Ba không khi ăn đậu phụ
Nhiều người thích ăn đậu phụ sống, dùng thường xuyên mỗi ngày… nhưng đó là các thói quen không tốt cho sức khỏe.
Đậu phụ là thực phẩm giàu dinh dưỡng, được nhiều người yêu thích vì chứa protein thực vật, ít calo và dễ chế biến. Tuy nhiên, nếu không sử dụng đúng cách, đậu phụ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Dưới đây là những điều bạn nên lưu ý để bảo vệ sức khỏe khi ăn đậu:
1. Không ăn đậu phụ sống
Nhiều người nghĩ rằng vì đậu phụ đã được làm từ đậu nành xay nhuyễn và ép thành khối nên có thể ăn sống mà không cần chế biến. Tuy nhiên, đây là một sai lầm có thể gây nguy hiểm cho cơ thể của bạn.
Theo Donutwhole, đậu phụ có độ ẩm cao, là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển nếu bảo quản không đúng cách. Một số loại vi khuẩn nguy hiểm như Salmonella, Listeria monocytogenes và E. coli có thể tồn tại trên bề mặt đậu phụ do quá trình sản xuất hoặc đóng gói không đảm bảo vệ sinh. Khi ăn đậu phụ sống, cơ thể có nguy cơ nhiễm khuẩn, dẫn đến ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy, buồn nôn và đau bụng.
Quá trình nấu giúp loại bỏ vi khuẩn có thể gây ngộ độc; giúp giảm nguy cơ đầy hơi, khó tiêu. Hấp, rán, luộc, nấu canh giúp đậu phụ có độ mềm dai hoặc giòn hơn, tăng thêm hương vị.

Ảnh: Ban Mai
2. Không ăn quá nhiều đậu phụ
Đậu phụ chứa phytoestrogen, một hợp chất có cấu trúc tương tự hormone estrogen trong cơ thể. Nếu tiêu thụ quá nhiều, phytoestrogen có thể gây mất cân bằng nội tiết tố, ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ và làm giảm testosterone ở nam giới. Oligosaccharides, một loại carbohydrate khó tiêu hóa, trong đậu phụ dễ dẫn tới đầy hơi, khó tiêu, đau bụng. Theo NDTV, đậu phụ chứa purine, khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành axit uric, nếu lượng cao sẽ tích tụ, gây ra bệnh gout hoặc làm nặng hơn tình trạng của những người đã mắc bệnh.
Để tránh các tác dụng phụ trên, chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị chỉ nên ăn khoảng 100-200g đậu phụ/ngày và kết hợp với các nguồn thực phẩm khác để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng.
3. Những người không nên ăn đậu phụ
Theo Healthline, tuyến giáp đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa trao đổi chất của cơ thể. Tuy nhiên, đậu phụ có goitrogen - hợp chất có thể cản trở quá trình hấp thụ i-ốt - yếu tố quan trọng để tuyến giáp hoạt động bình thường. Khi cơ thể không hấp thụ đủ i-ốt, tuyến giáp có thể bị suy giảm chức năng, dẫn đến suy giáp, mệt mỏi, tăng cân, da khô và giảm khả năng tập trung.
Những người nên cẩn trọng khi ăn đậu phụ:
- Người có bệnh tuyến giáp, đặc biệt là suy giáp.
- Người có chế độ ăn thiếu i-ốt, dễ bị ảnh hưởng bởi goitrogen trong đậu phụ.
- Người cao tuổi có chức năng tuyến giáp suy giảm theo thời gian.
Giá trị dinh dưỡng của đậu phụ
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, trong 100g đậu phụ chứa khoảng:
- Protein: 8-10g, là nguồn cung cấp protein thực vật quan trọng.
- Chất béo: 4-6g, chủ yếu là chất béo không bão hòa có lợi cho tim mạch, bao gồm omega-3.
- Carbohydrate: 2-3g, với lượng đường tối thiểu.
- Chất xơ: 1-2g, hỗ trợ tiêu hóa.
- Canxi: 350-500mg, giúp xương chắc khỏe.
- Sắt: 3-5 mg, quan trọng cho quá trình vận chuyển oxy trong máu.
- Magie: Khoảng 30mg, cần thiết cho chức năng cơ và thần kinh.
- Phốt pho: 100-150 mg, hỗ trợ xương và răng chắc khỏe.
- Isoflavone: 20-40 mg, hợp chất thực vật có thể có lợi cho sức khỏe tim mạch và xương.
Đậu phụ không chứa cholesterol và ít calo, chứa 9 axit amin thiết yếu. Hàm lượng dinh dưỡng có thể thay đổi tùy theo loại đậu phụ (mềm, cứng hoặc non) và cách chế biến.