Tiểu thuyết gia về lịch sử phong tục miền Nam xưa

Với những độc giả say mê sách về đề tài đời sống xã hội miền Nam những năm đầu thế kỷ XX, Hồ Biểu Chánh là cái tên không thể nào không nhắc đến.

Có những độc giả đã đọc đi đọc lại nhiều lần, gần như “thuộc hết các tiểu thuyết của ông” bởi Hồ Biểu Chánh đã họa lại không khí một thời, tạo nên sức sống mãnh liệt cho tác phẩm và lay động nhiều thế hệ bằng văn phong bình dị rất riêng của mình.

Có người đã ví Hồ Biểu Chánh như một “sử gia của thời hiện tại” bởi thế hệ sau có thể tìm thấy trong kho tiểu thuyết của ông rất nhiều dữ kiện về lịch sử, văn hóa, xã hội, về phong tục và cuộc sống người dân miền Nam những năm đầu thế kỷ XX.

Hồ Biểu Chánh tên thật là Hồ Văn Trung, tự Biểu Chánh, hiệu Thứ Tiên. Ông sinh ra tại Gò Công năm 1885 trong gia đình nghèo đông con, tới năm 9 tuổi mới học chữ nho tại trường làng, sau này mới được tiếp xúc chữ quốc ngữ và tiếng Pháp.

Hồ Biểu Chánh bắt đầu viết văn khi ngoài 20 tuổi, nhưng ông đã nhanh chóng trở thành một trong những nhà văn tiêu biểu của văn học Việt Nam buổi giao thời 1900 - 1930. Gia tài văn chương ông để lại rất đồ sộ với hơn 130 tác phẩm ở nhiều thể loại như truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện văn vần, hài kịch, tuồng hát, văn tế, thơ, tùy bút phê bình, biên khảo, hồi ký và dịch thuật.

Nhưng tiểu thuyết vẫn là thể loại chiếm phần lớn trong kho tàng tác phẩm của Hồ Biểu Chánh và được yêu thích hơn cả. Có thể nói, Hồ Biểu Chánh là nhà văn thuộc thế hệ mở đường cho dòng tiểu thuyết Việt Nam hiện đại.

Từ tiểu thuyết đầu tay "Ai làm được" năm 1912, ông đã liên tục cho ra đời nhiều tiểu thuyết như “Cay đắng mùi đời”, “Nhân tình ấm lạnh”, “Ngọn cỏ gió đùa”, “Cha con nghĩa nặng”, “Khóc thầm”, “Con nhà nghèo”, “Con nhà giàu”, “Một chữ tình”, “Tiền bạc, bạc tiền”, “Kẻ làm người chịu”... Một đời say mê viết, tiểu thuyết cuối cùng của ông - "Hy sinh" vẫn chưa kịp hoàn thành thì ông đã qua đời vào năm 1958.

Với lối viết gần gũi, tự nhiên, ngôn ngữ bình dị gần lời nói thường ngày, các tiểu thuyết của ông được đông đảo bạn đọc đón nhận. Có những thời kỳ, tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh đã “làm mưa làm gió” khắp thành thị đến thôn quê xa xôi. Trên các trang thương mại điện tử về sách ngày nay vẫn có thể thấy nhiều bạn đọc bày tỏ niềm yêu thích với văn chương Hồ Biểu Chánh, đặc biệt là tiểu thuyết, bởi những ngẫm suy, triết lý về cuộc sống trong các câu chuyện vẫn còn phù hợp cho đến bây giờ.

Với gia tài khoảng hơn 70 tiểu thuyết, Hồ Biểu Chánh đã bao quát bức tranh hiện thực xã hội và những nét văn hóa đặc trưng của Nam Bộ những thập niên đầu thế kỷ XX. Hầu hết tác phẩm của ông đều đề cao tính nhân nghĩa, coi trọng luân thường đạo lý, "thương" cho thân phận của những thường dân rơi vào cảnh cùng quẫn, bất công, lên án sự tha hóa của con người, cảnh tỉnh sự "ác giả ác báo".

Đặc biệt, các tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh có thể được coi là một bộ lịch sử phong tục về một miền Nam thế kỷ trước với nhiều chất liệu văn hóa, đã trở thành nguồn cảm hứng để chuyển thể thành phim, kịch, cải lương... được khán giả vô cùng yêu thích.

Đáp ứng sự ái mộ của độc giả với văn chương Hồ Biểu Chánh, năm 2024, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh đã giới thiệu đến bạn đọc nhiều tựa sách của Hồ Biểu Chánh với khoảng 30 đầu sách và sẽ tiếp tục còn mở rộng danh sách tác phẩm trong thời gian tới đây.

Vân Lam

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tieu-thuyet-gia-ve-lich-su-phong-tuc-mien-nam-xua-688261.html
Zalo