Thuế quan của Mỹ tác động thế nào đến kinh tế thế giới?

Các chuyên gia cảnh báo việc Tổng thống Mỹ Donald Trump sử dụng thuế quan như một 'vũ khí' để đạt được nhượng bộ về mọi thứ, từ thương mại đến nhập cư và buôn bán ma túy, có thể kích hoạt các biện pháp trả đũa từ các đối tác thương mại của Washington.

Điều này khiến lạm phát toàn cầu “nóng” hơn và sẽ định hình lại các chuẩn mực thương mại toàn cầu.

Cuộc chiến thuế quan sắp thêm "phát súng mới"?

Nỗi lo chiến tranh thương mại toàn cầu lan rộng càng gia tăng nếu chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng thuế đối ứng. Các cố vấn thương mại của Tổng thống Trump hôm 12/2 đã hoàn tất kế hoạch thuế đối ứng mà ông Trump tuyên bố sẽ áp dụng đối với mọi quốc gia đánh thuế lên hàng nhập khẩu của Mỹ. Theo nguồn tin từ Reuters, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson tiết lộ, một số ngành công nghiệp trọng điểm như dược phẩm và ô tô có thể được hưởng ưu đãi đặc biệt.

Việc ký sắc lệnh thuế “có đi có lại” sẽ giúp ông Trump thực hiện cam kết lâu dài về việc tăng thuế đối với hầu hết hàng hóa nhập khẩu - sự khác biệt rõ ràng so với các tổng thống tiền nhiệm, những người coi thuế quan là công cụ chiến lược hoặc rào cản cần giảm bớt. Tổng thống Trump đã phá vỡ tiền lệ đó bằng cách tuyên bố muốn đưa Mỹ quay trở lại thời kỳ những năm 1890, khi thuế nhập khẩu trở thành nguồn thu chính của chính phủ.

Sản xuất ô tô tại Mỹ. Ảnh: Getty Images

Sản xuất ô tô tại Mỹ. Ảnh: Getty Images

Động thái này tiếp nối chuỗi hành động quyết liệt của ông Trump trong tháng đầu tiên tại nhiệm. Đầu tháng này, ông chủ Nhà Trắng đã thông qua việc áp thuế bổ sung 10% với hàng hóa từ Trung Quốc và tạm thời đình chỉ thuế quan với Canada, Mexico sau khi đạt được thỏa thuận về kiểm soát nhập cư bất hợp pháp và buôn bán ma túy tại các khu vực biên giới. Gần đây nhất, vào ngày 10/2, Tổng thống Trump tiếp tục gây sốc khi ký lệnh áp thuế 25% lên tất cả nhôm và thép nhập khẩu, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 12/3.

Tổng thống Trump cho rằng các sắc lệnh thuế quan mới sẽ giúp Mỹ giảm thâm hụt ngân sách đáng kể. Tuy vậy, giới quan sát lại bày tỏ sự quan ngại về khả năng xảy ra một cuộc chiến thương mại toàn cầu.

Trong phản ứng với gói thuế nhôm và thép của Mỹ, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố hôm 11/2: "Thuế quan vô lý đối với EU sẽ không thể không bị đáp trả - chúng tôi sẽ có các biện pháp đối phó mạnh mẽ và cân xứng. Điều này có nghĩa là các mặt hàng như xe máy, quần jean, rượu bourbon và bơ đậu phộng từ Mỹ có thể sẽ phải chịu mức thuế mới ở nước ngoài”.

Mexico và Canada - hai đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ - cũng đã chuẩn bị sẵn các biện pháp đáp trả. Trong khi đó, thuế quan trả đũa của Trung Quốc nhắm vào than và khí đốt tự nhiên hóa lỏng nhập khẩu từ Mỹ đã có hiệu lực từ ngày 10/2.

Lạm phát toàn cầu có nguy cơ bùng phát trở lại

Nguy cơ Tổng thống Trump áp thuế quan bảo hộ thương mại đối với các đối tác thương mại của Mỹ khiến nỗi lo về một làn sóng lạm phát khác xuất hiện.

"Đối với nhiều khu vực, cuộc chiến thuế quan làm tăng thêm những tác động kéo dài từ cú sốc lạm phát trong quá khứ, cũng như những thách thức lớn về mặt cấu trúc như vấn đề già hóa dân số và biến đổi khí hậu… Hiện không có nhiều lý do để kỳ vọng lạm phát sẽ duy trì ở mức thấp mãi mãi" - ông Carsten Brzeski, Giám đốc nghiên cứu vĩ mô toàn cầu của ngân hàng ING nhận định.

Riêng đối với Mỹ, các nhà phân tích cho rằng thuế quan của chính quyền Tổng thống Trump được dự báo sẽ là một yếu tố rủi ro gây lạm phát trong bối cảnh dữ liệu mới nhất cho thấy giá tiêu dùng tại Mỹ tháng 1 bất ngờ tăng nhiệt.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng 0,5% so với tháng 12/2024 và tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Cả hai mức tăng này đều cao hơn so với mức dự báo tăng tương ứng là 0,3% và 2,9% mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. Ngoài ra, mức tăng CPI của tháng 1 so với tháng trước là cao nhất kể từ tháng 12/2023.

Mặc dù vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn xung quanh mức thuế quan của Mỹ, cũng như thời điểm áp dụng và khả năng trả đũa từ các nước, nhưng rõ ràng là điều này không chỉ gây áp lực lên giá mà còn làm suy yếu tăng trưởng trên toàn cầu.

Chuyên gia kinh tế Aditya Bhave tại Bank of America cảnh báo rằng, cả bối cảnh và các biện pháp của Tổng thống Trump đều không giống như trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông. “Mối quan ngại ở đây có thể khiến bối cảnh hơi khác so với thời điểm 2018 - 2019. Chúng ta đang ở trong một môi trường rất khác về mặt lạm phát… và lần này, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại, thuế quan cũng đã được áp dụng đối với hàng tiêu dùng” - ông Bhave cho biết.

Có thể định hình lại thương mại toàn cầu

Các chuyên gia kinh tế cảnh báo "vũ khí thuế quan" của Tổng thống Mỹ Trump có thể sẽ định hình lại các chuẩn mực thương mại toàn cầu.
Người đứng đầu Nhà Trắng coi thuế quan là công cụ để tăng doanh thu, khắc phục tình trạng mất cân bằng thương mại và gây sức ép để các quốc gia khác phải hành động theo các mối quan ngại của Mỹ.

Nhưng theo ông Maurice Obstfeld, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson, việc xây dựng chính sách thương mại dựa trên các mục tiêu phi kinh tế có thể khiến mọi thứ trở nên tồi tệ.

Đồng thời, vị chuyên gia cảnh báo rằng chiến lược thuế quan của ông Trump có thể "bóp nghẹt chuỗi cung ứng toàn cầu" hoặc khiến các quốc gia phải tìm cách tách khỏi thị trường Mỹ, nếu mức độ rủi ro trở nên quá cao.

Hiện tại, quy mô đe dọa thuế quan của ông Trump lớn hơn so với trước đây. Nếu được áp dụng chính thức, thuế suất trên diện rộng của Mỹ có thể ảnh hưởng đến hơn 3.000 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, lý do ông áp thuế đối với Canada và Mexico, cũng như mức thuế bổ sung 10% đối với Trung Quốc, không chỉ giới hạn ở thương mại.

Chính ứng cử viên cho chức Bộ trưởng Thương mại của ông Trump, Howard Lutnick, cũng đã thừa nhận với các nhà lập pháp tại phiên điều trần vào tháng trước rằng: "Đó không phải là thuế quan mà là hành động của chính sách trong nước".

Mặc dù tin rằng cách tiếp cận của ông Trump mang lại hiệu quả, ông Stephen Moore - cố vấn lâu năm của ông Trump - thừa nhận thuế quan cũng có thể nguy hiểm nếu làm leo thang căng thẳng thương mại với các đối tác như Canada.

Trong khi đó, chuyên gia Christine McDaniel tại trung tâm Mercatus cũng nhấn mạnh rủi ro về thuế quan đơn phương. Theo bà McDaniel, thuế quan đơn phương sẽ làm đảo lộn thương mại toàn cầu và làm thay đổi suy nghĩ về vai trò của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng như các quy tắc, hiệp định thương mại quốc tế.

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thue-quan-cua-my-tac-dong-the-nao-den-kinh-te-the-gioi.html
Zalo