NATO đối mặt với 'sự thay đổi mô hình' sau lời cảnh báo của Mỹ với châu Âu
Sau cảnh báo cứng rắn từ Phó Tổng thống Mỹ JD Vance, các quốc gia NATO đối mặt với áp lực gia tăng chi tiêu quốc phòng để tự chủ hơn trong vấn đề an ninh. Ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu đã sẵn sàng mở rộng sản xuất, nhưng liệu các chính phủ có nhanh chóng biến cam kết thành hành động?

Quốc kỳ các nước thành viên NATO tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Các quốc gia NATO đang phải đối mặt với "sự thay đổi mô hình" về chi tiêu quốc phòng sau khi Phó Tổng thống Mỹ JD Vance cảnh báo châu Âu cần tăng cường trách nhiệm tài chính cho an ninh của mình, theo đánh giá của lãnh đạo tập đoàn quốc phòng lớn nhất châu Âu.
Báo Telegraph (Anh) ngày 19/2 dẫn lời Charles Woodburn, Giám đốc điều hành (CEO) BAE Systems, nhận định ngành công nghiệp quốc phòng đã sẵn sàng tăng cường sản xuất, mặc dù nhiều chính phủ vẫn chưa chuyển cam kết tăng chi tiêu quân sự thành hành động cụ thể.
"Không còn nghi ngờ gì nữa, đây giống như một sự thay đổi sâu sắc và một sự chuyển đổi mô hình. Về cách thức tiến triển của vấn đề này – về suy nghĩ của châu Âu, phản ứng của NATO và mục đích của con số mới cần hướng tới – tôi nghĩ chúng ta sẽ biết thêm trong vài tháng tới", ông Woodburn phát biểu.
Áp lực tăng chi tiêu quốc phòng
Bình luận của CEO BAE Systems được đưa ra chỉ vài ngày sau khi ông Vance cảnh báo các nhà lãnh đạo châu Âu rằng họ phải "có động thái mạnh mẽ" trong việc tái vũ trang. Áp lực này càng gia tăng khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhiều bên khác đang thúc đẩy các nước thành viên NATO tăng chi tiêu quốc phòng lên mức cao hơn mức mục tiêu 2% GDP hiện tại.
Tại Anh, chính phủ của Thủ tướng Keir Starmer đang tiến hành đánh giá quốc phòng để xác định thời điểm và cách thức chi tiêu ít nhất 2,5% GDP cho lĩnh vực này. Ông Woodburn nhấn mạnh: "Có rất nhiều lời lẽ hoa mỹ nhưng cho đến nay vẫn chưa chuyển thành một bộ ngân sách rõ ràng mà chúng ta sẽ tìm kiếm để thực hiện các kế hoạch mà chúng ta cần".
Ngày 19/2, BAE Systems công bố doanh số bán hàng đạt 34 tỷ bảng Anh trong năm ngoái, đưa lượng đơn đặt hàng thiết bị tồn đọng lên mức kỷ lục 77,8 tỷ bảng Anh. Công ty dự đoán sẽ có thêm ít nhất 30 tỷ bảng Anh doanh số bán hàng vào năm 2025.
"Gã khổng lồ" thuộc chỉ số FTSE 100 này (chỉ số cổ phiếu của 100 công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán London), vốn sản xuất từ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đến đạn pháo và máy bay chiến đấu Typhoon, đã chứng kiến cổ phiếu tăng hơn 15% sau phát biểu của ông Vance tại Hội nghị An ninh Munich tuần trước.
Riêng trong năm 2024, công ty cho biết đã nhận được đơn đặt hàng mới trị giá 33,7 tỷ bảng Anh, giảm nhẹ so với mức 37,7 tỷ bảng Anh của năm trước.
Khả năng mở rộng sản xuất
Khi được hỏi BAE có thể tăng tốc sản xuất nhanh đến đâu nếu chi tiêu quốc phòng tăng lên mức cao hơn, ông Woodburn khẳng định: "Vâng, (mục tiêu chi tiêu) tạo ra sự khác biệt lớn đối với chúng tôi và Anh. Nhưng chúng tôi có thể xử lý được".
Theo CEO trên, trừ khi xảy ra xung đột dữ dội, sự tăng trưởng về các con số chi tiêu nên diễn ra trong nhiều năm, và dựa trên những con số đã được thảo luận. Ông Woodburn tin rằng ngành công nghiệp có thể đáp ứng được thách thức đó: "Nếu chúng ta biết mục tiêu cuối cùng là gì, tôi tin rằng chúng ta có thể thực hiện được khả năng đó".
Một điểm đáng chú ý là khả năng mở rộng sản xuất sẽ khác nhau tùy theo loại trang thiết bị. Ông Woodburn cho biết sản xuất ở một số lĩnh vực như đạn dược và thiết bị bay không người lái có thể được mở rộng nhanh chóng, trong khi các thiết bị lớn hơn sẽ mất nhiều thời gian hơn.
"Chúng tôi hiện đang sản xuất rất nhiều thiết bị bay không người lái và có khả năng mở rộng quy mô sản xuất – chúng tôi thực sự có năng lực về mặt này," ông Woodburn nhấn mạnh. Vị CEO này cũng chỉ ra rằng BAE hiện là nhà sản xuất thiết bị bay không người lái lớn nhất châu Âu bên ngoài Ukraine, sau khi gần đây tiếp quản các công ty Anh là Malloy Aeronautics và Callen-Lenz.
Trong giới quốc phòng phương Tây, có mối lo ngại về thời gian các công ty phải bỏ ra để đóng tàu, tàu ngầm và máy bay. Một báo cáo của Hải quân Mỹ cảnh báo rằng năng lực đóng tàu của Trung Quốc đã tăng gấp hơn 600 lần so với Mỹ.
Bản thân BAE cũng đang gặp khó khăn, với việc sản xuất tàu khu trục Type 26 của Anh tại Glasgow bị chậm một năm và dự kiến sẽ tốn thêm hơn 200 triệu bảng Anh so với kế hoạch ban đầu.
Về máy bay chiến đấu Typhoon, vốn đã được sản xuất tại nhà máy Warton của BAE gần Preston trong hơn 25 năm, ông Woodburn cho biết công ty sẵn sàng sản xuất thêm cho Anh nếu Bộ Quốc phòng yêu cầu. Đáng chú ý, đơn đặt hàng Typhoon gần đây nhất của Anh là vào năm 2009 và chiếc máy bay phản lực mới nhất được giao cho Không quân Hoàng gia Anh vào năm 2019.