Bác sĩ 20 năm kinh nghiệm làm cấp cứu chia sẻ chuyện 'đủ tiền tạm ứng mới chữa'

Bác sĩ Trần Thị Oanh cho rằng mỗi bệnh nhân vào khoa cấp cứu như 'khách đến nhà', phải hỏi lý do, trường hợp nặng ưu tiên chữa trị, làm thủ tục hành chính sau.

Không thể chờ đủ tiền mới cấp cứu

Tiến sĩ Trần Thị Oanh - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) cho rằng, là một bác sĩ cấp cứu, không ai có thể nói “đủ tiền tạm ứng mới cấp cứu”.

Trong 20 năm làm nghề của mình, bác sĩ Oanh khẳng định luôn coi người bệnh được đưa tới bệnh viện như “khách vào nhà”, phải hỏi họ bị làm sao, thăm khám lâm sàng sau đó vào hồ sơ bệnh án. Nếu tình huống khẩn cấp, ê-kíp tập trung cấp cứu trước, khi qua giai đoạn nguy kịch mới cập nhật thông tin vào sổ sách để làm hồ sơ.

Theo bác sĩ Oanh, hiện nay các bệnh viện đã số hóa nên mỗi chỉ định đều hiện ra số tiền bệnh nhân phải thanh toán. Thông thường, nhân viên y tế sẽ trao đổi với nhau. Tình huống không có thân nhân đi cùng vẫn cấp cứu, xin ý kiến lãnh đạo.

Bệnh nhi M.A.T vào cấp cứu ngày 3/5. Ảnh chụp màn hình.

Bệnh nhi M.A.T vào cấp cứu ngày 3/5. Ảnh chụp màn hình.

Cũng làm cấp cứu hơn 20 năm, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) nói, với vụ việc ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định, cần xem xét quy trình. Theo bác sĩ Cấp, một nhân viên y tế sẽ không đứng im chờ đủ tiền mới cứu chữa khi bệnh nhân gặp nguy hiểm.

Các bệnh nhân vào cấp cứu đều được đánh giá mức độ trước rồi mới tới các thủ tục hành chính như tạm thu viện phí. Nhiều trường hợp, người nhà bệnh nhân hiểu lầm cho rằng phải nộp tiền mới cấp cứu.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã thực hiện nhiều ca cấp cứu, thậm chí mổ trong đêm với bệnh nhân được người dân đưa vào, không có người nhà và chưa đóng bất cứ khoản tiền nào.

Ngay sau khi xem clip quay ngày 3/5 và các thông tin trên mạng, bác sĩ Oanh đã nghĩ tới tình huống trao đổi của nhân viên y tế đã dẫn tới vụ ầm ỹ. Thực tế, tại các khoa cấp cứu, mọi người vẫn trao đổi với nhau về thủ tục giấy tờ, nhất là khi có các chỉ định ngoài bảo hiểm y tế (BHYT). Ví dụ, nếu cần chụp CT, người bệnh có BHYT vẫn phải đóng khoảng 700.000 đồng. Đây là trao đổi thông thường để thống nhất giải pháp nhưng người nhà nghe không rõ sẽ nghĩ "chậm cấp cứu do thiếu tiền".

Theo báo cáo của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định, xung đột xảy ra trong quá trình khám, chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng và điều trị, người đưa bệnh nhi đến đóng tạm ứng 500.000 đồng.

Quá trình trao đổi giữa nhân viên y tế như sau:

Nhân viên y tế 1: Nhập nội trú do không đóng tiền hay làm sao?

Nhân viên y tế 2: Đã nộp 500.000 đồng rồi.

Nhân viên y tế 1: 500.000 đồng làm sao mà được.

Người đưa người bệnh nhân đến (người quay video) đứng ở gần nhóm nhân viên y tế nên nghe được cuộc trao đổi đó.

Đừng để mất niềm tin vào ngành y tế

Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang (chuyên khoa Nhi, TPHCM) cho rằng, vụ việc ở Nam Định gây bức xúc dư luận và làm mất niềm tin vào ngành y tế. Tuy nhiên, nam bác sĩ khẳng định cần có cái nhìn khách quan hơn.

Bác sĩ Sang phỏng đoán, vụ việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định là lỗi trong giao tiếp giữa nhân viên y tế và người bệnh, cũng có thể là cách truyền đạt không phù hợp nên đẩy cảm xúc của người dân lên cao trào.

“Chúng ta nên chờ đợi kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng”, bác sĩ Sang nói.

Một bác sĩ khác cũng bày tỏ quan điểm vụ việc cấp cứu bé A. có thể là sai sót về mặt chuyên môn cần thanh tra xem xét để cải thiện trình độ, chất lượng tiếp nhận bệnh nhân.

Chỉ thị 06 của Bộ Y tế năm 2016 nêu rõ bệnh viện không thu tiền tạm ứng đối với bệnh nhân BHYT khi cấp cứu. Đối với bệnh nhân nội trú, chỉ thu tạm ứng khi có yêu cầu sử dụng kỹ thuật điều trị chi phí cao nhưng phải rõ ràng và minh bạch trong việc thu tiền ngoài phần thanh toán của BHYT.

Phương Thúy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bac-si-20-nam-kinh-nghiem-lam-cap-cuu-chia-se-chuyen-du-tien-tam-ung-moi-chua-2398202.html
Zalo