An toàn thực phẩm có trách nhiệm giới: Phá bỏ định kiến đi chợ, nấu ăn là việc của phụ nữ

Nhiều cuộc khảo sát đã chỉ ra rằng cả nam giới và phụ nữ đều đóng góp vào chuỗi sản xuất, cung ứng và đảm bảo an toàn thực phẩm theo những cách khác nhau.

Một gia đình cùng nhau lựa chọn thực phẩm tại siêu thị ở quận Long Biên, Hà Nội. (Ảnh Trần Việt/Vietnam+)

Một gia đình cùng nhau lựa chọn thực phẩm tại siêu thị ở quận Long Biên, Hà Nội. (Ảnh Trần Việt/Vietnam+)

Tại một buổi đào tạo gần đây về an toàn thực phẩm có trách nhiệm giới dành cho các cán bộ truyền thông tại các tỉnh phía Bắc, giảng viên đã cho học viên xem hai bức ảnh.

Một bức ảnh người mẹ lựa chọn thực phẩm tại siêu thị trong khi cha và các con đang chơi. Bức ảnh còn lại cả gia đình cùng nhau chọn thực phẩm.

“Chúng ta nên lựa chọn bức ảnh nào cho chiến dịch truyền thông về an toàn thực phẩm để tạo ra tác động lan tỏa hơn?” - giảng viên đặt câu hỏi.

Sau nhiều tranh luận, tất cả các học viên, nam và nữ, đều thống nhất rằng bức ảnh cả gia đình cùng nhau lựa chọn thực phẩm nên được sử dụng.

Theo quan niệm truyền thống của Việt Nam, phụ nữ thường đảm nhiệm công việc đi chợ và nấu ăn. Định kiến này tạo ra định kiến chung cho toàn xã hội rằng an toàn thực phẩm là mối quan tâm chỉ của riêng phụ nữ.

Tuy nhiên, nhiều cuộc khảo sát đã chỉ ra rằng cả nam giới và phụ nữ đều đóng góp vào chuỗi sản xuất, cung ứng và đảm bảo an toàn thực phẩm theo những cách khác nhau.

Vào thời điểm bắt đầu khóa học về an toàn thực phẩm có trách nhiệm giới của dự án An toàn thực phẩm vì sự phát triển (SAFEGRO), phần lớn học viên còn chưa rõ khái niệm “an toàn thực phẩm có lồng ghép giới.”

Tuy nhiên, sau khi được tiếp cận với nhiều tình huống thực tế, họ đã hiểu ra rằng cả phụ nữ và nam giới đều cần được tham gia vào công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tô Quỳnh Mai, giảng viên truyền thông của khóa học, nhấn mạnh cả phụ nữ và nam giới đều đóng vai trò trong sản xuất, cung ứng, lựa chọn và kinh doanh thực phẩm.

Nhạy cảm giới là yếu tố quan trọng trong truyền thông về an toàn thực phẩm, bởi phụ nữ thường là người trực tiếp mua thực phẩm, nấu ăn và đảm bảo dinh dưỡng cho gia đình. Trong khi đó, nam giới có thể là người quyết định chi tiêu, ảnh hưởng đến lựa chọn thực phẩm, giảng viên Mai cho biết.

“Chúng ta cần đưa ra các thông điệp truyền thông cân bằng giới từ nội dung, hình ảnh đến video. Hình ảnh có sức mạnh thay đổi tư duy. Chúng ta nên chọn những hình ảnh thể hiện cả phụ nữ và nam giới cùng tham gia mua sắm, chế biến và giám sát quá trình sản xuất thực phẩm,” chị Mai chia sẻ với các học viên.

Dự án SAFEGRO do Canada tài trợ đã trang bị kiến thức và kỹ năng về an toàn thực phẩm cho nhiều cán bộ của Hội phụ nữ địa phương, cơ quan quản lý an toàn thực phẩm, giáo viên mầm non và giảng viên đại học trên toàn quốc.

Mỗi học viên đều đã nhận thức được về vai trò của giới trong truyền thông về an toàn thực phẩm và học cách áp dụng vào công việc của mình.

Anh Đoàn Huy Dũng, cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, chia sẻ: “Bản thân tôi đã học được khái niệm truyền thông an toàn thực phẩm có lồng ghép giới - một điều khá mới với tôi.”

Là người phụ trách truyền thông về an toàn thực phẩm của Chi cục, anh Dũng cho biết đơn vị của mình chưa có phân tích hay phương pháp tiếp cận lồng ghép giới trong công tác này.

“Sau khóa đào tạo, tôi nhận ra thay vì chỉ tập trung vào nữ giới - những người tiêu dùng chính, chúng ta có thể đưa nam giới vào các cuộc thảo luận về an toàn thực phẩm để có thêm nhiều góc nhìn đa dạng hơn. Tiếng nói của nam giới cũng quan trọng và có ảnh hưởng đến việc lựa chọn thực phẩm của gia đình,” anh chia sẻ.

 Các học viên nữ tham gia khóa học An toàn thực phẩm có trách nhiệm giới do SAFEGRO tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh tháng 2/2025. (Ảnh Nguyễn Diệp/Vietnam+)

Các học viên nữ tham gia khóa học An toàn thực phẩm có trách nhiệm giới do SAFEGRO tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh tháng 2/2025. (Ảnh Nguyễn Diệp/Vietnam+)

Một nữ cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Yên Bái giấu tên, cho biết đôi khi tiếng nói của hội phụ nữ - thành viên trong đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm địa phương - vẫn chưa được lắng nghe đầy đủ. Khóa đào tạo về an toàn thực phẩm có lồng ghép giới với các tài liệu bổ ích đã giúp chị tự tin hơn trong vai trò của mình.

Bà Phùng Thị Yến, chuyên gia giới của SAFEGRO, cho biết dự án hướng tới việc nâng cao nhận thức về giới cho phụ nữ, nam giới và các bản dạng giới, đặc biệt là thúc đẩy vai trò lãnh đạo về giới trong chuỗi giá trị an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, tùy vào mức độ tham gia và số lượng nam-nữ trong từng mắt xích của chuỗi giá trị, SAFEGRO có những can thiệp riêng biệt cho từng nhóm đối tượng.

“Chúng tôi đã tổ chức các khóa đào tạo dành riêng cho các lãnh đạo nữ cấp cao đến từ 38 Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp tỉnh để tăng cường tiếng nói của họ trong việc xây dựng chính sách an toàn thực phẩm,” bà Yến cho biết.

Học trực tuyến về giới

Vấn đề về giới đã được lồng ghép vào tất cả các khóa đào tạo của SAFEGRO. Học viên được khuyến khích hoàn thành một khóa học trực tuyến kéo dài bốn tiếng về giới do các chuyên gia của SAFEGRO phát triển trước khi tham gia đào tạo trực tiếp.

Bà Yến, người phát triển chương trình học trực tuyến về giới của SAFEGRO, cho biết: “An toàn thực phẩm hiếm khi được nhắc đến khi bàn về bình đẳng giới; thay vào đó, người ta thường nói nhiều đến an ninh lương thực và dinh dưỡng.”

“Tại Việt Nam, nhiều người vẫn nghĩ bình đẳng giới chỉ là câu chuyện của phụ nữ. Tuy nhiên, giới bao gồm cả nam, nữ và các bản dạng giới. Chính suy nghĩ đó đã truyền cảm hứng để tôi đầu tư thời gian xây dựng khóa học trực tuyến về phân tích giới và lồng ghép giới trong an toàn thực phẩm.”

Dựa trên kinh nghiệm của Canada, bà đã thiết kế nội dung và hình thức để phù hợp với bối cảnh bình đẳng giới tại Việt Nam.

Vì giới là một vấn đề văn hóa, nên cần được đặt trong ngữ cảnh địa phương, bà cho biết.

Sau khi hoàn thành khóa học, các học viên được kỳ vọng sẽ hiểu rõ kiến thức nền tảng và kỹ năng thực tế về phân tích giới, tích hợp giới vào các chương trình và chính sách nói chung và trong lĩnh vực an toàn thực phẩm nói riêng./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/an-toan-thuc-pham-co-trach-nhiem-gioi-pha-bo-dinh-kien-di-cho-nau-an-la-viec-cua-phu-nu-post1027674.vnp
Zalo