ASEAN công bố kế hoạch trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới

Vào thứ Ba (ngày 27-5), khối ASEAN đã công bố một kế hoạch chiến lược đầy tham vọng bao gồm việc hài hòa hóa các tiêu chuẩn thương mại và tăng cường hội nhập tài chính trong nỗ lực cùng nhau trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới.

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-GCC-Trung Quốc tại Trung tâm Hội nghị Kuala Lumpur ở Kuala Lumpur, Malaysia vào ngày 27/5.

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-GCC-Trung Quốc tại Trung tâm Hội nghị Kuala Lumpur ở Kuala Lumpur, Malaysia vào ngày 27/5.

Kế hoạch 5 năm, dài 41 trang dành cho Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á gồm 10 thành viên, được công bố trong hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo tại Malaysia.

Kế hoạch kêu gọi tăng cường thương mại khu vực, tự do di chuyển của doanh nghiệp và người dân, tăng cường minh bạch và thực hành quản lý, cũng như các chính sách khai khoáng, công nghiệp và nông nghiệp bền vững để thu hút đầu tư nước ngoài.

Kế hoạch nêu rõ các nước ASEAN (Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam, Philippines, Singapore, Campuchia, Lào, Myanmar và Brunei) phải tăng cường hội nhập kinh tế, theo đuổi an ninh năng lượng, thúc đẩy kết nối giao thông và củng cố chuỗi cung ứng.

Kế hoạch cho biết: "Tiếp tục kinh doanh như thường lệ sẽ không đủ đối với khu vực kinh tế năng động cao này".

"Để ASEAN trở thành nền kinh tế lớn thứ tư toàn cầu vào năm 2045, các quốc gia trong khu vực sẽ cần phải tăng cường hội nhập kinh tế và nâng cao khả năng linh hoạt để giải quyết những thách thức đa diện".

Tài liệu này xác định một số thách thức đối với hội nhập kinh tế của ASEAN, từ căng thẳng địa chính trị, thay đổi dòng chảy thương mại và chuyển đổi công nghệ đến tác động của biến đổi khí hậu và thay đổi nhân khẩu học.

Được thành lập vào năm 1967 với ban đầu là năm thành viên, ASEAN đã thành lập cộng đồng kinh tế vào năm 2015 với mục đích hội nhập nền kinh tế và nâng cao vị thế toàn cầu của khu vực.

Nhưng mặc dù nền kinh tế các nước thành viên tăng trưởng nhanh chóng trong những năm gần đây và GDP chung đạt 3,8 nghìn tỷ đô la Mỹ (4,9 nghìn tỷ đô la Singapore), quá trình hội nhập vẫn diễn ra chậm chạp, với sự khác biệt lớn về nền kinh tế, hệ thống chính trị, quy mô dân số và trình độ phát triển của các nước thành viên, và không có cơ quan trung ương nào đảm bảo tuân thủ các thỏa thuận và sáng kiến của ASEAN.

Kế hoạch chiến lược nêu rõ Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ chịu trách nhiệm thực hiện các chiến lược trong khi Ban thư ký ASEAN sẽ giám sát việc thực hiện.

Bà Tricia Yeoh, Phó Giáo sư Thực hành tại Đại học Nottingham Malaysia, cho biết cuộc chiến thuế quan đang diễn ra giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cùng mức thuế quan cao của Hoa Kỳ đối với các nước Đông Nam Á là sự thúc ép cấp bách để ASEAN tiến tới hội nhập khu vực nhanh hơn.

Yeoh cho biết các nước ASEAN phải nhận ra giá trị tập thể lớn hơn của các cuộc đàm phán thống nhất thay vì theo đuổi các thỏa thuận song phương riêng lẻ.

"ASEAN cần chứng minh tính hiệu quả để duy trì được sự liên quan. Nếu họ thậm chí không thể đàm phán về Myanmar hoặc bộ quy tắc ứng xử với Trung Quốc về vấn đề hàng hải, mọi người sẽ đặt câu hỏi về mục đích của ASEAN", bà nói, ám chỉ đến hai vấn đề chính trị gai góc trong khối.

Vinh Trang - asiaone

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/asean-cong-bo-ke-hoach-tro-thanh-nen-kinh-te-lon-thu-tu-the-gioi-post123051.html
Zalo