Anh, Đức, Ba Lan... tranh cãi việc đưa quân tới Ukraine

Trong khi Anh ủng hộ phương án triển khai lính gìn giữ hòa bình tới Ukraine nếu có thỏa thuận ngừng bắn thì ý tưởng này gặp phản đối từ Đức, Ba Lan và một số nước khác.

Ngày 17-2, các lãnh đạo châu Âu và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã họp khẩn tại Paris (Pháp) bàn cách ứng phó những diễn biến gần đây liên quan cuộc đàm phán sắp tới giữa Nga và Mỹ nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine, theo hãng tin Reuters.

Trong cuộc họp, các nhà lãnh đạo châu Âu thống nhất kêu gọi tăng chi tiêu quốc phòng cho các nước, song vẫn có ý kiến trái chiều về vấn đề triển khai lính gìn giữ hòa bình tới Ukraine.

Thủ tướng Anh Keir Starmer tại cuộc họp đã nhắc lại rằng Anh sẵn sàng đưa lính gìn giữ hòa bình sang Ukraine, song nói rằng phải có cam kết an ninh từ Mỹ đối với các nước châu Âu để triển khai quân.

Tuy nhiên, ông Starmer cho rằng còn quá sớm để biết được Anh sẽ sẵn sàng triển khai bao nhiêu quân.

“Sự đảm bảo an ninh từ Mỹ là cách duy nhất để ngăn chặn hiệu quả Nga tấn công Ukraine một lần nữa” - ông Starmer nhấn mạnh.

 Thủ tướng Anh Keir Starmer (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại tại Paris (Pháp). Ảnh: AFP

Thủ tướng Anh Keir Starmer (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại tại Paris (Pháp). Ảnh: AFP

Ngược lại, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng việc thảo luận về lính gìn giữ hòa bình của Đức tại Ukraine là "hoàn toàn quá sớm và hoàn toàn không phải là thời điểm thích hợp để thảo luận về vấn đề này ngay bây giờ”.

Tương tự, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cho biết Warsaw sẽ không gửi quân tới Ukraine nhưng sẽ hỗ trợ các quốc gia khác.

Ông Tusk cũng cảnh báo "nếu ai đó nghiêm túc muốn nói về những đảm bảo cho Ukraine, họ phải chắc chắn hoàn toàn rằng họ sẽ có thể thực hiện những đảm bảo và nghĩa vụ đó", theo tờ The New York Times.

“Giả thuyết dự kiến triển khai quân đội châu Âu tại Ukraine có vẻ là phức tạp nhất và có lẽ là kém hiệu quả nhất, và về vấn đề này, tôi cũng đã bày tỏ sự nghi ngờ của Ý" - Thủ tướng Ý Giorgia Meloni bày tỏ quan điểm.

Bàn về chi tiêu quốc phòng, Thủ tướng Đức và Thủ tướng Ba Lan cho biết các quy tắc tài chính nghiêm ngặt của Liên minh châu Âu (EU) nên được nới lỏng. Điều này là nhằm để cho phép các nước thành viên tăng chi tiêu quốc phòng mà không bị đánh giá là vi phạm các quy tắc thâm hụt của EU.

 Thủ tướng Đức Olaf Scholz (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Paris (Pháp). Ảnh: AFP

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Paris (Pháp). Ảnh: AFP

Theo ông Tusk, đã có "sự xác nhận rằng chi tiêu quốc phòng sẽ không còn bị coi là chi tiêu quá mức nữa”, do đó các nước châu Âu “sẽ không có nguy cơ phải chịu những biện pháp chống thâm hụt quá mức và mọi hậu quả khó chịu của nó".

Ông Scholz cũng bày tỏ ủng hộ rằng các khoản chi hơn 2% GDP cho quốc phòng của các quốc gia châu Âu không nên bị chặn do các quy tắc ngân sách của EU.

"Vấn đề chia sẻ gánh nặng không phải là mới, nhưng hiện đang rất cấp bách và châu Âu sẽ phải tăng cường, cả về mặt chi tiêu và năng lực mà chúng ta cung cấp cho Ukraine” - Thủ tướng Anh nói.

Cuộc họp của các nhà lãnh đạo châu Âu và NATO ở Paris diễn ra sau những lo ngại rằng Mỹ sẽ gạt châu Âu ra khỏi các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt xung đột Nga-Ukraine.

Trước đó, ngày 15-2, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump về Ukraine và Nga - ông Keith Kellogg nói rằng châu Âu sẽ không tham gia trực tiếp vào các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt xung đột Nga-Ukraine.

TRỌNG TẤN

Nguồn PLO: https://plo.vn/anh-duc-ba-lan-tranh-cai-viec-dua-quan-toi-ukraine-post834761.html
Zalo