Nghệ sĩ nhân dân Xuân Theo: Tự hào là người nghệ sĩ mặc áo lính
Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Xuân Theo tên thật là Đặng Thị Theo năm nay đã 76 tuổi, nguyên là diễn viên của Nhà hát Chèo Quân đội. Xuân Theo đã để lại dấu ấn trong lòng công chúng với vai Nguyên Phi Ỷ Lan (vở 'Bài ca giữ nước'), vai nàng Châu Long (vở 'Lưu Bình Dương Lễ')...
Mới đây, bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND, khẳng định những đóng góp của bà, với những vai diễn để đời cùng một giọng ca hiếm có.
- Tôi bắt đầu làm nghề từ năm 1964, từng đóng rất nhiều vai nhưng để mình nhớ nhất vẫn là vai Nguyên Phi Ỷ Lan trong vở “Bài ca giữ nước” của cố NSND Tào Mạt, vai nàng Châu Long vở “Lưu Bình Dương Lễ”. Mỗi khi gặp lại công chúng mến mộ, họ vẫn muốn tôi hát lại câu hát sử của “Bài ca giữ nước”. Lúc thử vai vở này, tôi chưa được học kịch bản, cụ Tào Mạt thử bằng cách cụ hát trước, tôi hát sau, tức là cụ muốn đo thần thái của mình. Sau buổi đầu tiên diễn vở, đạo diễn Tào Mạt đã ôm vai tôi, không nói gì mà chỉ thấy mắt ông rưng rưng. Bộ ba tác phẩm chèo chính luận “Bài ca giữ nước” đã trở thành một trong những tác phẩm chèo mẫu mực, được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 (1996).
- Bà cũng đã khắc họa thành công hình ảnh phụ nữ Việt Nam trung hậu, đảm đang, giỏi việc nước, đảm việc nhà trong một số vở chèo kinh điển khác?
- Sau thành công của vở chèo “Bài ca giữ nước”, tôi còn được cố NSND Tào Mạt giao vai trong chùm chèo ngắn của ông gồm: “Bông hồng - bà sư đuổi chuột”, “Anh lái xe và cô chống lầy”, “Chuyến đò sông Mã”. Tôi nhớ mãi vở “Chuyến đò sông Mã”, tôi nhận vai cô thanh niên xung phong. Mặc dù vở chèo ngắn ấy chỉ có hai vai diễn nhưng đã nói lên được ý chí quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ của người dân Việt Nam.
Trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, để trưởng thành hơn trong nghề nghiệp, chúng tôi luôn xác định phải tự học, nghe và xem các anh chị đi trước làm nghề như thế nào. Tất nhiên, để làm được điều đó thì tự bản thân mình phải rất yêu, rất quý, rất say nghề thì mới có được những thành quả gửi đến khán giả.
- Trong gia đình có ai theo nghệ thuật và định hướng cho bà từ những năm tuổi nhỏ không?
- Gia đình tôi ở Hưng Yên, không có ai theo nghệ thuật. Hồi nhỏ, tôi vẫn thường được nghe các chương trình giới thiệu âm nhạc cổ truyền trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Một dịp, có đoàn của Tỉnh đội Hưng Yên về xã Mai Động, huyện Kim Động biểu diễn. Tôi bỏ cơm chiều, đến từ rất sớm để xem các cô, chú nghệ sĩ hóa trang và biểu diễn. Ngày hôm sau, họ thông báo tuyển sinh và ngay lập tức tôi tham gia thi tuyển. Ban đầu, người ta thử giọng cao, thấp, thử tai mình nghe có chuẩn không. 3 ngày sau, họ đã có thông báo trúng tuyển và cho người về đón. Năm ấy tôi mới 14 tuổi, bố tôi thấy còn nhỏ nên không cho đi theo đoàn văn công, nhưng được sự ủng hộ của mẹ, tôi đã theo các cô chú xuống Tỉnh đội Hưng Yên, học hát chèo với các bác, các anh chị đi trước. Năm 1968, Tổng cục Hậu cần đã về đón toàn bộ đoàn văn công của Tỉnh đội Hưng Yên và chúng tôi trở thành nghệ sĩ mặc áo lính, cùng nhau xây dựng đoàn chèo của Tổng cục.
- Những năm chiến tranh ác liệt, nghệ sĩ Xuân Theo cũng là một trong những diễn viên tích cực tham gia các đoàn công tác đi biểu diễn phục vụ chiến sĩ, bộ đội, góp “tiếng hát át tiếng bom”, hun đúc tinh thần cho quân và dân?
- Đoàn văn công Tổng cục Hậu cần hồi ấy phải chia nhỏ, từng nhóm, mang những trích đoạn chèo, bài chèo ngắn đi hát phục vụ chiến sĩ. Mỗi người chúng tôi chịu trách nhiệm nội dung của một trích đoạn chèo. Hồi ấy vất vả lắm! Tôi đã có hai con nhỏ, đành mang về quê nhờ ông bà nội, ngoại trông. Cả hai vợ chồng tôi đều hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, đều là người trong quân đội, cùng ở đoàn văn công. Có những đợt công tác miền Nam dài 6 tháng, khi về con cũng không nhớ mặt mẹ. Nhưng trong không khí đất nước đang chiến tranh, mọi người đều hướng về tiền tuyến nên các nghệ sĩ như chúng tôi cũng như được cuốn theo. Tôi vẫn nhớ hồi ấy mình gầy mảnh, ăn uống cũng kham khổ. Có những khi biểu diễn, phải pha thêm một cốc chè đường để uống, rồi lại hát vô tư. Biểu diễn xong, các đồng chí nấu cho diễn viên nồi cháo để ăn. Dù khó khăn nhưng chúng tôi luôn vui, không ngại ngần trước bất cứ nhiệm vụ gì, trèo đèo, lội suối băng băng.
- Là một nghệ sĩ hát chèo phục vụ trong quân đội, điều gì khiến bà cảm thấy tự hào?
- Đây là điều may mắn trong cuộc đời của tôi. Nếu nói về việc học nghề, làm nghề, với nghệ thuật chèo truyền thống cũng không khác nhiều so với các đồng nghiệp ở môi trường bên ngoài. Nhưng, tôi là người nghệ sĩ mặc áo lính, môi trường luôn đòi hỏi sự nghiêm túc, chỉn chu. Chính điều đó khiến cho mình cảm thấy vui hơn, may mắn hơn để cống hiến. Cho đến khi nghỉ hưu, tôi vẫn dành thời gian hướng dẫn cho lớp trẻ, tham gia hát lồng cho các vở diễn, tham gia câu lạc bộ hát dân ca với các nghệ sĩ. Mỗi khi gặp các bạn trẻ hay người hâm mộ, nếu có ai bảo hát câu này, điệu kia thì tôi sẵn sàng hát tặng mọi người. Sự yêu thích của các bạn với nghệ thuật truyền thống khiến cho mình vui, hào hứng để lan tỏa cái hay của nghệ thuật chèo.
- Trân trọng cảm ơn NSND Xuân Theo!