Ấn Độ và Mỹ cam kết củng cố quan hệ song phương trong giai đoạn mới

Ấn Độ và Mỹ khẳng định việc đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ song phương trong giai đoạn mới với các mục tiêu cụ thể, có đi có lại. Đây là kết quả cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng.

Kết thúc buổi hội đàm kéo dài 4 tiếng tại Nhà Trắng ngày 13/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã cùng nhất trí một loạt định hướng hợp tác mới trong quan hệ song phương, với mục tiêu cân bằng và làm sâu sắc hơn nữa sự hợp tác. Trong đó, Ấn Độ và Mỹ đặt mục tiêu thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực trụ cột bao gồm thương mại, quốc phòng, năng lượng, hợp tác công nghệ, hợp tác tại các diễn đàn đa phương và giao lưu nhân dân.

Thủ tướng Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay tại buổi họp báo chung sau cuộc gặp tại Nhà Trắng. Ảnh: ANI

Thủ tướng Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay tại buổi họp báo chung sau cuộc gặp tại Nhà Trắng. Ảnh: ANI

Cụ thể, Ấn Độ và Mỹ nhất trí bắt đầu quá trình đàm phán một thỏa thuận thương mại song phương đa ngành (BTA) vào mùa thu năm nay; trong đó nhấn mạnh việc Ấn Độ sẽ gia tăng thu mua các nguồn năng lượng dầu và khí đốt hóa lỏng từ Mỹ. Động thái này nằm giải quyết mối quan ngại của Tổng thống Donald Trump về thâm hụt thương mại song phương. Tổng thống Mỹ từng gọi chính sách thuế quan của Ấn Độ là “không công bằng” và là một “vấn đề”. Tuy nhiên, hai nước vẫn nhất trí tăng gấp đôi kim ngạch thương mại song phương lên 500 tỷ USD vào năm 2030, như một phần của “Sứ mệnh 500”.

Ấn Độ và Mỹ cũng đã công bố khuôn khổ hợp tác mới mang tên “Cơ hội xúc tác cho quan hệ đối tác quân sự, thúc đẩy thương mại và công nghệ” cho thế kỷ 21. Lãnh đạo hai bên cũng công bố khuôn khổ kéo dài một thập kỷ để tăng cường hợp tác quốc phòng, bao gồm việc mua thêm sáu máy bay tuần tra hàng hải P-8I cho Ấn Độ để giám sát khu vực Ấn Độ Dương. Hai bên sẽ mở lại các cuộc đàm phán về thỏa thuận mua sắm quốc phòng qua lại (RDP) để điều chỉnh hệ thống mua sắm và xem xét lại các chế độ chuyển giao vũ khí của họ. Mỹ đồng thời xem xét bán máy bay chiến đấu tàng hình F-35 cho Ấn Độ.

Về quan hệ đối tác năng lượng, Ấn Độ và Mỹ đã nhất trí đưa toàn bộ Thỏa thuận hạt nhân dân sự 123 song phương vào thực thi và cùng nhau xây dựng các lò phản ứng hạt nhân do Mỹ thiết kế tại Ấn Độ. Tại cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh công nghệ và Trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành động lực chính của quan hệ đối tác Ấn Độ - Mỹ trong những năm gần đây. Thông qua chuyến thăm lần này, hai bên cam kết thúc đẩy hợp tác trong các Công nghệ quan trọng và mới nổi (iCET) bằng cách khởi động Sáng kiến TRUST (Chuyển đổi mối quan hệ bằng công nghệ chiến lược).

Ngoài ra, trong cuộc họp, hai nhà lãnh đạo hai nước cũng đã thảo luận về nhiều vấn đề quốc tế, khu vực hai bên cùng quan tâm như hợp tác trong khuôn khổ Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Nhóm Đối thoại An ninh 4 bên (QUAD), vấn đề chống khủng bố hay việc đối phó với tình trạng nhập cư bất hợp pháp và nạn buôn người.

Trước đó, trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ, Thủ tướng Ấn Độ đã có nhiều cuộc gặp với các quan chức của chính quyền Mỹ như Giám đốc tình báo Tulsi Gabbard, Cố vấn an ninh quốc gia Michael Waltz và tỷ phú Elon Musk - CEO của Tesla, SpaceX đồng thời là người đứng đầu Ban Hiệu suất chính phủ (DOGE) của chính quyền Tổng thống Trump.

Lê Dũng/VOV-New Delhi

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/an-do-va-my-cam-ket-cung-co-quan-he-song-phuong-trong-giai-doan-moi-post1154836.vov
Zalo