Bác sĩ cảnh báo cha mẹ tự ý mua Tamiflu phòng cúm A cho con
Lo ngại dịch cúm mùa bùng phát, nhiều người dân đã đổ xô đi mua thuốc Tamiflu về tích trữ để đề phòng không may mắc bệnh.
Đáng nói, trong 1 số hội nhóm lớp trên mạng xã hội nhiều cha mẹ cũng "mách nhau" tự mua thuốc Tamiflu về cho con uống khi không may mắc cúm. Có người hướng dẫn rằng, cha mẹ có thể ra hiệu thuốc mua que test cúm, nếu con bị mắc cúm A thì chỉ cần mua ngay thuốc Tamiflu về cho con uống, sau 1 hôm là con sẽ cắt sốt.
Nhiều cha mẹ bày tỏ lo lắng, Tamifu là một loại thuốc kháng virus, nếu tự ý sử dụng không biết có thể gây ra những tác dụng không mong muốn hay không? Tuy nhiên, nhiều cha mẹ khác lại tỏ ra đồng tình với việc tự ý sử dụng thuốc Tamiflu.
Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho rằng, việc người dân tự ý đi mua thuốc Tamiflu tích trữ, hay tự ý sử dụng là không cần thiết. Tamiflu là thuốc kháng virus vì vậy nên có chỉ định dùng sớm. Nhưng phải được sử dụng theo đúng chỉ định của bác sĩ, nghĩa là người bệnh phải được xác định chính xác nhiễm cúm A.
Theo bác sĩ Lê Văn Thiệu, cũng như các thuốc khác, Tamiflu cần được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ, việc sử dụng thuốc không đúng bệnh, không đúng chỉ định sẽ dẫn tới lãng phí, không hiệu quả. Chưa nói đến việc dùng Tamiflu không theo đúng chỉ định của bác sĩ còn đối mặt với các tác dụng phụ của thuốc như đau đầu, buồn nôn, đau bụng, mệt mỏi khi dùng thuốc…
Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM) cũng cho hay, thuốc Tamiflu có các tác dụng phụ, nên không thể sử dụng tùy tiện. Thuốc này thường chỉ dùng đối với các trường hợp viêm phổi siêu vi cấp tính hoặc với người có cơ địa tiểu đường, nguy cơ bị tăng nặng.
Ngoài ra, Tamiflu chỉ có hàm lượng duy nhất dùng cho người lớn và rất khó dùng cho trẻ em, điều dưỡng và bác sĩ mới biết cách chia liều sao cho đúng theo lứa tuổi. Việc người dân tự mua Tamiflu điều trị cho trẻ, rất dễ dẫn đến quá liều hoặc thiếu liều. Tamiflu nếu dùng không đúng liều, dễ gây kháng thuốc.
Để chủ động phòng chống bệnh cúm, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động áp dụng một số biện pháp sau:
Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
Đeo khẩu trang khi đi tới nơi đông người và trên các phương tiên vận chuyển công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.
Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
Người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.
Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.