các chiến dịch tấn công nhằm vô hiệu hóa xác sống.
Tuy nhiên, với những ai kỳ vọng vào một hướng dẫn chi tiết về cách tiêu diệt xác sống, chắc chắn họ sẽ phải thất vọng. CONPLAN 8888-11 là một kế hoạch chiến lược, tập trung vào việc xác định kẻ thù, bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng, chăm sóc y tế.
Phân loại xác sống
Các nhà lập kế hoạch đã tham khảo các bộ phim kinh điển và trò chơi điện tử nổi tiếng như “World War Z”, “Night of the Living Dead”, và “Plants vs Zombies” để thực hiện phân loại xác sống.
Các loại này bao gồm xác sống nhiễm virus, bị đột biến do nhiễm phóng xạ, do phép thuật, người ngoài hành tinh hoặc do con người tạo ra (Xác sống vũ khí hóa). Thậm chí, còn có cả xác sống ăn chay, đe dọa nguồn cung lương thực của Mỹ vì chúng tiêu thụ ngũ cốc.
Như mọi loài săn mồi, xác sống sẽ nhắm đến những nơi có con người. Các đội quân xác sống được dự đoán sẽ tập trung vào thành phố và các nguồn nước (con người cần nước, còn xác sống thì không). Do xác sống không thể điều khiển phương tiện mà chỉ đi bộ hoặc chạy, nên các con đường sẽ trở thành huyết mạch vận chuyển quan trọng cho binh lính và dòng người tị nạn.
CONPLAN 8888-11 là một kế hoạch nhiều giai đoạn nhằm dập tắt dịch bệnh xác sống. Công tác chuẩn bị sẽ bắt đầu với việc USSTRATCOM và các cơ quan tình báo tiến hành giám sát để phát hiện “các tác nhân gây bệnh có thể dẫn đến hiện tượng xác sống”.
Chính phủ Mỹ cũng sẽ nỗ lực ngăn chặn bất kỳ ai tạo ra xác sống. “Cần lưu ý rằng xác sống không phải là thực thể có nhận thức”, USSTRATCOM nhấn mạnh. “Do đó, chúng không thể bị răn đe hoặc thuyết phục. Tuy nhiên, các lực lượng gây ra hiện tượng xác sống – bao gồm các quốc gia, tổ chức khủng bố với chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt, và các công ty nghiên cứu sinh học phi đạo đức – có thể bị cưỡng chế”.
Quá trình chiến đấu và đối phó thách thức
Khi dịch bệnh bùng phát, lực lượng Mỹ sẽ được huy động. Tuy nhiên, CONPLAN 8888-11 lưu ý cần thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin để đảm bảo Nga và Trung Quốc không hiểu lầm các hoạt động đối phó xác sống của USSTRATCOM là sự chuẩn bị cho chiến tranh.
Sau khi dịch bệnh bùng phát 40 ngày, quân đội Mỹ sẽ chuyển sang tấn công. Khi xác sống bị tiêu diệt, USSTRATCOM sẽ đánh giá thiệt hại và bắt đầu tái thiết lập chính quyền dân sự. Tuy nhiên, các tổ chức khác sẽ cần đảm nhận nhiệm vụ đối phó trực tiếp với bầy xác sống để quân đội Mỹ có thể áp đảo hỏa lực.
“USSTRATCOM không có lực lượng chiến đấu trên mặt đất để đẩy lùi một cuộc tấn công của xác sống”, tài liệu nhấn mạnh. “USSTRATCOM chỉ có thể triển khai hỏa lực thông qua lực lượng không quân, vũ trụ và hải quân”.
Điều này có thể bao gồm cả việc sử dụng vũ khí hạt nhân. USSTRATCOM phải “duy trì kế hoạch khẩn cấp để sử dụng vũ khí hạt nhân trong lục địa Mỹ nhằm xóa sổ bầy xác sống,” theo kế hoạch.
Một thách thức tiềm tàng khác sẽ xuất hiện khi triển khai quân đội Mỹ là các vấn đề pháp lý. Các đạo luật như Posse Comitatus nghiêm cấm việc sử dụng quân đội trong các hoạt động nội địa. Dù thiết quân luật gần như chắc chắn sẽ được ban hành nếu xảy ra dịch bệnh xác sống quy mô lớn, song việc đối phó với các xác sống từng là công dân Mỹ có thể đặt ra câu hỏi về quyền quy định Hiến pháp cũng như các hiệp ước quốc tế và điều lệ của Liên Hợp Quốc về nhân quyền và quy tắc chiến tranh.
Câu hỏi đặt ra là liệu xác sống có còn được coi là công dân Mỹ hay chỉ là các tác nhân gây bệnh có thể bị tiêu diệt. “Luật pháp Mỹ và quốc tế chỉ điều chỉnh các hoạt động quân sự liên quan đến con người và động vật”, tài liệu CONPLAN 8888-11 lập luận. “Hầu như không có giới hạn nào đối với các hành động thù địch có thể được thực hiện – dù là phòng thủ hay tấn công – đối với các dạng sống gây bệnh, thực thể hữu cơ-robot hoặc xác sống ‘truyền thống’”.
Dù được thiết kế như một bài tập huấn luyện thú vị, liệu kế hoạch của USSTRATCOM có thực sự hiệu quả? Quân đội Mỹ rõ ràng không có kinh nghiệm đối phó xác sống nhưng đã từng tham gia ứng phó dịch bệnh, như dịch Ebola năm 2014 tại Tây Phi.
Họ cũng tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc ứng phó thiên tai và thảm họa do con người gây ra, cũng như tái thiết lập chính quyền dân sự ở các khu vực bị tàn phá như châu Âu sau Thế chiến II và Trung Đông.