Hà Nội: chú trọng dạy học phân hóa theo hướng tiếp cận năng lực học sinh

Các trường học tại Hà Nội chú trọng đổi mới kiểm tra đánh giá, hướng tới phát triển năng lực; kết hợp kết quả đánh giá trong quá trình và tổng kết. 100% đơn vị chú trọng dạy học phân hóa theo hướng tiếp cận năng lực học sinh.

Ngày 21/1, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức hội nghị sơ kết học kỳ I, triển khai nhiệm vụ trọng tâm kỳ II năm học 2024 – 2025 cấp THCS.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Quốc Toản chủ trì hội nghị.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Quốc Toản chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT, với cấp THCS, toàn TP có 668 trường, hơn 15.500 lớp, gần 615.000 học sinh; trong đó số học sinh lớp 6 là hơn 160.000; học sinh lớp 9 là trên 127.300. So với cùng kỳ năm 2024, học sinh cấp THCS tăng 549 lớp với trên 13.500 học sinh.

Điểm nhấn trong công tác giáo dục cấp THCS là việc đổi mới phương pháp hình thức tổ chức dạy học. Với toàn cấp học nói chung, cấp THCS nói riêng luôn chú trọng rèn luyện cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu; dạy học tích hợp, lồng ghép. Sở GD&ĐT đã chỉ đạo 100% các đơn vị đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức kỹ năng của học sinh.

Các trường học Hà Nội chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, chú trọng phát triển năng lực học sinh.

Các trường học Hà Nội chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, chú trọng phát triển năng lực học sinh.

Các trường đã chủ động xây dựng nhiều video, clip, tiết học trải nghiệm; dạy học phân hóa theo năng lực học sinh. Giáo viên chủ động thiết kế bài giảng linh hoạt, khoa học, sắp xếp hợp lý các hoạt động; phối hợp tốt giữa làm việc cá nhân và theo nhóm.

100% các cơ sở giáo dục tăng cường đổi mới phương pháp dạy học thông qua công tác bồi dưỡng và dự giờ thăm lớp; tổ chức thành công kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp TP và kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa lớp 9 cấp TP; đẩy mạnh việc tổ chức dạy học theo chủ đề liên môn, nội môn...

Cùng với đó, các đơn vị quan tâm công tác đổi mới kiểm tra, đánh giá, hướng tới phát triển năng lực, kết hợp kết quả đánh giá trong quá trình và tổng kết. Thực hiện nghiêm túc việc xây dựng đề thi, kiểm tra theo ma trận với các cấp độ nhận thức. 100% các trường chú trọng dạy học phân hóa theo hướng tiếp cận năng lực học sinh.

Năm học này, Sở tiếp tục chỉ đạo các đơn vị căn cứ vào thực tiễn ra đề kiểm tra chung cho học sinh các lớp trên địa bàn nhằm tập huấn, rà soát quy trình của ma trận đề, kỹ năng biên soạn đề, kỹ năng làm thi, kiểm tra. Các đơn vị chủ động xây dựng ngân hàng câu hỏi ở nhiều môn học, nhất là các môn toán, ngữ văn, tiếng Anh và một số môn khác khối lớp 9.

Riêng môn ngữ văn, các đơn vị đã chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ việc đổi mới dạy học và kiểm tra, đánh giá, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng đề để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.

Tham luận tại hội nghị, các phòng GD&ĐT và đơn vị, nhà trường đã có những chia sẻ, kiến nghị về đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy và học môn tiếng Anh; thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018; tăng cường giáo dục di sản, giáo dục địa phương và hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp.

Nhiều ý kiến cũng trao đổi xung quanh Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT về quản lý dạy thêm học thêm; Thông tư số 30/TT-BGDĐT về quy chế tuyển sinh THCS – THPT; đưa giáo dục STEM vào trường học; đồng thời đề xuất Hà Nội sớm công bố môn thi thứ 3 kỳ thi lớp 10.

Biểu dương kết quả cấp THCS tại Hà Nội đã hoàn thành chương trình học kỳ I năm học 2024 - 2025; ổn định và phát triển cả giáo dục đại trà và mũi nhọn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Quốc Toản đề nghị cấp THCS tiếp tục thực hiện có chiều sâu, lan tỏa phong trào "Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm"; tuyên tuyền thực hiện hiệu quả Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT và Thông tư số 30/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT.

Đồng thời chỉ đạo hiệu quả việc tự chủ kế hoạch dạy học, kế hoạch bài học phù hợp với thực tiễn các nhà trường, kiểm tra, rút kinh nghiệm với lớp 9 và các lớp khác của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; tổ chức ôn tập, dạy học hoàn thành chương trình và nội dung dạy học.

Các đơn vị quan tâm tổ chức các hội thảo, tổng kết Chương trình 2006, sơ kết Chương trình 2018; làm tốt xét tốt nghiệp THCS, chuẩn bị tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2025 - 2026.

Cùng với đó, tiếp tục quan tâm thực hiện đầu tư, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong giáo dục; nâng cao chất lượng các trường công nhận mới, công nhận lại đạt chuẩn quốc gia; tuyệt đối chấp hành các quy định về thu, chi tài chính...

Liên quan đến Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Quốc Toản thông tin: Sở đang quyết liệt xây dựng văn bản để tham mưu UBND TP Hà Nội về nội dung này. Ngay khi văn bản được thông qua, ban hành, Sở sẽ gửi hướng dẫn các đơn vị để triển khai thực hiện.

Nam Du

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-chu-trong-day-hoc-phan-hoa-theo-huong-tiep-can-nang-luc-hoc-sinh.html
Zalo