Áp lực của người hâm mộ khiến ê-kíp phẫu thuật cho Xuân Son phải tính toán cẩn thận nhất
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trung Dũng, Giám đốc chuyên ngành Chấn thương chỉnh hình và Cơ xương khớp, Hệ thống Y tế Vinmec bày tỏ, ca phẫu thuật của Xuân Son không quá khó về mặt kỹ thuật nhưng áp lực từ người hâm mộ khiến ê-kíp phẫu thuật phải tính toán cẩn thận nhất.
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trung Dũng cho biết, bác sĩ trẻ có trình độ về chấn thương chỉnh hình trên các bệnh viện khắp cả nước cũng có thể thực hiện tốt đối với những chấn thương như Xuân Son.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đóng góp của Son đối với thành tích cho đội tuyển quốc gia, khơi dậy lên những tinh thần dân tộc, niềm tự hào cho đất nước, ca mổ rất nhiều áp lực. Áp lực này có thể đến từ phía vận động viên, người hâm mộ về mong muốn Xuân Son sớm trở lại thi đấu đỉnh cao.
Vì thế, đối với ê-kíp phẫu thuật, kỳ vọng Xuân Son sớm trở lại thi đấu không chỉ phụ thuộc vào kết quả cuộc phẫu thuật, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào hành trình phục hồi sắp tới để một vận động viên có thể quay lại thời kỳ đỉnh cao.
"Phẫu thuật chỉ chiếm 10%, để vận động viên có thể quay trở lại thi đấu thì các công tác hậu phẫu phía sau là vô cùng quan trọng. Điều đáng nhớ với tôi chính là niềm tin của Son, lãnh đạo câu lạc bộ chủ quản và sự quan tâm của người hâm mộ. Bản thân Son cũng mong muốn được trở về Việt Nam điều trị", bác sĩ Dũng nói.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Vũ Tú Nam, Trưởng khoa Phẫu thuật Nội soi khớp và Y học thể thao, Vinmec Times City, điều khó nhất trong ca phẫu thuật của Xuân Son là đòi hỏi về sự hoàn thiện và tính cá thể hóa của quá trình điều trị.
Cụ thể, làm thế nào để đánh giá đầy đủ các thương tổn, sau đó là kết hợp xương đủ vững chắc, không làm nặng thêm tổn thương xương cũng như ảnh hưởng các cấu trúc lành để bảo đảm quá trình phục hồi nhanh nhất cho vận động viên.
Trường hợp của Xuân Son, đây là một ổ gãy thân xương phức tạp thay vì ghi nhận ban đầu là một ổ gãy đơn giản: một mảnh rời to hình chêm (tam giác) kích thước chiều dài lên đến 7cm nằm ở thành sau của xương chày; vết nứt xuống dưới nguy cơ có thể tách ra thành một mảnh rời nữa.
Việc đóng đinh nội tủy kín - tức nắn chỉnh qua da mà không mở ổ gãy sẽ khó kiểm soát các mảnh rời và đường nứt này. Nếu không khéo léo, có thể khiến các mảnh rời gãy vụn và đi lệch, hoặc bong rời các mảnh gãy này dẫn đến làm chậm và ảnh hưởng đến quá trình liền xương và phục hồi.
Để bảo đảm tính kịp thời và kết hợp xương vững chắc, một số phẫu thuật viên có thể sẽ cần mở ổ gãy để nắn chỉnh và cố định các mảnh rời. Điều này sẽ làm chậm quá trình liền sinh lý của ổ gãy.
Ngoài ra, kích thước ống tủy cũng khá lớn, xương chày lại dài nên cần tính toán kỹ càng để lựa chọn kích cỡ đinh và vít phù hợp nhất để bảo đảm kết hợp xương đủ chắc chắn mà không làm tổn thương thêm các cấu trúc lành.
Một điểm khó khăn nữa trong ca mổ của Son đó là kích thước và trọng lượng cơ thể lớn nên cũng gây ra không ít khó khăn cho cả ê-kíp trong từng thao tác kỹ thuật.
Gãy thân xương cẳng chân là một tổn thương cũng khá thường gặp, phẫu thuật kết hợp xương đinh nội tủy xương chày là một phẫu thuật thường quy. Nhưng để có thể thực hiện được hoàn thiện ca mổ, kết hợp xương đinh nội tủy có chốt mà không mở ổ gãy ở trường hợp của Xuân Son đòi hỏi ê-kíp phẫu thuật viên phải tính toán rất chi tiết các phương án phẫu thuật, đo đạc và lựa chọn chính xác kích chủng loại, kích cỡ đinh, vít bằng phần mềm mô phỏng trước phẫu thuật, cũng như phối hợp nhịp nhàng của các thành viên trong ê-kíp.
Bác sĩ Minh cũng cho biết thêm, phẫu thuật và chẩn đoán chính xác chỉ chiếm khoảng 10%, trong khi 90% khả năng trở lại thi đấu chuyên nghiệp phụ thuộc vào quá trình phục hồi hậu phẫu. Chính những phương pháp phục hồi chuyên sâu, từ vật lý trị liệu đến việc tối ưu hóa chế độ dinh dưỡng và luyện tập, mới là yếu tố then chốt giúp vận động viên phục hồi nhanh chóng và hiệu quả, quay lại đỉnh cao sự nghiệp.
Đặc biệt, với vận động viên chuyên nghiệp, yêu cầu về hoạt động thể chất phải đạt tối đa, vượt rất xa ngưỡng vận động của người bình thường. Do đó, các tiêu chuẩn cũng cao hơn rất nhiều.
Với các vận động viên, ê-kíp điều trị phải tính toán chi tiết lượng calo trong từng bữa ăn, từng bài tập cho mỗi ngày, tính toán thời điểm quay trở lại tập luyện cùng đội cũng như tham vấn chuyên gia tâm lý để giúp các bạn có tinh thần tốt nhất trong quá trình điều trị.
Giai đoạn tiếp theo, các vận động viên này sẽ được điều trị theo phác đồ tổng thể bao gồm: chăm sóc hậu phẫu, chăm sóc tâm lý, tập phục hồi chức năng, kiểm soát dinh dưỡng,…tất cả đều được cá thể hóa theo thể trạng và tình hình hồi phục của vận động viên, bảo đảm các tiêu chí: an toàn-phù hợp-phòng tránh tái phát để giúp cầu thủ có thể sớm phục hồi, quay lại thi đấu đỉnh cao.
Ngoài được đào tạo chuyên môn, Vinmec còn thường xuyên cập nhật những kỹ thuật phẫu thuật, quy trình tập luyện cá thể hóa, chăm sóc dinh dưỡng và tâm lý để bảo đảm quá trình điều trị toàn diện và chuyên biệt đến khi vận động viên quay trở lại thể thao. Đặc biệt, năng lực điều trị những chấn thương phức tạp nhất trong lĩnh vực thể thao.
Đến nay, cùng với sự hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Vinmec đã trở thành trung tâm Y học thể thao đạt tiêu chuẩn AFC duy nhất tại Việt Nam (châu Á mới chỉ có 12 trung tâm đạt tiêu chuẩn này).