Khen thưởng cuối năm: Không để người mừng, kẻ tủi

Nhiều trường học tính toán thu chi để nhân viên trường học 'không nằm ngoài' niềm vui chung của ngành Giáo dục trong dịp cuối năm...

Công đoàn Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trao quà Tết cho giáo viên, nhân viên không thuộc diện hưởng chính sách của Nghị định 73/2024.

Công đoàn Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trao quà Tết cho giáo viên, nhân viên không thuộc diện hưởng chính sách của Nghị định 73/2024.

Không nằm trong diện được hưởng chế độ của Nghị định 73/2024/NĐ-CP (Nghị định 73), nhưng các trường học đã chắt chiu, linh hoạt trong tính toán thu chi để nhân viên trường học “không nằm ngoài” niềm vui chung của ngành Giáo dục trong dịp cuối năm.

Khéo co lo Tết

Năm học 2024 - 2025, Trường Tiểu học Nam Hà (TP Hà Tĩnh, Hà Tĩnh) có 11 nhân viên cấp dưỡng hợp đồng theo thời vụ. Theo quy định, công việc nấu ăn trong các cơ sở giáo dục thuộc nhóm vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ và được thực hiện theo hình thức hợp đồng lao động, không bố trí định mức biên chế.

“Nhận mức lương khoán nên việc không có thu nhập tăng thêm cuối năm là điều được thống nhất khi ký hợp đồng lao động. Tuy nhiên, mức lương thấp, chỉ tạm đủ xoay xở cuộc sống hằng ngày, nhân viên nhà trường phải chịu nhiều thiệt thòi. Chính vì vậy, hằng năm, từ nguồn tiết kiệm chi, nhà trường luôn cố gắng có suất quà để động viên đội ngũ này”, cô Tống Thị Thanh Bình - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Hà cho hay.

Theo cô Bình, đây là phần kết dư từ ngân sách sau khi trừ tiền điện, nước, văn phòng phẩm, các hoạt động giáo dục của trường. Cuối năm còn dư bao nhiêu, trường sẽ chia đều cho tất cả giáo viên, nhân viên. Đối với giáo viên có thể nhận từ 2 - 4 triệu đồng, căn cứ vào mức xếp loại trong học kỳ. Còn nhân viên cấp dưỡng ở mức 500 nghìn đồng.

“Trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường sẽ dành suất quà hỗ trợ từ các ban, ngành, đoàn thể để động viên thêm. Ngoài ra, để bớt đi phần nào khó khăn cho các cô nuôi, nhà trường thực hiện chế độ đóng bảo hiểm với mức gần 1,3 triệu đồng/tháng trong 9 tháng theo hợp đồng lao động”, cô Bình nói.

Để có những suất quà Tết cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường, từ đầu năm học, Trường Mầm non Sơn Hồng (Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã xây dựng kế hoạch cụ thể cho các khoản chi tiêu. Nhà trường cũng tiết kiệm tối đa chi phí nhằm có một khoản nhỏ trong số tiền ngân sách được cấp để thưởng Tết, động viên cho thầy cô và đội ngũ nhân viên.

“Trường nằm ở địa bàn miền núi nên các khoản xã hội hóa eo hẹp. Hằng năm, nhà trường cố gắng cân đối để có mức thưởng khoảng 500 nghìn đồng đến 2 triệu đồng/giáo viên. Bên cạnh đó, công đoàn nhà trường có túi quà trị giá khoảng vài trăm ngàn đồng cho đội ngũ cô nuôi”, cô Trần Thị Sự - Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Hồng chia sẻ.

Tương tự, Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) có 9 giáo viên, nhân viên theo diện hợp đồng khoán việc, không được hưởng chế độ theo Nghị định 73 cũng như khoản tiền từ tiết kiệm chi tiêu nội bộ như các giáo viên biên chế khác.

Từ nguồn ủng hộ do công đoàn nhà trường vận động, mỗi giáo viên, nhân viên được nhận hỗ trợ 3,8 triệu đồng. Ngoài ra, gần 50 người lao động gồm quản sinh, cấp dưỡng, nhân viên phục vụ… đều có quà Tết trị giá 700 nghìn đồng/người từ nguồn hỗ trợ của nhà trường và quỹ công đoàn.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Leng (Nam Trà My, Quảng Nam) năm nay thay đổi cách… khen thưởng cuối năm. Nhà trường có 9 giáo viên hợp đồng hưởng lương từ ngân sách. Số giáo viên này không thuộc diện hưởng chế độ của Nghị định 73. Vì vậy, liên tịch nhà trường thống nhất, nguồn tiết kiệm chi sẽ dùng để khen thưởng cho những thầy, cô dạy hợp đồng chứ không tính giáo viên biên chế như những năm trước đây.

Thầy Bùi Quang Ngọc - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Những giáo viên hợp đồng có 9 tháng công tác trở lên, nếu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì mức thưởng khoảng 2 triệu đồng. Những giáo viên mới ký hợp đồng từ đầu năm học, nhà trường hỗ trợ Tết ở mức 1 triệu đồng. Dù so với giáo viên biên chế vẫn có sự chênh lệch nhưng nhà trường đã cố gắng cân đối để động viên thầy, cô gắn bó với công việc”.

Trong khi đó, nguồn khen thưởng từ tiết kiệm chi tiêu nội bộ của Trường Tiểu học Tiểu La (Sơn Trà, Đà Nẵng) được chia đều cho giáo viên, nhân viên biên chế, hợp đồng hưởng lương ngân sách.

Cô Hiệu trưởng Lê Thị Thúy Nga cho hay: “Ngân sách được cấp về cho nhà trường dựa trên số lượng học sinh. Giáo viên biên chế hay hợp đồng cũng đứng lớp và có trách nhiệm như nhau. Chính vì vậy, khi xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, chúng tôi không có sự phân biệt giữa hợp đồng hưởng lương ngân sách hay biên chế trong chế độ phúc lợi”.

 Đội ngũ nhân viên cấp dưỡng tại Trường Tiểu học Nam Hà (TP Hà Tĩnh, Hà Tĩnh).

Đội ngũ nhân viên cấp dưỡng tại Trường Tiểu học Nam Hà (TP Hà Tĩnh, Hà Tĩnh).

Tết sẻ chia

Gắn bó với vai trò cô nuôi tại Trường Mầm non Sơn Hồng (Hương Sơn, Hà Tĩnh) gần 10 năm, nhưng năm nào cô Đinh Thị Thúy Vân cũng thấy ấm lòng bởi những suất quà sẻ chia của Ban Giám hiệu và Công đoàn trường khi Tết đến Xuân về.

Dù nhân viên hợp đồng khoán việc không có tên trong danh sách được chia thu nhập tăng thêm, nhưng hằng năm nhà trường luôn có khoản chi hỗ trợ. Điều này, giúp cô và đội ngũ cô nuôi bớt đi cảm giác buồn, tủi thân khi thấy mình không bị “đứng ngoài” niềm vui của cơ quan và có thêm ít tiền để trang trải dịp Tết.

“Thưởng Tết là sự động viên, khích lệ chung cho người lao động nên dù ít, nhiều cũng đáng quý. Tôi rất mong, nghề cấp dưỡng ở các trường mầm non sẽ được quan tâm hơn để thêm nguồn động lực gắn bó với nghề”, cô Vân bày tỏ.

Thầy Nguyễn Văn Nhân dạy hợp đồng tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Dơn từ năm 2019 với mức lương chưa đến 4 triệu đồng. Vừa dạy học, vừa sắp xếp thời gian để học liên thông lên đại học tại Trường ĐH Quảng Nam.

Mùa Hè năm 2023, thầy Nhân hoàn thành xong chương trình đại học và đang nỗ lực cho kỳ thi biên chế ngành Giáo dục sắp tới. Từ nguồn hỗ trợ của nhà trường và quỹ Công đoàn Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Dơn (Nam Trà My, Quảng Nam), thầy Nhân được hỗ trợ Tết khoảng 2 triệu đồng.

Chung vui với thưởng Tết cùng đội ngũ nhà giáo, 2 nhân viên bảo vệ của Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Đà Nẵng) vô cùng phấn khởi nhận 9,3 triệu đồng khi được xếp loại Lao động tiên tiến trong năm.

Anh Nông Văn Oanh, nhân viên bảo vệ cho biết: “Ngoài giá trị vật chất thì việc được ghi nhận những đóng góp cho nhà trường từ việc làm bé nhỏ như kiểm tra phòng học vào cuối ngày để tắt đèn, quạt (nếu có trường hợp nào quên), tu sửa nhỏ một số việc lặt vặt liên quan đến điện, nước… chúng tôi rất vui mừng, hạnh phúc”.

“Những năm gần đây, điều kiện dạy học của giáo viên cắm bản được cải thiện rất nhiều. Năm hết Tết đến, nhận được sự quan tâm của anh chị em đồng nghiệp, tôi rất hạnh phúc. Đó không chỉ là sự chia sẻ về vật chất mà còn là nguồn động viên, sợi dây gắn chặt sự đoàn kết của tập thể”, thầy Nguyễn Văn Nhân - giáo viên hợp đồng tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Dơn (Quảng Nam) bày tỏ.

Phượng Vũ - Hà Nguyên

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khen-thuong-cuoi-nam-khong-de-nguoi-mung-ke-tui-post715740.html
Zalo