Tết Thanh minh 2025 là ngày nào?
Đến sau tiết Xuân phân, Tết Thanh minh là là dịp để con cháu tưởng nhớ và tri ân tổ tiên; Tết thanh minh 2025 rơi vào thứ mấy, là ngày nào?
Một năm có 24 tiết khí, đánh dấu sự thay đổi thời tiết và sự luân chuyển của các mùa. Trong đó, Thanh minh là tiết khí thứ 5, cái tên mô tả sự mát mẻ và quang đãng của bầu trời trong giai đoạn này, trong đó “thanh” là trong trẻo, còn “minh” là sáng sủa.
Tết Thanh Minh là một trong những ngày lễ truyền thống quan trọng thường diễn ra vào đầu tháng 3 Âm lịch hàng năm. Đây là dịp để con cháu tưởng nhớ, tri ân tổ tiên, thể hiện bằng nghi lễ cúng và thăm nom, chăm sóc phần mộ ông bà, cha mẹ.
Tết Thanh minh 2025 là ngày nào?
Tiết Thanh minh từ lâu đã ăn sâu vào tiềm thức và văn hóa của người Việt. Câu thơ nổi tiếng trong Truyện Kiều của Nguyễn Du: "Thanh minh trong tiết tháng Ba/ Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh..." giúp người dân nhớ rằng ngày này diễn ra vào tháng 3 Âm lịch. Tuy nhiên, với sự cần thiết của việc đồng bộ hóa với hệ thống lịch quốc tế, hiện nay hệ thống tiết khí được tính theo Dương lịch.
![Tết thanh minh 2025 là ngày nào? (Ảnh chụp màn hình)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_83_51437817/504ba249990770592916.jpg)
Tết thanh minh 2025 là ngày nào? (Ảnh chụp màn hình)
Tết Thanh minh hay ngày Thanh minh là ngày đầu tiên của tiết Thanh minh, đến sau tiết Xuân phân. Nếu tính điểm Xuân phân là gốc (kinh độ Mặt trời bằng 0°) thì điểm diễn ra hay bắt đầu tiết Thanh minh là kinh độ Mặt trời bằng 15°. Tiết Thanh minh thường bắt đầu từ ngày 4/4 hoặc 5/4 và kết thúc vào ngày 20/4 hoặc 21/4 hàng năm trước khi chuyển sang tiết Cốc vũ.
Trong năm 2025, tiết Thanh minh bắt đầu từ ngày 4/4 và kết thúc vào ngày 19/4 Dương lịch. Ngày Tết Thanh minh (4/4) nhằm vào thứ Sáu ngày 7/3 Âm lịch.
Những điều nên làm trong Tết Thanh minh
Tảo mộ, hay viếng mộ, là hoạt động quan trọng nhất trong Tết Thanh minh. Đây là dịp để con cháu chăm sóc phần mộ của tổ tiên, dọn dẹp, nhổ cỏ và thay hoa, nhang. Việc tảo mộ thể hiện lòng biết ơn, sự kính trọng và truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của người Việt. Khi viếng mộ, gia đình thường chuẩn bị lễ vật như hoa, quả, bánh kẹo để dâng lên tổ tiên, mong cầu sự bình an và phù hộ cho gia đình.
Dọn dẹp sạch sẽ và tu sửa mộ phần tổ tiên cũng là một trong những việc quan trọng nhất trong Tết Thanh minh. Đây không chỉ là hành động thể hiện lòng kính trọng mà còn mang tính chất duy trì truyền thống gia đình, giúp con cháu gắn kết và hiểu rõ hơn về nguồn cội của mình. Công việc này thường bao gồm phát quang cỏ dại, lau chùi mộ bia và trang trí lại các phần mộ.
![Người dân Hà Nội đi tảo mộ dịp Tết Thanh minh. (Ảnh: Ngô Nhung)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_83_51437817/c9f739f502bbebe5b2aa.jpg)
Người dân Hà Nội đi tảo mộ dịp Tết Thanh minh. (Ảnh: Ngô Nhung)
Bên cạnh việc tảo mộ, việc dọn dẹp nhà cửa và bàn thờ cũng là một bước không thể thiếu trong Tết Thanh minh. Bàn thờ gia tiên là nơi thiêng liêng, nơi gia đình thờ cúng và tưởng nhớ ông bà, tổ tiên đã khuất. Việc lau dọn, bày biện lại bàn thờ với các vật phẩm trang trọng, sạch sẽ không chỉ thể hiện sự tôn kính mà còn tạo không gian ấm cúng, trang nghiêm cho ngày lễ.
Lễ cúng Tết Thanh minh thường được tổ chức tại gia đình hoặc tại mộ phần của tổ tiên. Lễ vật thường bao gồm mâm cơm truyền thống, trái cây, hoa, rượu và bánh trái. Gia chủ thường khấn vái, cầu nguyện cho sự bình an, may mắn và tỏ lòng thành kính với tổ tiên. Ở một số nơi, người ta còn thả đèn hoa đăng hoặc làm các nghi lễ truyền thống khác.