Dấu ấn sau một tháng nắm quyền của Tổng thống Trump

Ngay sau khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai, nhiều chính sách và sắc lệnh mới của Tổng thống Donald Trump không chỉ khuấy động nước Mỹ mà còn khiến cả thế giới ngỡ ngàng.

Nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Mỹ Donald Trump được đánh dấu bằng một loạt sắc lệnh hành pháp, nhấn mạnh chương trình nghị sự đầy tham vọng của ông nhằm cải tổ chính phủ liên bang và xác định lại các chính sách quan trọng. Tính đến ngày 19/2, tức 30 ngày sau khi nhậm chức, ông Trump đã ký hơn 60 sắc lệnh hành pháp về đối nội và đối ngoại.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết: “Đầu tiên, tôi sẽ hủy bỏ gần 80 sắc lệnh hành pháp mang tính phá hoại và cực đoan của chính quyền trước, một trong những chính quyền tồi tệ nhất trong lịch sử”.

Nhiều sắc lệnh hành pháp của ông Trump nhận được sự ủng hộ, nhưng cũng có những quyết định gây tranh cãi, đối mặt với làn sóng pháp lý. Về đối nội, ông Trump ưu tiên xử lý vấn đề nhập cư với việc triển khai chiến dịch trục xuất người nhập cư lớn nhất lịch sử Mỹ. Với một loạt thay đổi chính sách quản lý người nhập cư, chính quyền ông Trump đã gần như đảo ngược 180 độ chính sách của người tiền nhiệm Joe Biden.

Ông Trump cũng gây tranh cãi khi trao quyền cho tỷ phú Elon Musk, điều hành Bộ Hiệu suất Chính phủ (DOGE) với nhiệm vụ tinh giản chính phủ liên bang, cắt giảm chi tiêu lãng phí, sa thải hàng nghìn nhân viên liên bang và có khả năng đóng cửa toàn bộ các cơ quan do Quốc hội thành lập. Đáng chú ý là động thái quyết liệt nhằm vào Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID).

Về chính sách thuế quan, sau khi áp thuế đối với Trung Quốc và chuẩn bị áp thuế nhập khẩu đối với Canada và Mexico, ông Trump cũng đe dọa đưa ra mức thuế mới trong những tuần và tháng tới để tương xứng với mức thuế của các quốc gia khác.

Ông cũng có kế hoạch áp dụng thuế quan bổ sung riêng đối với ô tô, chip máy tính và dược phẩm, ngoài mức thuế 25% đối với thép và nhôm mà ông đã công bố, khiến Mỹ có nguy cơ đối mặt với các biện pháp đáp trả.

Bà Ursula Von Der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu - cho biết: “Thuế quan phi lý đối với Liên minh Châu Âu sẽ không bị bỏ qua mà không có phản ứng. Chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp đối phó tương xứng và rõ ràng”.

Về đối ngoại, ông Trump đã rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới, Hội đồng Nhân Quyền Liên Hợp Quốc, dừng tài trợ cho một số cơ quan thuộc Liên Hợp Quốc và rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Ông Trump cũng làm dấy lên cuộc tranh luận khi bất ngờ tuyên bố ý tưởng Mỹ tiếp quản Gaza, di dời người Palestine tại đây đến các quốc gia khác và tái thiết dải đất ven biển Địa Trung Hải này.

Ngoài ra, nhiều tuyên bố của ông Trump cũng gây căng thẳng ngoại giao, như: tuyên bố sẽ giành quyền kiểm soát kênh đào Panama, đề xuất mua đảo Greenland của Đan Mạch, kêu gọi Canada trở thành một bang của Mỹ.

Ông Trump từng nhiều lần tuyên bố sẽ chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine. Ngày 12/2, vị tân chủ nhân Nhà trắng đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Phái đoàn Mỹ và Nga cũng đã đàm phán lần đầu tiên tại Ả Rập Xê Út vào ngày 18/2, nhất trí bắt đầu làm việc về lộ trình hướng tới giải pháp hòa bình cho Ukraine.

Tuy nhiên, động thái của ông Trump lại khiến Ukraine và các đồng minh châu Âu lo ngại bị gạt ra khỏi các cuộc đàm phán. Một cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo Nga và Mỹ được kỳ vọng có thể diễn ra trong tháng 2/2025.

Theo một cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Donald Trump đã giảm nhẹ trong những ngày gần đây, bởi ngày càng nhiều người Mỹ lo ngại về hướng đi của nền kinh tế nội địa khi nhà lãnh đạo nước này đe dọa áp thuế đối với nhiều quốc gia.

Khuất Trang

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/dau-an-sau-mot-thang-nam-quyen-cua-tong-thong-trump-304336.htm
Zalo