Anh siết quy định về dư lượng hoạt chất trong nhiều nông sản nhập khẩu

Nhiều nước vừa điều chỉnh mức dư lượng tối đa một số loại thuốc bảo vệ thực vật trong một vài mặt hàng nông sản. Đặc biệt, thị trường Anh tăng từ 3,5 đến 600 lần tùy từng nhóm sản phẩm. Các doanh nghiệp Việt trước khi xuất khẩu cần nghiên cứu kỹ, tránh tình trạng hàng bị trả về vừa thiệt hại, vừa ảnh hưởng đến uy tín của nông sản Việt Nam.

Tăng từ 3,5 đến 600 lần tùy từng nhóm

Thông tin từ Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương cho biết, Vương quốc Anh là một trong những thị trường xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm lớn của Việt Nam và liên tục tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, Anh vừa có những thông báo lên WTO về việc dự kiến tăng mức dư lượng tối đa (MRL) với một số hoạt chất trong các sản phẩm nông sản nhập khẩu.

Theo đó, mức dư lượng tối đa đối với hoạt chất fludioxonil (có trong thuốc diệt nấm) được Anh điều chỉnh tăng từ 3,5 đến 600 lần tùy từng nhóm sản phẩm. Với loại hạt như hạnh nhân, hạt điều, hạt dẻ, hạt dẻ cười, hạt mắc ca, hạt óc chó... mức điều chỉnh tăng MRL từ 0,01 mg/kg lên 0,3 mg/kg; quả xoài tăng MRL từ 2 mg/kg lên 7mg/kg; quả đu đủ tăng MRL từ 0,01 mg/kg lên 6 mg/kg.

Nước này cũng tăng gấp 3 lần mức dư lượng tối đa isotianil (hoạt chất phòng vệ với cây trồng) với các sản phẩm bưởi chùm, cam, chanh, quýt…

Thị trường Anh vừa thay đổi quy định về mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối trong nhiều mặt hàng nông sản. Ảnh minh họa.

Thị trường Anh vừa thay đổi quy định về mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối trong nhiều mặt hàng nông sản. Ảnh minh họa.

Ngoài ra, Ủy ban châu Âu công bố quy định bổ sung liên quan đến axit undecafluorohexanoic (PFHxA), các muối và chất liên quan đến PFHxA. Quy định này đặt ra các hạn chế đối với PFAS này trong nhiều sản phẩm khác nhau như: Hàng dệt may, giày dép, bao bì thực phẩm, bọt chữa cháy… Theo đó, chất PFHxA và các sản phẩm có chứa chất này (bao gồm hàng dệt may và giày dép) sẽ bị cấm ở châu Âu.

Cần nghiên cứu kỹ tiêu chí an toàn thực phẩm

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy - Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển kiêm nhiệm Bắc Âu - cho biết, xu hướng tiêu dùng tại châu Âu đang chuyển dịch mạnh mẽ sang các sản phẩm hữu cơ, thân thiện với môi trường và bền vững.

Để duy trì tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường này, ngoài yếu tố chất lượng và giá cả, các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu, nắm bắt nhu cầu thị trường, đầu tư cải thiện quy trình sản xuất, đặc biệt là đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật ngày càng khắt khe, và liên tục thay đổi.

Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) - cho biết, mới nhận được cảnh báo của một số thành viên WTO về việc doanh nghiệp Việt chưa tuân thủ quy định, thủ tục nhập khẩu; kiến nghị của doanh nghiệp vướng mắc về quy định, thủ tục xuất, nhập khẩu nông sản thực phẩm. Do vậy, hàng có thể bị lưu kho tại cửa khẩu chờ xử lý, trả hàng, thu giữ hoặc tiêu hủy tùy theo quy định của từng thị trường. Việc này gây thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến uy tín của nông sản Việt Nam.

"Kết quả xác minh cho thấy, nguyên nhân chủ yếu do doanh nghiệp chưa tuân thủ các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật (SPS) hoặc trình tự, thủ tục xuất, nhập khẩu nông sản thực phẩm", Văn phòng SPS Việt Nam cho hay.

Với thị trường Anh tăng MRL một số hoạt chất gấp nhiều lần, lãnh đạo Văn phòng SPS Việt Nam đánh giá, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm của nước này đang rất cao và khắt khe.

Để tránh rủi ro cho doanh nghiệp và ảnh hưởng đến uy tín của nông sản Việt Nam, lãnh đạo Văn phòng SPS Việt Nam khuyến cáo doanh nghiệp trước khi xuất khẩu, cần nghiên cứu các quy định về an toàn thực phẩm; phụ gia thực phẩm, vật liệu bao gói, bao bì nhãn mác; quy định an toàn dịch bệnh (đối tượng kiểm dịch); về chứng thư, hồ sơ liên quan.

"Người sản xuất cần tuân thủ và cập nhật đúng các quy định của Anh và các nước về kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt tuyệt đối tuân thủ quy tắc “4 đúng” - dùng đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng - nồng độ và đúng cách. Trong đó, phải đảm bảo thời gian cách ly đến lúc thu hoạch là không còn tồn dư thuốc BVTV, đảm bảo sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả", lãnh đạo văn phòng SPS Việt Nam khuyến cáo.

Xuân Phong

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/anh-siet-quy-dinh-ve-du-luong-hoat-chat-trong-nhieu-nong-san-nhap-khau-post1709393.tpo
Zalo