Bài 5: Cần sớm có chính sách cho nhiệt điện than
Hiện các doanh nghiệp đang chờ những chính sách cụ thể để các nhà máy có thể tiến hành chuyển đổi xanh một cách bền vững, đảm bảo yếu tố môi trường, kinh tế.
Tiến trình chuyển đổi nhiên liệu, đưa phát thải ròng về “0” của các nhà máy nhiệt điện than với hàng loạt các khó khăn, thách thức phía trước đã được chỉ ra.
Việc chưa có lộ trình chuyển đổi cho các nhà máy nhiệt điện than (NMNĐ), dẫn đến khả năng chuyển đổi trước năm 2030 của các nhà máy là không cao nên cần sớm xây dựng lộ trình cụ thể cho việc chuyển đổi các NMNĐ than cũng như các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các nhà máy phải chuyển đổi bao gồm cả cơ chế giá điện, tài chính cho chuyển đổi, nâng cấp, đầu tư mới công nghệ…
![Cần sớm xây dựng lộ trình cụ thể cho việc chuyển đổi các NMNĐ than và các cơ chế chính sách đi kèm. Ảnh minh họa](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_35_51449157/891855bb60f589abd0e4.jpg)
Cần sớm xây dựng lộ trình cụ thể cho việc chuyển đổi các NMNĐ than và các cơ chế chính sách đi kèm. Ảnh minh họa
Cần sớm xây dựng lộ trình cụ thể
Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước phát triển mạnh mẽ, nhu cầu năng lượng phục vụ đời sống và sản xuất ngày càng cao, Bộ Công Thương đã tính toán và đưa ra dự đoán, sản lượng tiêu thụ điện của Việt Nam năm 2024 tăng khoảng 15% và trong những năm tiếp theo sẽ tăng khoảng 8-10%.
Kết quả tính toán cho thấy, tổng công suất các nhà máy điện năm 2030 dự kiến đạt 120.995-145.930 MW và năm 2045 đạt 284.660-387.875 MW (không tính điện mặt trời mái nhà và các nguồn đồng phát). Trong đó, công suất nhiệt điện than đạt 37.467 MW vào năm 2030 và giữ nguyên cho tới năm 2045.
Tại một hội thảo gần đây của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), báo cáo của Viện Năng lượng tại hội thảo nêu, Việt Nam cần sớm xây dựng lộ trình cụ thể cho việc chuyển đổi các nhà máy nhiệt điện than. Lộ trình chuyển đổi sẽ bao gồm danh mục các nhà máy cần chuyển đổi, phương án và thời gian chuyển đổi, nhu cầu tài chính, phương án xử lý nhân sự và tác động môi trường, các vấn đề cần đàm phán về đóng cửa và chuyển mục đích sử dụng cho các nhà máy nhiệt điện than cũ, kém hiệu quả.
Bên cạnh đó, Quy hoạch điện VIII chưa có giải pháp bổ sung nguồn cho các nhà máy nhiệt điện than chuyển đổi trước năm 2030 nên có thể xảy ra thiếu hụt công suất nguồn điện. Đặc biệt, khả năng chuyển đổi trước năm 2030 của các nhà máy không cao, Quy hoạch điện VIII cũng đã xem xét khả năng nhập khẩu điện tăng vào năm 2030 đến 8.000 MW, cao hơn dự kiến là 3.000 MW. Công suất này có thể bù cho công suất thiếu hụt nguồn.
Một yếu tố mà Viện Năng lượng tính đến là việc định hướng đốt kèm sinh khối. Theo đó, nguyên liệu sinh khối của Việt Nam phân bố rải rác, quy mô tập trung không lớn, khó khăn trong việc thu gom sinh khối trong khi các nhà máy điện sinh khối đòi hỏi một lượng lớn nhiên liệu.
Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 80 công ty sản xuất khoảng 4,44 triệu tấn sinh khối/năm (chiếm khoảng 4,5% tiềm năng sinh khối cả nước). Trong đó, khoảng 3 triệu tấn viên nén được xuất khẩu tới Hàn Quốc và Nhật Bản. Do vậy, những nhà máy điện than có công suất nhỏ (dưới 300 MW), gần nguồn cung cấp sinh khối là những nhà máy thích hợp chuyển đổi sang đốt sinh khối.
![Công tác kiểm tra, sửa chữa tại Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng. Ảnh: CTV](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_35_51449157/eadd337e0630ef6eb621.jpg)
Công tác kiểm tra, sửa chữa tại Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng. Ảnh: CTV
Liên quan định hướng chuyển đổi Amoniac xanh và H2 xanh, Viện Năng lượng chỉ ra, công nghệ của Việt Nam hiện còn chưa hoàn thiện, chưa thương mại hóa ở quy mô lớn trong khi giá thành sản xuất cao. Đáng nói, quá trình sản xuất amoniac xanh và H2 xanh có thể gây ra ô nhiễm môi trường và phát thải CO2, do đó cần có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ.
Hiện việc chuyển đổi nhiên liệu của các nhà máy nhiệt điện sang sử dụng amoniac đã được các tổ chức/doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng trên thế giới phát triển nghiên cứu thử nghiệm và cơ bản đã hoàn thành thử nghiệm với tỷ lệ đốt trộn amoniac đạt 20%.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp nhiệt điện than, khó khăn chính là công nghệ đốt trộn amoniac hiện nay trên thế giới chưa hoàn thiện (mới trong giai đoạn thử nghiệm). Chưa có nhà máy điện nào ở Việt Nam cải tiến, thử nghiệm đồng đốt amoniac và có đánh giá về tính kinh tế, kỹ thuật, cũng như các ảnh hưởng tác động đến con người, môi trường, thiết bị.
Mặt khác, hiện nay khả năng cung cấp nhiên liệu amoniac, hay sinh khối ở trong nước còn hạn chế, chưa đảm bảo nguồn cung để vận hành lâu dài và ổn định.
Cuối cùng là vấn đề tài chính cho chuyển đổi. Ước tính tổng chi phí đầu tư để tiến tới "Net Zero" có thể lên tới hàng trăm tỷ USD. Nhiều giải pháp tài chính được đưa ra như đa dạng hóa nguồn vốn, hình thức đầu tư, khuyến khích và tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Hiện những phương án đưa ra chưa thực sự rõ ràng, chưa có cơ chế, chính sách về xã hội hóa, cách thức huy động nguồn vốn tư nhân và nước ngoài, hình thức hợp tác… Do vậy cần thiết phải có cơ chế hỗ trợ cho việc chuyển đổi nhiệt điện than bao gồm các ưu đãi về thuế, phí cũng như cơ chế chính sách hợp lý về giá điện để thu hút được các nhà đầu tư.
Yếu tố môi trường và kinh tế cần phải được đảm bảo song hành
Như đã nói ở trên, các doanh nghiệp đều khẳng định hoàn toàn có thể thực hiện chuyển đổi xanh, điều doanh nghiệp cần là có một lộ trình cụ thể và cơ chế tài chính rõ ràng.
Ông Đặng Kiên Quyết - Phó tổng giám đốc Công ty Nhiệt điện Phả Lại cho hay: "Khấu hao tất cả tính vào giá điện hết, tính đúng tính đủ vào giá điện để sớm thu hồi lại vốn".
![Phòng điều khiển trung tâm của Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại. Ảnh: Hoàng Hải](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_35_51449157/495892fba7b54eeb17a4.jpg)
Phòng điều khiển trung tâm của Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại. Ảnh: Hoàng Hải
Một số loại nhiên liệu khác các có thể thay cho than như khí hóa lỏng ammoniac, nhiên liệu hỗn hợp biomass. Nhưng giá thành đều đắt hơn than, thậm chí gấp 3 lần. Và hiện cũng chưa có cơ chế chính sách về hỗ trợ giá điện chuyển đổi cho nhà máy thí điểm. Trong khi đó các nhà máy vẫn phải cung cấp điện, đảm bảo an ninh năng lượng.
Ông Nguyễn Ngọc Nam - Phó trưởng phòng kỹ thuật, Công ty Nhiệt điện Quảng Ninh bày tỏ: "Chưa có các cơ chế chính sách cụ thể được ban hành bởi các cơ quan quản lý Nhà nước. Phải có phương pháp cụ thể thì mới có thể thuyết phục các nguồn vốn đầu tư ra để thay đổi nhiên liệu".
Đến năm 2030, cả nước sẽ có 15 nhà máy nhiệt điện hoạt động trên 40 năm bắt buộc phải chuyển đổi nhiên liệu. Trong năm nay, cùng với ban hành cơ chế, chính sách, các bộ, ngành sẽ triển khai nhiều cơ chế hỗ trợ.
Hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình chính phủ danh mục phân loại xanh, tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh. Đồng thời có các ưu đãi để cho các doanh nghiệp thực hiện việc chuyển đổi năng lượng xanh sẽ được cấp tín dụng xanh, trái phiếu xanh để phục vụ cho hoạt động chuyển đổi năng lượng của mình.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, việc thúc đẩy các lộ trình triển khai, cũng như các cơ chế hướng dẫn cụ thể về việc chuyển đổi sử dụng nhiên liệu các nhà máy điện than, nhất là các nhà máy có tuổi đời trên 40 năm đang đặt ra cấp bách. Tất cả nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia đồng thời góp phần thực hiện tốt các cam kết quốc tế về chống biến đổi khí hậu.
Tài chính cho đầu tư phát triển nói chung, chuyển đổi năng lượng nói riêng đòi hỏi nguồn vốn lớn, luôn là bài toán đau đầu. Theo các kịch bản chuyển đổi nhiệt điện than trong Quy hoạch điện VIII, ước tính tổng chi phí đầu tư để tiến tới net-zero vào năm 2050 khoảng 533,9 đến 657,8 tỷ USD. Trong đó, đầu tư cho nguồn điện khoảng 499,1 đến 631 tỷ USD.
Các giải pháp có thể được xem xét bao gồm cải tiến kỹ thuật, nâng cấp công nghệ để nâng cao hiệu suất, tăng khả năng vận hành linh hoạt; cải thiện chế độ vận hành, quy trình bảo trì bảo dưỡng; nghiên cứu áp dụng công nghệ lưu trữ CO2, xây dựng lộ trình và cơ chế chuyển dịch các nhà máy nhiệt điện than phù hợp để đảm bảo quá trình chuyển dịch công bằng cho tất cả các bên liên quan.
Có thể khẳng định rằng, xu hướng chung của thế giới, trong đó có Việt Nam là chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh, sạch, giảm nhà máy nhiệt điện than. Định hướng chuyển đổi nhà máy nhiệt điện than của Việt Nam trong Quy hoạch điện VIII phù hợp với các cam kết của Việt Nam về giảm phát thải ròng bằng "0". Song việc chuyển đổi là xu thế mới, do đó sẽ còn nhiều vấn đề phát sinh chưa được nhận biết và đánh giá đầy đủ mà Việt Nam với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế cần phải giải quyết.