Để chức vô địch ASEAN Cup 2024 thật sự là 'bệ đỡ'.

Đội tuyển Việt Nam đã đoạt chức Vô địch ASEAN Cup lần thứ 3. Câu chuyện lấy danh hiệu khu vực làm 'bệ đỡ' cho những phát triển tiếp theo của bóng đá Việt Nam không phải được nhắc đến lần đầu nhưng làm sao để 'bệ đỡ' trở nên hiệu quả vẫn chưa được bàn xong.

Câu chuyện danh hiệu là "bệ đỡ" cho những cố gắng và phấn đấu tiếp theo của bóng đá Việt Nam đã được nhắc đến 2 lần trước đây là ở AFF Cup (tiền thân của ASEAN Cup) 2008 và AFF Cup 2018. Nếu như ở lần đầu, "bệ đỡ" AFF Cup 2008 giúp Đội tuyển Việt Nam vượt qua vòng bảng ASIAN Cup lần đầu tiên.

Nhưng phải mất đến 10 năm sau Việt Nam mới lại đăng quang ở AFF Cup 2018 với nóng cốt là lứa cầu thủ Thường Châu. Khi ấy, chức Vô địch AFF Cup 2018 lại được xem là bệ đỡ để bóng đá Việt Nam hướng tới những mục tiêu lớn hơn. "Bệ đỡ" lần này còn lớn hơn với ngôi Á quân U23 châu Á và hạng 4 ASIAD và lần đầu tiên Đội tuyển Việt Nam vào đến vòng loại thứ ba của một kỳ World Cup. Tưởng chừng bóng đá Việt Nam sẽ có nhiều điểm mới hơn khi có liên tiếp 2 Huy chương Vàng SEA Games thì sự phát triển trên "bệ đỡ" đó một lần nữa lại bị “giật cục”.

Đội tuyển Việt Nam bị loại khỏi vòng loại thứ 2 World Cup, bị loại ở bán kết SEA Games, thi đấu quốc tế không giành được chiến thắng với một lối chơi vô hồn và thay đổi liên tiếp 3 huấn luyện viên (HLV) từ Park Hang-seo đến Troussier và bây giờ là Kim Sang-sik.

HLV Kim Sang-sik được giao nhiệm vụ làm sao Đội tuyển Việt Nam tiếp tục tiến bộ và có danh hiệu để tiếp tục có được "bệ đỡ" phát triển. HLV người Hàn Quốc đã làm được điều đó với chức Vô địch ASEAN Cup vừa qua. Nhưng việc làm sao để tận dụng tốt "bệ đỡ" này là câu chuyện không phải của riêng HLV Kim Sang-sik. Ngay cả tiền bối của HLV Đội tuyển Việt Nam là Park Hang-seo cũng đã “hụt hơi” ở giai đoạn cuối ông còn tại vị, khi không có đủ nhân sự để làm mới lối chơi của mình.

Bóng đá Việt Nam cần tận dụng tốt "bệ đỡ" là chức Vô địch ASEAN Cup 2024. Ảnh: Vietnamnet.vn

Bóng đá Việt Nam cần tận dụng tốt "bệ đỡ" là chức Vô địch ASEAN Cup 2024. Ảnh: Vietnamnet.vn

Những danh hiệu đạt được là niềm khích lệ lớn và cũng là thành quả của một quá trình xây dựng và phát triển của bóng đá Việt Nam. Nhưng việc không tận dụng tốt nhất "bệ đỡ" từ các danh hiệu sẽ dẫn đến việc các hạn chế, khuyết điểm bị khỏa lấp và dần trở thành những điểm yếu cố hữu.

Trong đó, việc Đội tuyển Việt Nam thiếu một tiền đạo giỏi đã là câu chuyện từ giai đoạn cuối HLV Park Hang-seo còn dẫn dắt. Tiến Linh dù có số bàn thắng thuộc hàng tốp đầu cho Đội tuyển Quốc gia nhưng không thuộc tuýp cầu thủ có thể thay đổi cục diện trận đấu và đầu tàu cho hàng công. Việc Xuân Son góp mặt ở hàng công Việt Nam và tạo nên thành công có lẽ là minh chứng rõ nhất cho điểm yếu nơi hàng công của Đội tuyển Việt Nam thời gian qua. Truyền thông trong giai đoạn Xuân Son có trận đấu đầu tiên cho Đội tuyển Việt Nam gọi tiền đạo này là mắc xích còn thiếu trong lối chơi của HLV Kim Sang-sik cho thấy sự kỳ vọng và chờ đợi về một tiền đạo giỏi đã lớn như thế nào.

V-League đã sản sinh ra nhiều cầu thủ giỏi cho Đội tuyển Việt Nam. Nhưng một tiền đạo có đủ chất lượng vẫn đang khá khan hiếm. Nhiều tiền đạo đã được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh như Đức Chinh, Văn Đức… đều đang khựng lại. Hiện tại, Tuấn Hải, Văn Toàn là những cái tên sánh vai cùng Tiến Linh trên đội tuyển nhưng để tạo nên sức ảnh hưởng mà đối thủ cũng phải dè chừng như Xuân Son là chưa lớn.

Đội tuyển Việt Nam sẽ cần V-League tạo ra tiền đạo giỏi hơn là tuyển tiền đạo giỏi. Lãnh đạo VFF cũng đã trả lời truyền thông rằng, sẽ nhập tịch có chừng mực và phù hợp cho thấy định hướng của cơ quan hàng đầu bóng đá Việt Nam sẽ là ưu tiên đào tạo trẻ. Danh hiệu ASEAN Cup 2024 chắc chắn là "bệ đỡ" cho bóng đá Việt Nam phát triển nhưng "bệ đỡ" lần này cho thấy điều mà Đội tuyển Quốc gia còn thiếu và cả những lựa chọn cho định hướng tương lai.

GIAI NGHI

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/the-thao/202501/de-chuc-vo-dich-asean-cup-2024-that-su-la-be-do-1031620/
Zalo