An toàn cho trẻ em trên môi trường mạng
Trong cuộc sống hiện đại và hội nhập, internet, mạng xã hội (MXH) ngày càng phổ biến, phát triển mạnh mẽ, thu hút người dân ở mọi lứa tuổi tham gia, trong đó phải kể đến giới trẻ, đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên. Không thể phủ nhận những tiện ích mà internet và MXH mang lại, thế nhưng đây cũng là
Trong cuộc sống hiện đại và hội nhập, internet, mạng xã hội (MXH) ngày càng phổ biến, phát triển mạnh mẽ, thu hút người dân ở mọi lứa tuổi tham gia, trong đó phải kể đến giới trẻ, đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên. Không thể phủ nhận những tiện ích mà internet và MXH mang lại, thế nhưng đây cũng là "con dao hai lưỡi” tiềm ẩn nhiều rủi ro, đe dọa sự an toàn của trẻ.
Theo rà soát của Sở LĐ-TB&XH, tỉnh Hòa Bình hiện có trên 226 nghìn trẻ em. Trong thời đại bùng nổ thông tin và công nghệ số, trẻ em sớm được tiếp cận với internet, thiết bị công nghệ. Theo Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường, tại Việt Nam có gần 97% trẻ sử dụng internet cho nhiều mục đích khác nhau như học tập, giải trí, tìm kiếm thông tin, chơi game… Mạng internet mang lại nhiều giá trị tích cực trong học tập, vui chơi, phát triển bản thân, kết nối bạn bè…
Nếu biết tận dụng những lợi ích sẽ giúp trẻ học hỏi được nhiều điều hay, phát huy khả năng tư duy, sáng tạo. Tuy nhiên, song song với cơ hội, tiện ích thiết thực cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hại. Một trong nhiều tác động tiêu cực mà internet và MXH mang đến cho trẻ chính là ảnh hưởng bởi trào lưu xấu, thông tin độc hại và vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nguy cơ cao trẻ em bị lừa đảo, dễ dàng bị lôi kéo, dụ dỗ, bị bắt nạt trên mạng, ảnh hưởng về sức khỏe, tâm lý, hành vi… Chưa đủ nhận thức, kỹ năng về mối nguy hại từ môi trường mạng, bởi vậy mà trẻ em trở thành mục tiêu, "con mồi” của một số loại tội phạm trên môi trường mạng. Thậm chí đã từng xảy ra không ít trường hợp xích mích trên MXH để rồi gây ra hành vi vi phạm pháp luật, tổn hại đến tâm lý, danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tinh thần của trẻ.
Một số vụ việc có thể kể đến như: Nhằm ra oai với người đi đường và sẵn sàng đánh trả khi có người gây sự nên ngày 13/4/2024, thông qua nhóm "Trebaichao” trên ứng dụng facebook messenger, nhóm thanh thiếu niên gồm 20 người, trú tại các xã Tú Sơn, Vĩnh Tiến, Đú Sáng (là học sinh Trường THPT 19/5, Trường THPT Bắc Sơn, học trường nghề ở thành phố Hòa Bình) đã điều khiển xe mô tô tốc độ cao, không đội mũ bảo hiểm cầm theo hung khí nguy hiểm, đi theo tuyến đường 12B từ xã Tú Sơn đến thị trấn Bo. Hành động này gây hoang mang cho người đi đường và ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương. Các đối tượng đã bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Một vụ việc khác là tháng 3/2023, Công an huyện Tân Lạc tiếp nhận đơn trình báo của 2 gia đình ở xã Vân Sơn về việc 2 cháu gái là Đ.T.N và B.T.Đ bỏ học, rủ nhau xuống Hà Nội tìm việc làm, gia đình không liên lạc được với các cháu. Đáng nói, khi bỏ nhà đi tìm việc làm, các cháu mới 15 tuổi. Sau khi tiếp nhận đơn trình báo, Công an huyện đã tiến hành xác minh, xác định khi các cháu Đ.T.N và B.T.Đ xuống Hà Nội có đi phỏng vấn tại một số công ty nhưng không xin được việc. 2 cháu đã sử dụng tài khoản cá nhân facebook truy cập vào nhóm "giới thiệu việc làm” để tìm kiếm công việc. Tại đây, 2 cháu được giới thiệu vào làm nhân viên tạp vụ tại 1 cơ sở kinh doanh tại huyện Lục Nam (Bắc Giang) và không được sử dụng điện thoại cá nhân trong quá trình làm việc. Sau khi tìm thấy 2 cháu, Công an huyện đã làm các thủ tục bàn giao cho gia đình đảm bảo an toàn.
Những năm qua, tỉnh Hòa Bình đã ban hành nhiều văn bản về công tác bảo vệ trẻ em trên không gian mạng: Công văn số 6594/VPUBND-NVK, ngày 22/7/2024 của Văn phòng UBND tỉnh về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống xâm hại trẻ em trên không gian mạng; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 153/KH-UBND, ngày 09/8/2023 về việc triển khai thực hiện Chương trình "Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng giai đoạn 2023 - 2030” trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; Kế hoạch số 169/KH-UBND, ngày 23/9/2022 về việc triển khai thực hiện Chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2022 - 2025” trên địa bàn tỉnh Hòa Bình… Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương thì phụ huynh, gia đình có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ trẻ trước những rủi ro trên môi trường mạng.
Song, cũng không nên cấm đoán việc trẻ sử dụng internet và MXH mà cần định hướng trẻ tiếp cận thông tin có nội dung tích cực, phù hợp với lứa tuổi, khuyến khích trẻ dùng internet phục vụ mục đích học tập, đồng thời dạy kỹ năng tự bảo vệ an toàn của bản thân trên không gian mạng. Bởi vậy, để trẻ em tham gia internet, MXH an toàn, lành mạnh, rất cần sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa gia đình, nhà trường, cơ quan chức năng và toàn xã hội.