Áo dài Huế với hành trình len lỏi vào đời sống cộng đồng

Với đề án 'Huế - Kinh đô Áo dài' đã triển khai nhiều năm qua, địa bàn thành phố ghi nhận nhiều thành tựu và tác động tích cực đến di sản áo dài truyền thống của Huế. Du khách đến Huế biết nhiều hơn về áo dài ngũ thân và thị trường áo dài ở cố đô cũng có sự phát triển, khởi sắc từ nhiều nhà may đo, nhà thiết kế ngày càng chuyên nghiệp.

Bảo tồn áo dài Huế tạo động lực kinh tế

Áo dài vốn là biểu tượng nhân diện của người phụ nữ Việt Nam. Ở vùng đất di sản Huế, việc gìn giữ nét đẹp văn hóa áo dài đến từ nhiều hoạt động khác nhau. Tuy vậy để bảo tồn bền vững, di sản cần được phát huy và khai thác được tiềm năng, lợi ích kinh tế.

Sau thời gian triển khai đề án “Huế - Kinh đô Áo dài”, lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao TP Huế ghi nhận một số thành tựu như đưa áo dài Huế xuất hiện nhiều hơn vào đời sống thường ngày, hướng đến khôi phục lâu dài với làng nghề may đo áo dài thủ công, biến áo dài Huế trở thành biểu tượng đặc trưng.

Hiện nay, nhiều nhà may áo dài truyền thống Huế xuất hiện bên cạnh các kiểu áo dài hiện đại, cách tân. Quanh các khu vực điểm di tích lịch sử, tham quan đều xuất hiện các cửa hàng cho thuê áo dài, cổ phục. “Du khách đến Huế đều thích mặc cổ phục để chụp ảnh kỷ niệm, từ đó tạo động lực để thị trường cho thuê, may áo dài Huế ngày càng phát triển hơn”, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Huế, cho biết.

Hoạt động hành hương về cội nguồn nhân ngày giỗ tổ - chúa Nguyễn Phúc Khoát. Ảnh: BTC

Hoạt động hành hương về cội nguồn nhân ngày giỗ tổ - chúa Nguyễn Phúc Khoát. Ảnh: BTC

Khi nhu cầu thị trường tăng lên, những đơn vị thiết kế, làm nghề may đo áo dài thấy được tiềm năng, lợi ích kinh tế sẽ tự động nhân rộng mô hình, nâng cao tay nghề, chất lượng làm áo dài ngũ thân Huế. Nhà thiết kế áo dài Quang Hòa vốn có nhiều năm gắn bó với hoạt động biểu diễn áo dài truyền thống Huế cũng vui mừng cho biết sau thời triển khai đề án “Huế - Kinh đô Áo dài” của TP Huế, nhiều cơ hội đã được mở ra cho ngành may mặc Huế nói chung, cũng là sự phục hồi đưa áo dài ngũ thân trở lại với truyền thống văn hóa Huế nói riêng.

Trong năm 2025, ông đã có những lời mời tham dự biểu diễn các chương trình, lễ hội văn hóa tại Đền Huyền Trân TP Huế, Tóc Xanh Vạt Áo tại TPHCM. Điểm nhấn là bộ sưu tập "Dấu Ấn Vàng Son" tại sự kiện khởi động năm du lịch quốc gia của TP Huế diễn ra ngày 25-3-2025 ở Điện Thái Hòa Hoàng Thành Huế. “Năm 2025 với nhiều sự kiện lễ hội văn hóa sẽ là cơ hội lan tỏa phát huy, phát triển đề án Huế kinh đô áo dài về mọi mặt”, ông nói.

Ông Nguyên Phong, nhà phục chế trang phục cung đình có 5 năm gắn bó với Huế, cho biết ông nhìn thấy sự lan tỏa của áo dài Huế đến các địa phương khác như TPHCM, Hà Nội nói chung.

Cá nhân ông cũng ghi nhận lượng nhu cầu khách tăng lên gấp đôi từ làm trang phục cho phim ảnh, sân khấu. Bên cạnh đó, thị trường nguyên vật liệu làm cổ phục, trang sức cổ cũng có giá cạnh tranh hơn, tăng mẫu mã lựa chọn thay vì khan hiếm như nhiều năm trước, ông Phong ho biết.

Tạo nhiều không gian riêng cho áo dài “được sống”

Năm 2030, đề án sẽ hướng đến việc Huế hình thành bảo tàng, trung tâm trưng bày, trình diễn, may đo thiết kế áo dài phục vụ khách du lịch với các phân khúc giá cả khác nhau. Đây cũng là mong ước của nhiều nhà thiết kế áo dài, trong đó, ông Quang Hòa mong chờ sự đồng nhất trong đầu tư, hỗ trợ thiết thực ngành nghề may áo dài và tổ chức các hoạt động liên quan đến ngành nghề áo dài, không gian bảo tàng về áo dài sớm thành hình để nhiều thế hệ sau có môi trường tiếp nối.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Huế, cho rằng để hành trình khôi phục áo dài Huế có hiệu quả và khả quan, các chương trình xuất phát từ cộng đồng rất quan trọng. Huế thường xuyên tổ chức những đêm diễn, tuần lễ áo dài trong năm để quảng bá. Tuy vậy, làm sao để trang phục đó thoát khỏi mác “biểu diễn” và có tính ứng dụng vào đời sống cũng là bài toán khó cần thời gian. Chẳng hạn, từ lãnh đạo đến các khối đoàn thể cùng nhau khuyến khích động viên nhân sự mặc áo dài ngũ thân trong những dịp đặc biệt nhằm tạo thói quen.

Thực tế, tiểu thương chợ Đông Ba có những ngày cùng nhau mặc áo dài để buôn bán, một số công ty cho nhân viên mặc áo dài đi làm, các trường học tạo điều kiện cho học sinh có các dịp cùng mặc áo dài tập thể… Năm 2024, “Tri thức may, mặc áo dài Huế” vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Học sinh trường tiểu học Quang Trung với nhiều hoạt động cùng áo dài Huế. Ảnh: Sở VH&TT TP Huế

Học sinh trường tiểu học Quang Trung với nhiều hoạt động cùng áo dài Huế. Ảnh: Sở VH&TT TP Huế

Trong năm 2025, thành phố sẽ có khoảng 70 sự kiện văn hóa, nhiều chương trình liên quan đến áo dài. Đại diện Sở cho biết đây là dịp tiếp tục quảng bá áo dài và tăng độ nhận diện thương hiệu may đo áo dài Huế từ các nhà may địa phương đến với du khách trong và ngoài nước.

Thành phố cũng có nhiều sự kiện kết nối các nghệ nhân lớn nhỏ trong ngành, hướng đến khuyến khích cùng nhau xây dựng thương hiệu để ai nhắc đến Huế sẽ có ngay tên tuổi nổi tiếng. Ước tính với 5 triệu du khách đến Huế, có khoảng 1 triệu du khách quan tâm đến thuê may áo dài và 10% trong đó số sử dụng dịch vụ may mặc, cũng tạo ra giá trị kinh tế lớn, ông nói thêm.

Theo ông Nguyên Phong, việc bảo tồn phát triển áo dài không thể chỉ đến từ hoạt động tham quan của du khách. Quá trình nâng tầm nhận thức, phổ biến may mặc áo dài Huế cần thời gian. Trong đó, ông chỉ ra tính ứng dụng làm sao đưa trang phục này vào bối cảnh hiện đại mà vẫn phù hợp, tự nhiên chứ không gượng ép. Chẳng hạn, tại các sự kiện, lễ nghi có tính truyền thống, văn hóa như lễ cưới, lễ hội dân gian, áo dài ngũ thân, cổ phục nên được khuyến khích sử dụng. “Áo dài Huế muốn sống trong đời sống thực tại cần có nhiều không gian sống riêng, những bối cảnh phù hợp để trở thành lựa chọn phổ biến hơn”, ông nói.

Đồng thời, với những đoàn phim, người làm văn hóa nghệ thuật cần đầu tư tìm kiếm những nhà chuyên môn, cố vấn trang phục đúng với hình ảnh xưa và giá trị truyền thống vốn có. Được biết, nhiều năm tới, nhà phục chế trang phục cung đình Nguyên Phong sẽ tập trung nghiên cứu, đi theo mảng học thuật liên quan đến áo dài Huế.

Hoàng An

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://sgtt.thesaigontimes.vn/ao-dai-hue-voi-hanh-trinh-len-loi-vao-doi-song-cong-dong/
Zalo