Bài 2: Những tháng ngày không quên
Lệnh ngừng bắn ở Nam Bộ bắt đầu từ 7 giờ sáng ngày 11/6/1954. Đến ngày 20/7/1954, Hiệp định Geneva được ký kết, đất nước ta tạm thời chia cắt thành 2 miền, dự kiến 2 năm sau sẽ tiến hành hiệp thương tổng tuyển cử, thống nhất đất nước. Theo hiệu lệnh từ Trung ương, Cà Mau được lựa chọn làm khu vực tập kết tạm thời 200 ngày. Các tỉnh thuộc miền tây có 15 ngày để chuyển quân tập kết về Cà Mau...
Theo các điều khoản đã được ký kết và thống nhất, trên con đường chuyển quân, đối phương phải rút hết lực lượng và đồn bót. Ðến ngày 27/7/1954, quân đội liên hiệp Pháp cùng các cơ quan hành chính cai trị đã rút khỏi thị trấn Cà Mau, Tắc Vân để ta tiếp quản.
Những ngày yên bình, tự do
Khu tập kết 200 ngày bao gồm bán đảo Cà Mau, bắt đầu từ Vịnh Thái Lan vào bờ nam sông Cái Lớn đến ngã ba sông Nước Trong, qua kênh xáng Ngan Dừa, xuống ngã tư Vĩnh Phú đến Vĩnh Hưng, ra Biển Ðông. Phần lớn khu vực này là vùng giải phóng. Ngày 25/8/1954, ta lập Ủy ban Quân chính tiếp quản khu tập kết, trong đó trung tâm tập kết dọc tuyến kênh xáng Chắc Băng.
Trung ương Cục miền nam chủ trương xây dựng khu tập kết Cà Mau thành hình mẫu chính quyền cách mạng, một chính quyền của dân, do dân và vì dân, để đồng bào cảm nhận sâu sắc, so sánh với chế độ quốc gia giả hiệu, tay sai của Pháp-Mỹ, tạo tiền đề cho các tầng lớp nhân dân đấu tranh giữ lấy những quyền lợi mà cách mạng đã đem lại cho người dân.
Theo cuốn sách “Tây Nam Bộ 30 năm kháng chiến, 1945-1975”, trong 200 ngày tập kết, Ðảng bộ, quân và dân tỉnh Cà Mau đảm nhận trọng trách bộn bề nhưng cũng hết sức vẻ vang để hoàn thành nhiệm vụ mà Ðảng, Bác Hồ và Trung ương Cục tin cậy giao phó.
Trong thời gian trên, ta đã cấp hơn 12.000ha đất cho nông dân; xây dựng hàng trăm căn nhà mới cho những gia đình sống lang thang, không nơi nương tựa, cấp phát lương thực, thực phẩm cho những người đói nghèo; sửa trường cũ, xây thêm trường mới. Toàn khu tập kết có 875 trường, có cả trường cho con em đồng bào Khmer.
Cán bộ, bộ đội còn tích cực làm công tác chống dốt. Trong thời gian 200 ngày, ta đã mở 200 lớp học bình dân, xóa 75% số người chưa biết chữ. Ta lập thêm 24 trạm y tế, nhà bảo sanh, điều trị, cấp phát thuốc cho hơn 10.000 lượt người bệnh trong khu vực. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao nở rộ; nhân dân được đi lại tự do, mở mang việc buôn bán, làm ăn...
Theo nhìn nhận của ông Nguyễn Phước Thẩm, người tham gia tập kết nhưng sau đó có lệnh trụ lại, vùng Cà Mau trong thời gian tập kết chuyển quân như ngày hội nhưng an ninh trật tự trong vùng luôn được bảo đảm, ban đêm không có giới nghiêm, nhà không đóng cửa, đồ đạc không sợ bị trộm cắp…
“Ðồng bào ghi nhận tinh thần phục vụ và thái độ đối xử của cán bộ cách mạng lúc nào cũng vui vẻ, nhã nhặn…, khác hẳn với chính quyền bù nhìn và lính đánh thuê. Đặc biệt, từ khi cách mạng tiếp quản, tệ nạn rượu chè, cờ bạc, thuốc phiện, trộm cắp... ở các thị trấn, thị tứ do địch tạm chiếm hầu như không còn”, ông Thẩm chia sẻ.
Trong khi đó, theo đánh giá của nhà thơ Nguyễn Bá, nhân chứng lịch sử gắn bó sâu nặng với mảnh đất Cà Mau, 200 ngày tập kết không nhiều nhưng đó là những tháng ngày người dân cảm thấy được sống trong yên bình, tự do, nhất là việc cấp đất cho dân. Đây được xem là như “lá bùa hộ mệnh” để bà con nông dân hết lòng theo Ðảng trong cuộc chiến trường kỳ đến ngày toàn thắng.
Những điều hay của chế độ mới, những việc làm của chính quyền dân chủ nhân dân, vì dân in đậm dấu ấn trong ký ức của người dân Cà Mau và người dân ở khắp miền Tây Nam Bộ đến để tiễn đưa người thân đi tập kết. Hơn ai hết, họ đã được trực tiếp tai nghe, mắt thấy những việc tốt, những điều hay về bình yên, tự do, hạnh phúc...
Tranh thủ 200 ngày ngắn ngủi ở vùng tập kết, Cà Mau đã tập trung xây dựng được lực lượng cách mạng tại chỗ, bồi dưỡng sức dân, củng cố vững chắc hậu phương, chuẩn bị các nguồn lực để phục vụ nhiệm vụ cách mạng lâu dài như đúc kết của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn: “Mảnh đất mà chính quyền cách mạng giao cho hôm nay là lá bùa hộ mệnh cho cách mạng miền nam sau này”.
“Căn cứ lòng dân”, mấu chốt làm nên lịch sử
Ngay sau Hiệp định Geneva, ngày 22/7/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi đồng bào cả nước, khẳng định công lao to lớn của nhân dân miền nam “đi trước về sau”.
Người nói rõ: “Ðồng bào miền nam kháng chiến trước hết, giác ngộ rất cao. Tôi chắc rằng đồng bào sẽ đặt lợi ích cả nước lên trên lợi ích địa phương, lợi ích lâu dài lên trên lợi ích trước mắt, mà ra sức cùng đồng bào toàn quốc phấn đấu để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ trong toàn quốc. Ðảng, Chính phủ luôn luôn theo dõi sự cố gắng của đồng bào và tin chắc rằng sẽ thắng lợi”.
Trong 200 ngày ngắn ngủi, Cà Mau hoàn thành việc “xây dựng hình mẫu chính quyền cách mạng mới”, tiêu biểu về chính trị, kinh tế, văn hóa của chế độ dân chủ cộng hòa. Trong đó, một trong những mấu chốt tạo căn cứ hậu phương vững chắc sau này giúp cách mạng thành công chính là việc bồi dưỡng sức dân, cấp đất cho nông dân.
Theo mô tả của ông Trần Bạch Ðằng (từ năm 1951 là Tổng Biên tập Báo Nhân Dân miền nam và gắn bó với Cà Mau) về vùng tự do Tây Nam Bộ - Khu 9 thời kháng Pháp, trong đó có Cà Mau: “Dồi dào về nhân lực, phì nhiêu về ruộng đất, giao thông đường thủy thuận lợi. Ở đây, chế độ dân chủ nhân dân được thiết lập và là ngọn cờ hiệu triệu cuộc kháng chiến cả Nam Bộ”.
Nhận diện trước dã tâm và thủ đoạn của kẻ thù mới, cách mạng đã lo sớm, phòng xa với tầm nhìn chiến lược. Trong thời gian tập kết, ta đã chôn giấu 2.000 khẩu súng cùng 6 tấn vũ khí từ Trung ương đưa ngược vào theo các chuyến tàu nước bạn Liên Xô, Ba Lan chạy vu hồi vô Nam cùng với nhiều máy móc, phương tiện thông tin cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến.
Theo nhà thơ Nguyễn Bá: “Nhờ vậy, mấy năm sau, ta có súng trang bị cho các đơn vị vũ trang đầu tiên. Những hầm súng của ta như kho báu vật, hết sức cần”.
Theo lệnh của Bác Hồ, Trung ương Ðảng và Xứ ủy về việc lựa chọn cán bộ ở lại miền Nam tiếp tục lãnh đạo cách mạng trong tình hình mới, Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn khi ấy dù được thấy đã lên tàu tập kết, song đã bí mật ở lại với Cà Mau, với miền Nam.
Tại Cà Mau, đồng chí Lê Duẩn đã khởi thảo những dòng đầu tiên “Ðề cương đường lối cách mạng miền Nam”, là tiền đề để Trung ương Ðảng ban hành Nghị quyết 15, xác định rõ con đường tiến lên của cách mạng miền nam.
Căn cứ địa lòng dân vững chắc của đất và người Cà Mau đã che chở, cưu mang, bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các đồng chí cán bộ lãnh đạo cao cấp của cách mạng trong những thời khắc cam go.
Cũng nhờ vậy, Cà Mau được chọn là vùng căn cứ địa đứng chân của Trung ương Cục miền nam, Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ, Mặt trận Liên Việt và các đoàn thể cứu quốc - đầu não lãnh đạo kháng chiến của Nam Bộ.
Gắn với đó là tên tuổi của những nhà lãnh đạo cách mạng lẫy lừng của Nam Bộ, của Ðảng, như: Lê Duẩn, Lê Ðức Thọ, Ung Văn Khiêm, Phạm Hùng, Nguyễn Bình...; những nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo tầm cỡ như: Cao Triều Phát, Hoàng Xuân Nhị, Phạm Thiều, Ca Văn Thỉnh, Kha Vạn Cân, Nguyễn Ngọc Hưởng, Trần Hữu Nghiệp...; những nhà báo, nhà văn, văn nghệ sĩ cách mạng hàng đầu như: Thiếu Sơn, Dương Tử Giang, Nguyễn Bính, Diệp Minh Châu...
Theo ông Trần Bạch Ðằng, Cà Mau còn là “khu công binh xưởng, công an xưởng ngày đêm sản xuất vũ khí đánh giặc, trang bị cho quân đội cả Nam Bộ”. Cùng với đó, “Viện Văn hóa kháng chiến, các cơ quan tư tưởng và văn hóa của Ðảng Cộng sản đã xây dựng được một nền văn hóa kháng chiến đủ sức lấn át văn hóa của vùng tạm chiếm với các tạp chí văn nghệ, đài phát thanh, nhà xuất bản, đoàn văn công và đặc biệt với Báo Nhân dân miền nam”.
Ðây còn là cái nôi để đào tạo, nuôi dưỡng cho nhiều thế hệ hạt giống đỏ và cán bộ của cách mạng từ hệ thống trường học kháng chiến; Trường Ðảng Trường Chinh…
Theo nhà thơ Nguyễn Bá, sự kiện 200 ngày tập kết ở Cà Mau còn là tiền đề, điều kiện “nhân - quả” để Cà Mau tiếp tục tạo ra những kỳ tích lẫy lừng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong đó có việc khai mở tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại gắn với người con xứ biển anh hùng của Cà Mau Bông Văn Dĩa. Đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành huyết mạch chiến lược chi viện sức người, sức của cho toàn chiến trường miền nam, góp phần đi đến thắng lợi hoàn toàn.
-----------------
Bài viết có tham khảo và dẫn nguồn tư liệu từ các bài báo “Những đặc điểm Cà Mau trước, trong và sau khi tập kết” của nhà thơ Nguyễn Bá; “Vàm sông Ông Ðốc những ngày giáp Tết Ất Mùi” của tác giả Trần Bạch Ðằng