Đứa con của rừng 'nuôi lửa' trong mình

Trong truyện dài 'Con thiêng của rừng', nhà văn Trung Trung Đỉnh không chỉ tái hiện cuộc đời của cố họa sĩ Xu Man – người được mệnh danh là 'cánh chim đầu đàn' của mỹ thuật Tây Nguyên, mà còn đồng thời khắc họa một vùng cao nguyên với những dấu ấn vô cùng độc đáo.

Cuốn sách theo đó đã tái hiện lại cuộc đời của cậu bé Siêu Dơng (tên thật của họa sĩ Xu Man) từ lúc bé thơ đến khi trưởng thành và có những bước đầu tiên đến với hội họa. Với một con người mà cả cuộc đời có nhiều biến động, nhà văn Trung Trung Đỉnh đã khắc họa điều đó một cách ấn tượng với nhiều bước chuyển của số phận bất ngờ. Tất cả được kể một cách chân thành, không đao to búa lớn mà đầy giản dị như chính con người của nhân vật này.

Một thuở đớn đau

Lấy bối cảnh thập niên 1930, nhà văn Trung Trung Đỉnh bắt đầu tác phẩm bằng việc tái hiện lại bầu không khí của một vùng đất chịu nhiều ảnh hưởng từ những hủ tục. Ở đó, gia đình cậu bé Siêu Dơng đã bị chánh tổng H’Ngới bán cho tri phủ Môr với giá là 10 con trâu do một món nợ truyền kiếp từ thời ông bà để kể từ đó, nhà cậu chính thức trở thành nô lê.

Trong khi cha mẹ đổ mồ hôi, sôi nước mắt làm lụng quần quật trên đồng cho hắn, thì cậu phải chịu nhiều sự sỉ nhục và áp bức của lũ con lão. Chúng coi cậu như trò tiêu khiển, không phải là người. Mọi thứ cứ thế trôi đi, để chính cũng vì những hủ tục này mà bọn trọc phú, chủ làng, chúa đất đã không ngại ngần tước đoạt hạnh phúc, tự do của bất cứ ai, đẩy họ vào vòng mất mát cũng như đau khổ.

Ở điểm này, tác giả cũng cho ta thấy được sự tham tàn nói trên có sự liên đới với việc tẩy não của thực dân Pháp. Ở làng Plei Bông mà ông lấy làm bối cảnh cũng như là những nơi khác, thực dân Pháp đã dựng nên những chánh tổng, tri phủ để đàn áp, bóc lột chính bà con mình. Sự biến chất ấy còn lan đến thế hệ sau. Chẳng hạn như Ring - con trai lão Môr - làm thư ký cho Pháp tại An Khê, đi tới làng nào thì sẽ bắt vợ ngay tại làng đó miễn là ưng mắt bằng cách mua chuộc, dụ dỗ hoặc thậm chí là thị uy, ép buộc, do đó vợ và con hắn không thể đếm xuể...

Bằng nghệ thuật tương phản, Trung Trung Đỉnh đã khơi gợi được cảm giác xót xa trước những miêu tả về nhà Siêu Dơng. Chẳng hạn, trong khi chánh tổng mở tiệc để tiệc để bán nhà cậu, thì cậu bé ấy vẫn đang cùng với lũ bạn ngây thơ nhặt thức ăn thừa mà không biết mình rồi sẽ chịu cảnh ngục tù nô lệ.

Hay khi bọn chúa đất uống rượu và hội hè, ta cũng nhìn thấy được sự căm phẫn sâu bên trong cậu: “Chúng không biết rằng củi lửa để chúng nó đốt vui, nước đầy hàng trăm quả bầu để chúng uống rượu là do chính tấm lưng còng của mẹ lầm lũi bò xuống đem về. Và giờ đây, mẹ chỉ còn là một nhúm xương đang trút những hơi thở cuối cùng”...

Bìa sách Con thiêng của rừng do NXB Trẻ ấn hành. Ảnh: NXB Trẻ

Trong tác phẩm này, có thể nói “lửa” chiếm vị trí trung tâm và chứng kiến hết mọi diễn tiến. Ở đầu tác phẩm, Trung Trung Đỉnh nhắc đến cách nuôi lửa của người Tây Nguyên khi không chỉ qua than, củi, đá mà còn bằng cả tâm linh, bằng hồn của mình. Theo đó mỗi làng sẽ có một Pơtao Puih hay Vua Lửa riêng. Họ được Yàng ban cho quyền lực siêu nhiên đó là nuôi lửa trong người của mình, đồng thời là gạch nối nối giữa cộng đồng và thế giới thần linh. Do đó, có thể nói “người ‘nuôi lửa’ trong người và lửa ‘nuôi người’ trong đêm”. Ta thấy điều đó trong những đêm gia đình Siêu Dơng co mình bên ánh lửa bập bùng. Ta cũng thấy nó trong một nỗi buồn lên đến vô hạn, khi cha qua đời, Siêu Dơng đã để trên mình một chỗ sẹo to do lửa để lại từ nỗi đau đớn… Lửa nhìn thấy và chứng kiến tất cả.

Thế nhưng “lửa” ấy cũng chính là lửa Cách Mạng đã tiêu diệt đi tầng lớp đô hộ, từ đó mang đến cuộc sống bình đẳng, ấm no cho bất cứ ai. Ngoài ra đó cũng chính là nhiệt huyết mà Xu Man tìm thấy bên trong hội họa, mà như nhân vật đã nói “không vẽ thì sống làm gì?”, để từ đó ta thấy ông chính là đứa con thiêng của rừng, là người ghi lại nếp sống, văn hóa, con người Tây Nguyên…

Tiếng gọi của rẻo cao

Nhà văn Nguyên Ngọc từng viết: “Đối với Trung Trung Đỉnh, Tây Nguyên là tất cả. Là cuộc đời anh. Là nỗi ám ảnh, là sự mê hoặc, là sự rơi chìm, nhấn chìm, trùm lên toàn bộ cuộc đời anh, mê mẩn suốt đời, không cách gì rút ra, thoát ra được, cho đến chết...”, và ta cũng có thể thấy được chính điều đó trong cuốn sách này. Tuy tác giả chỉ đơn giản nói là “đã cố gắng huy động vốn sống về miền đất Tây Nguyên”, thế nhưng con người, cảnh quan, văn hóa nơi đó đã thấm nhuần trong từng trang viết, để qua cuộc đời của một con người, ta càng hiểu hơn những gì đã định hình nên con người Xu Man, tính cách Xu Man...

Nhà văn Trung Trung Đỉnh và nhà văn Nguyên Ngọc (phải). Ảnh NVCC

Nhà văn Trung Trung Đỉnh và nhà văn Nguyên Ngọc (phải). Ảnh NVCC

Đó là thanh âm mỗi khi đêm xuống lúc mẹ ông lặng lẽ thổi đinh-yơng (loại sáo được làm riêng cho phụ nữ) ru chồng con ngủ, thì cha ông hoặc rì rầm hát những bản sử thi hoặc khi đáp lại bằng cách chơi goong làm từ những quả bầu khô… Sau này khi đã lớn lên và cảm nhận được tiếng gọi của tình yêu, đến lượt Siêu Dơng cũng nghe được tiếng đinh-yơng mà người thiếu nữ dành riêng cho mình và cảm thấy đó như tiếng thầm thì của hơi thở phập phồng từ trong lòng đất...

Thiên nhiên cũng bao phủ khắp tác phẩm này như sự giao hòa với tâm hồn người. Khi Siêu Dơng bỏ đi vào rừng trước những bất công bản thân phải chịu, thì ta nghe thấy cả cây, cả lá, cả gió bỗng chốc xào xạc theo những rạn nứt nơi tâm hồn anh. Còn khi nghe thấy tiếng gọi tình yêu, thì “đi trong rừng một mình Siêu Dơng cũng hát. Tắm dưới suối một mình Siêu Dơng cũng hát. Miệng anh nhiều lúc cười vui với con chim trên cành, với cái nấm mối và đôi chân lúc nào cũng muốn chạy...”

Thậm chí đến khi đứa con đầu tiên chết yểu bởi cái ác nghiệt mà bọn nhà giàu áp đặt lên vợ chồng nghèo, thì nó cũng được chở che dưới một gốc cây và cơn mưa rừng như rửa sạch hết tất thảy nhơ nhớp của trần gian này... Ở đây ta thấy cái chết được nối liền với một sự thanh tẩy, để đôi khi quay mặt khỏi hiện thực khốc liệt cũng là một ơn được trời ban cho…

Tác phẩm sơn mài Bình minh trên núi rừng Tây Nguyên của Xu Man.

Con người, văn hóa nơi đó cũng khơi lên trong anh một sự hồn nhiên như cây như cỏ. Đó là mẹ Siêu Dơng cam chịu trước quyền uy và tập tục. Là Siêu Dơng với những cuộc hôn nhân tiếp nối nhưng phải chấp nhận bởi không thể làm gì khác. Đó là câu hỏi mà bản thân cậu không ngừng dằn vặt, khi lão Môr, thằng Ring... cùng là người Bana “nhưng sao ác thế”...

Và cũng làm cái ngộ được anh cảm thấy, khi hiểu hội họa chân chính được sáng tạo bởi những rung động mãnh liệt do tình cảm chân thành của trái tim nghệ sĩ, từ đó mà những đường hoa văn rực rỡ trên khố áo, trên đường viền của nóc nhà... đã đi vào trong hội họa. Điều này cũng được duy trì khi Cách mạng vào, qua đó ta nhìn thấy một người chiến sĩ vừa hồn nhiên, vừa chân chất, nhưng khi đã lĩnh hội được lý tưởng cao quý thì sự cống hiến sẽ đến bằng hết sức lực...

Tranh Bác Hồ với Tây Nguyên của họa sĩ Xu Man.

Qua cuốn sách nhỏ và khiêm tốn này, tác giả Trung Trung Đỉnh đã làm sống dậy cuộc đời của một họa sĩ tài danh nhưng song song đó cũng là những nét độc đáo của mảnh đất Tây Nguyên mà ông gắn bó phần lớn đời mình. Không chỉ thu hút bởi câu chuyện cá nhân của Xu Man mà có thể nói với nghệ thuật viết độc đáo và các hình tượng ấn tượng, nhiều gợi mở, đây là tác phẩm độc đáo, thú vị và rất đáng đọc.

Họa sĩ Xu Man (1925-2007) là người dân tộc Ba Na.

Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, vừa học văn hóa vừa theo học hội họa tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam. Năm 1963 ông xung phong trở về quê hương hoạt động cách mạng, vừa trực tiếp cầm súng chiến đấu, vừa vẽ tranh nghệ thuật lẫn tranh tuyên truyền cổ động phục vụ nhân dân, bộ đội. Với vốn sống và khả năng tái hiện vùng đất mình được sinh ra, ông được mệnh danh là "cánh chim đầu đàn” của mỹ thuật Tây Nguyên.

Minh Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/dua-con-cua-rung-nuoi-lua-trong-minh-46106.html
Zalo