Bài 3: Cán bộ '3 cùng' nơi 'rốn lũ' Nậm Tông

'Nơi chốn mình từng đi về trong suốt hàng chục năm qua bỗng một ngày tan hoang. Những người dân bản thân quen giờ chỉ có thể nhìn lại trong bức ảnh chụp vào Ngày hội Đại đoàn kết một năm về trước… Xót xa, đau lòng lắm! Mình phải biến đau thương thành hành động để giúp đồng bào' là những lời tâm sự nghẹn ngào của bà Đặng Thị Sinh, Phó Chủ tịch HĐND xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà về trận lũ kinh hoàng vừa quét qua mảnh đất này.

Nắng đã về sau những ngày mưa ngập trời như muốn hong khô những vũng lầy và cả triền núi đang sạt lưng chừng vẫn trực chờ đổ sụp. Chính trong màu nắng chiếu, những vết thương của đất mới hiện ra một cách rõ ràng nhất. Những vạt núi, quả đồi từng che sương, chắn gió cho bản làng vùng cao Nậm Tông, xã Nậm Lúc giờ nham nhở những vết cào của mẹ thiên nhiên trong cơn giận dữ cách đây không lâu. Giữa khoảng không mênh mông, tiếng xe của bà Đặng Thị Sinh cứ gằn lên những tiếng máy cằn ngược dốc núi. Con đường 10 km từ UBND xã về nơi lũ đi qua cứ vắng lặng dần theo chiều dài xe chạy, rồi dừng lại khi chẳng còn đường đi tiếp.

2 tháng sau trận lũ quét kinh hoàng, xóm Bản Cái, thôn Nậm Tông vẫn ngổn ngang bùn đất. Đâu đó thấp thoáng những mảnh vỡ của mái nhà, vật dụng gia đình biến dạng như chứng tích còn sót lại về một chòm xóm đã từng hiện hữu ở nơi này. Nơi lũ quét qua, bên vệ đường vẫn còn một chiếc quan tài nằm đó. Bà Sinh bật khóc bảo: Vẫn còn một nạn nhân nhỏ tuổi nhất chưa được tìm thấy, em bé ấy mới 1 tuổi.

 2 tháng sau mưa lũ, đường về thôn Nậm Tông vẫn còn lắm gian nan.

2 tháng sau mưa lũ, đường về thôn Nậm Tông vẫn còn lắm gian nan.

Giữa khung cảnh tang thương, dòng ký ức của ngày kinh hoàng ấy bỗng ùa về trong tâm trí người nữ đại biểu. Ngày 10/9, sau khi đi kiểm tra, nắm tình hình ở thôn Nậm Kha 2 trở về UBND xã vào cuối giờ chiều, bà Sinh thấy Trưởng thôn Nậm Tông - Lý A Hải lấm lem bùn đất khắp người, vừa đến bên ngoài trụ sở thì bật khóc nghẹn ngào: Cán bộ ơi, cứu với, dân em chết rồi!

Một tiếng nổ ầm vang lên bên tai, trái tim bà Sinh cùng những cán bộ xã không ngừng run rẩy bởi hung tin. Một đoàn cán bộ xã được cử ngay lên thôn, một nhóm khác được cắt cử ở lại xã trực tình hình, bà Sinh là người ở lại đêm đó. Sáng sớm 11/9, với một chiếc túi đựng ít vật dụng cá nhân, vài chai nước, chiếc bánh mỳ và ít mỳ tôm, bà Sinh cùng 4 người nhận nhiệm vụ tăng cường lên Nậm Tông.

Đường sạt khiến thôn bị cô lập, nước sông Chảy ở phía dưới trung tâm xã cuồn cuộn dâng cao. Để lên Nậm Tông chỉ còn cách đi bộ lắt léo qua những triền đồi tiềm ẩn nguy cơ cao về sạt lở, luồn lách đường rừng trong gần 3 tiếng đồng hồ. Mặt bằng đầu tiên mà bà cùng đoàn đặt chân đến là khoảng sân của một hộ. Giờ phút đó, khung cảnh đó đập vào mắt bà là hình ảnh người chết, người bị thương được đưa từ nơi lũ quét qua nằm la liệt. Tiếng khóc ai oán thương tâm, xé lòng của bản nghèo át cả tiếng mưa.

Kể từ hôm đó, bà Sinh ở lại vùng cô lập Nậm Tông để cùng bà con và các lực lượng chức năng tìm kiếm cứu nạn. Sau giờ phút đau thương lúc đầu, bà Sinh nhanh chóng bắt tay vào công việc, bởi bà hiểu bà con đang cần mình. Đó không chỉ là nhiệm vụ được giao mà còn là mệnh lệnh từ trái tim của nữ cán bộ đã gắn bó 15 năm với rẻo cao này.

Là người phụ trách thôn Bản Cái trước đây, sau này khi sáp nhập vào thôn Nậm Tông, bà Sinh vẫn tiếp tục được phân công phụ trách Chi bộ thôn. 15 năm gắn bó với đồng bào, bà biết rõ từng nếp nhà, nhớ hết từng người dân, am hiểu đường đi lại. Khi dòng bùn đất ngồn ngộn đổ về từ núi cao, 10 mái nhà nằm trên đường lũ quét qua đã không còn bóng dáng. Nhờ kinh nghiệm của mình, bà tham gia cung cấp thông tin, nhận diện nạn nhân, vận chuyển thiết bị giúp lực lượng chức năng trong công tác tìm kiếm cứu nạn.

Mưa lũ khiến vùng cao này bị cô lập, rơi vào cảnh không đường, không điện, không sóng điện thoại. Mặc dù đã chuẩn bị phương án ứng phó với bão lũ nhưng thiên tai thực sự khó lường, lũ quét xảy ra ở vùng đất yên bình của 4 - 5 thế hệ người Mông sinh sống hòa hợp với thiên nhiên trong suốt hàng trăm năm qua khiến tất cả không kịp trở tay. Ngay cả những chiếc áo quan cũng không có để đưa người chết đi chôn cất. Mỗi thi thể được tìm thấy, bà Sinh lại nhói lòng, vừa khóc vừa làm, bà phân công người đi kiếm gỗ về đóng tạm áo quan, người đưa người chết đi chôn cất, an ủi bà con giữa lúc đau thương.

 Bà Đặng Thị Sinh đảm nhiệm công tác hậu cần, phục vụ lực lượng chức năng tìm kiếm cứu nạn.

Bà Đặng Thị Sinh đảm nhiệm công tác hậu cần, phục vụ lực lượng chức năng tìm kiếm cứu nạn.

Trong suốt 15 ngày trên xóm Bản Cái, bà Sinh là người trực tiếp lo công tác hậu cần, vừa tiếp nhận sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các nơi để gửi đến bà con, lo công việc chung và đảm bảo khoảng 400 suất ăn cho cán bộ, chiến sỹ của các lực lượng tìm kiếm cứu nạn, người dân địa phương. Những phần việc diễn ra hối hả từ ngày đến đêm, ngày nối ngày trong điều kiện thiếu thốn, khó khăn đủ bề, nhất là đối với nữ giới.

15 ngày ở thôn cũng là từng ấy ngày bà không thể liên lạc với gia đình. Đêm về, khi mọi người tranh thủ chợp mắt, lòng bà ngổn ngang việc thôn, việc nhà khi ngày bà lên thôn, chồng đi làm xa, bố bị bệnh, mẹ đã già và con còn nhỏ. Mỗi lần có đoàn dân quân hoặc cán bộ về dưới xã, bà chỉ gửi lời báo bình an nhờ mọi người chuyển tới gia đình.

Bà Đặng Thị Sinh sinh năm 1986, là người con của dân tộc Dao ở thôn Nậm Kha 2, xã Nậm Lúc. Bà nằm trong số ít người thuộc thế hệ "8X" ở thôn hoàn thành bậc đại học. Năm 2010, bà bắt đầu công tác ở địa phương với vai trò là cán bộ văn hóa, lao động, thương binh và xã hội; được phân công phụ trách thôn Bản Cái.

Thời điểm ấy, Bản Cái là địa bàn xa xôi, khó khăn của xã, với chừng 20 hộ người Mông. Từ ấy cho tới nay khi sáp nhập thành thôn Nậm Tông, xóm Bản Cái vẫn chưa được phủ sóng. Do vậy, để nắm tình hình của thôn, bà Sinh thường xuyên đi cơ sở nắm tâm tư, nguyện vọng của bà con.

Năm 2019, bà Sinh là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Nậm Lúc; năm 2021, bà là Phó Chủ tịch HĐND xã. Bà cũng là đại biểu HĐND xã 2 khóa liên tiếp. Dù ở cương vị nào, bà cũng luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, gần gũi với Nhân dân, có mặt ở bất cứ nơi đâu khi đồng bào cần, là "cầu nối" đưa chủ trương của Đảng đến gần hơn với bà con và giám sát việc thực hiện để chính sách thực sự đi vào cuộc sống.

 Bà Đặng Thị Sinh có hai lần đi vào "tâm lũ".

Bà Đặng Thị Sinh có hai lần đi vào "tâm lũ".

Bà Sinh vẫn nhớ, năm 2012, khi ấy ở thôn Nậm Chàm xảy ra trận lũ quét khiến hơn chục người chết. Là người trực tiếp lên thôn, tham gia công tác cứu trợ và hậu cần tại chỗ, khi ấy tâm nguyện của nữ cán bộ Đặng Thị Sinh là mong vùng cao Nậm Lúc luôn bình yên, để đồng bào an cư, lạc nghiệp. Thế nhưng lại một lần nữa lũ quét tràn về Nậm Tông, những kinh nghiệm có được từ việc tham gia trận lũ đầu tiên đã giúp bà thêm vững tâm, nghị lực để cùng đồng bào vượt qua đau thương, mất mát.

Ngày chúng tôi lên thôn, nơi ở tạm của 15 hộ người Mông ở xóm Bản Cái là những chiếc lán nhỏ dựng tạm trong khi chờ khu tái định cư hoàn thành. Những chiếc lán như mũ nấm nằm sát nhau trên nền sân của 1 hộ, ở giữa là khoảnh nhỏ nơi lũ trẻ nô đùa. Chỉ vào ngày cuối tuần, nơi này mới vang lên những tiếng cười vui trong trẻo khi những đứa trẻ về nhà sau 1 tuần học bán trú.

 Nơi ở tạm của các hộ dân xóm Bản Cái, thôn Nậm Tông.

Nơi ở tạm của các hộ dân xóm Bản Cái, thôn Nậm Tông.

Vừa dừng xe, bà Sinh gọi từng đứa trẻ đến hỏi thăm về chuyện gia đình, trường lớp và động viên chúng chăm lo học hành. Cuộc chuyện trò bị ngắt quãng khi cách đó không xa, đứa trẻ chừng 1 tuổi khóc ngặt trong tiếng dỗ của cha. Bà Sinh liền đến hỏi thăm, anh Lý Seo Lầu bảo nắng nóng chật chội nên đứa trẻ khó chịu, quấy khóc.

Gia đình anh Lầu vốn nằm ven suối, ngày lũ đổ về, cả nhà anh vội tháo chạy nhưng bố anh thì không may mắn chạy thoát. Không kịp mang theo vật dụng nào, mất bố, mất nhà, giờ đây, gia đình anh gồm mẹ, 2 em và vợ chồng anh cùng con nhỏ đang ở lán dựng tạm. Mong muốn lớn nhất của gia đình anh là sớm được an cư, ổn định cuộc sống. Bà Sinh động viên anh Lầu rằng, chờ một thời gian nữa, khu tái định cư sẽ hoàn thành, bà con sẽ không còn trong cảnh ở tạm nữa. Đảng, Nhà nước và đồng bào khắp nơi đều hướng về Nậm Tông, giờ bà con mình cùng nỗ lực vượt qua khó khăn trước mắt.

Bão lũ đi qua, đau thương dần nguôi ngoai nhưng ngổn ngang trong lòng người và vùng đất vẫn còn đó. Sau thiên tai, ưu tiên hàng đầu được đặt lên là nhanh chóng tái thiết, ổn định cuộc sống Nhân dân. Thực hiện vai trò của người đại biểu, trong suốt 2 tháng qua, hàng tuần bà Sinh vẫn ngược núi về với Nậm Tông, khi thì thăm nắm cuộc sống của bà con, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng để kịp thời nắm tình hình, phản ánh lên các cấp, ngành, khi lại lên khu tái định cư đang xây dựng để xem tiến độ của công trình.

Những tiếng thở dài của đồng bào, rằng "mất nhà rồi giờ biết ở đâu?", "giờ biết trồng cây gì, nuôi con gì để ổn định đời sống?", đáp lại những câu hỏi ấy là sự động viên của nữ đại biểu người Dao rằng nơi ở mới của đồng bào đang được dựng xây, sẽ đẹp hơn, an toàn hơn. Chỉ cần đồng bào mình cố gắng vượt qua khó khăn, tiếp tục chăm chỉ lao động thì ngô, lúa, quế sẽ lại lên xanh, vật nuôi sẽ lại đầy đàn, cuộc sống mới sẽ hồi sinh.

 Bà Đặng Thị Sinh trò chuyện, động viên đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Bà Đặng Thị Sinh trò chuyện, động viên đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Mới đây nhất, bà Sinh tham gia đoàn khảo sát của ngành nông nghiệp về thiệt hại và nhu cầu khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn. Theo thống kê, thôn có hơn 20 ha lúa, gần 22 ha sắn bị thiệt hại, hơn 36 ha cây lâm nghiệp bị ảnh hưởng ở mức trên 70%... Qua nắm tình hình, nguyện vọng của bà con, bà tham gia góp ý kiến, đề xuất về việc hỗ trợ cây trồng, vật nuôi phù hợp với thực tế của địa phương để bà con tái sản xuất.

 Đại biểu Đặng Thị Sinh nắm tình hình tại khu tái định cư Nậm Tông.

Đại biểu Đặng Thị Sinh nắm tình hình tại khu tái định cư Nậm Tông.

Ngay sau bão lũ, nhiều chủ trương, nghị quyết đã được tỉnh ban hành để người dân tái thiết cuộc sống. Đó là việc hỗ trợ nhà ở cho các hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, hỗ trợ bà con phát triển kinh tế, miễn học phí cho học sinh vùng thiên tai của Lào Cai trong năm học 2024 - 2025… Với vai trò của mình, bà Sinh không chỉ rà soát đối tượng được thụ hưởng, tuyên truyền để người dân nắm được mà bà còn tham gia giám sát để các chính sách được triển khai đúng đối tượng, đúng mục đích.

Tự trong thâm tâm, bà luôn suy nghĩ phải cố gắng làm tròn vai trò của một người đại biểu dân cử, nhất là trong hoàn cảnh khó khăn của địa phương như hiện nay để xứng đáng với niềm tin, kỳ vọng và trách nhiệm cử tri giao phó.

Nội dung: Tuấn Ngọc - Quỳnh Trang
Trình bày: Khánh Ly

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/bai-3-nu-dai-bieu-nguoi-dao-noi-ron-lu-nam-tong-post393483.html
Zalo