Khơi dậy sức mạnh nội tại, nhân lên sức mạnh truyền thống

Trong suốt chiều dài lịch sử, Quân khu 4 là một trong những địa bàn chiến lược, nơi in đậm dấu ấn của những chiến công vang dội và truyền thống anh hùng bất khuất. Để phát huy tinh thần ấy, công tác giáo dục truyền thống luôn được Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 4 đặc biệt chú trọng, xem đây là biện pháp để khơi dậy sức mạnh nội tại, nhân lên sức mạnh truyền thống để cán bộ, chiến sĩ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Những ngày này, tại Trung đoàn 19 (Sư đoàn 968), trong tiết trời se lạnh, từng dòng người nối tiếp nhau tham quan Triển lãm “Quân đội anh hùng-quốc phòng vững mạnh” do Bảo tàng Quân khu 4 phối hợp với Sư đoàn 968 và huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) tổ chức. Tại đây, 182 hình ảnh, 39 tư liệu, hiện vật quý, bố cục chặt chẽ, khoa học, giới thiệu về lịch sử từ ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam đến nay, không chỉ là những minh chứng vật chất mà còn là biểu tượng sống động về tinh thần quật cường của quân và dân ta trong đấu tranh giành độc lập, tự do, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trung tá QNCN Nguyễn Hữu Hoành, nhân viên Bảo tàng, bằng lời thuyết minh sâu sắc đã “thổi hồn” vào từng câu chuyện lịch sử, khiến khách tham quan không khỏi xúc động. Em Trần Thị Hà Thu, học sinh Lớp 10A9, Trường THPT Cam Lộ, chia sẻ: “Em rất xúc động khi được tham dự triển lãm. Qua đây, giúp em thêm hiểu rõ truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng; những đóng góp to lớn của quân và dân khu 4 trong những giai đoạn lịch sử vẻ vang của dân tộc. Từ đó thêm tự hào về lịch sử của dân tộc, truyền thống của cha ông ta; nhắc nhở em phải nỗ lực học tập để xứng đáng với truyền thống vẻ vang”.

 Bảo tàng Quân khu 4-"địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cho bộ đội và học sinh trên địa bàn.

Bảo tàng Quân khu 4-"địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cho bộ đội và học sinh trên địa bàn.

Trên địa bàn Lữ đoàn Công binh 414 đóng quân có rất nhiều khu di tích lịch sử, "địa chỉ đỏ", trong đó có Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An)-nơi lưu giữ những kỷ vật vô giá về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi dịp lễ, tết, nhất là sinh nhật Bác, Lữ đoàn đều tổ chức cho bộ đội tham quan tại đây. Những chuyến đi này không chỉ là dịp tìm hiểu lịch sử, truyền thống mà còn là cơ hội để cán bộ, chiến sĩ sống lại những giá trị thiêng liêng. Vui sướng được hòa mình vào dòng người về viếng Bác, Binh nhất Nguyễn Tiến Hiếu, chiến sĩ Đại đội 11 (Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn Công binh 414), tâm sự: “Được về thăm quê Bác Hồ, giúp em hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp vĩ đại của Bác và ý thức rõ hơn trách nhiệm của bản thân trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người; ra sức huấn luyện, rèn luyện, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”.

Quân khu 4 còn sáng tạo và hiện đại hóa công tác giáo dục truyền thống bằng cách ứng dụng công nghệ, xây dựng phòng đọc tích hợp điện tử, quét mã QR để tìm hiểu lịch sử. Nhiều đơn vị trong Quân khu đã xây dựng Phòng đọc internet và các mô hình giáo dục truyền thống trực quan; tổ chức thi tìm hiểu thông qua các mô hình trò chơi và nền tảng xã hội. Trung tá Nguyễn Xuân Chiến, Trưởng ban Tuyên huấn (Phòng Chính trị Sư đoàn 324), chia sẻ thêm: “Chúng tôi đã tận dụng mạng xã hội để tổ chức các cuộc thi tìm hiểu truyền thống trực tuyến trên website, Facebook của đơn vị. Dịp này, đơn vị cũng tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ tích cực tham gia thi trực tuyến tìm hiểu 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Đây là cách làm vừa hiện đại, vừa tiết kiệm thời gian, tiền bạc nhưng hiệu quả mang lại rất cao”.

Một trong những điểm nổi bật trong công tác giáo dục truyền thống tại Quân khu 4 là sự linh hoạt, sáng tạo trong cách triển khai. Hằng năm, bên cạnh hoạt động giáo dục thông qua bài giảng, các cơ quan, đơn vị trong Quân khu còn đẩy mạnh giáo dục truyền thống trên hệ thống truyền thanh nội bộ, pa nô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu; thông qua triển lãm, các hội thi tìm hiểu, tọa đàm, diễn đàn, sân khấu hóa, văn hóa-văn nghệ, chiếu phim, giao lưu với nhân chứng lịch sử, tham quan di tích lịch sử, viếng nghĩa trang liệt sĩ... Điều này không chỉ khiến bộ đội hứng thú, nắm vững kiến thức về truyền thống mà còn gắn kết chặt chẽ với giá trị văn hóa, lịch sử địa phương, khắc sâu thêm giá trị lịch sử truyền thống.

Đại tá Phạm Xuân Hà, Trưởng phòng Tuyên huấn (Cục Chính trị Quân khu 4) nhấn mạnh: “Thông qua các hoạt động đã khơi dậy niềm tự hào, lòng yêu nước và tình cảm biết ơn sâu sắc công lao to lớn của các thế hệ cha ông đi trước; góp phần khơi dậy sức mạnh nội tại, nhân lên sức mạnh truyền thống, tạo sự đồng lòng, quyết tâm cao độ trong mỗi cán bộ, chiến sĩ; trở thành động lực quan trọng, bảo đảm cho cán bộ, chiến sĩ luôn nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, nhất là nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, diễn tập, giúp dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và các nhiệm vụ khác trên giao”.

Bài và ảnh: HOÀNG THÁI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/khoi-day-suc-manh-noi-tai-nhan-len-suc-manh-truyen-thong-808307
Zalo