Trung Quốc tuyên bố 'đáp trả đến cùng' nếu Mỹ tiếp tục trừng phạt đơn phương
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết nước này kiên quyết đáp trả bất kỳ lệnh trừng phạt đơn phương nào của Mỹ.
Gọi các động thái của Mỹ là một hình thức "bắt nạt", ông Vương Nghị khẳng định nếu Mỹ quyết tâm kiềm chế Trung Quốc thì Trung Quốc "không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đáp trả đến cùng”.
Các phát ngôn trên được ông Vương Nghị đưa ra hôm 14-2 tại Hội nghị An ninh Munich lần thứ 61 (tổ chức tại TP Munich - Đức). Đây là bài phát biểu công khai quan trọng đầu tiên của ông kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động một cuộc xung đột thương mại mới.
Tuy nhiên, ông Vương vẫn tìm cách đưa ra cái nhìn dài hạn hơn về mối quan hệ với Mỹ, theo Bloomberg.
![Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị - Ảnh: CHINA DAILY](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_15_51481974/30797c924fdca682ffcd.jpg)
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị - Ảnh: CHINA DAILY
Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc bày tỏ sự tin tưởng rằng Bắc Kinh và Washington sẽ vẫn gắn bó lâu dài trong tương lai. "Chúng ta cần tăng cường trao đổi để thúc đẩy sự hiểu biết và xây dựng lòng tin" - ông nói.
Chính quyền ông Trump đã áp thuế 10% đối với hàng hóa Trung Quốc ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ. Bắc Kinh đã trả đũa bằng cách nhắm vào một số ít các công ty Mỹ, áp thuế đối với một số hàng hóa của Mỹ và áp đặt kiểm soát xuất khẩu đối với một số kim loại quan trọng.
Chính quyền Trung Quốc được cho là đang cố gắng cân bằng giữa việc thực hiện hành động có thể làm suy yếu nền kinh tế và chứng minh rằng họ có khả năng ứng phó với các động thái của Mỹ.
Hiện tại Trung Quốc nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh nhu cầu trong nước vẫn yếu và xuất khẩu đang bị đe dọa.
Nhưng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung lại nằm trong bối cảnh lớn hơn. Mức thuế 10% của ông Trump làm gia tăng căng thẳng, song chúng chỉ là một phần nhỏ so với mức thuế 60% mà ông từng đe dọa khi tranh cử, hoặc mức thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu.
Vài ngày trước lễ nhậm chức 20-1 của ông Trump, ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm thảo luận về thương mại, TikTok và fentanyl, bên cạnh vấn đề Ukraine và xung đột Israel - Hamas.
“Chúng tôi có mối quan hệ cá nhân rất tốt” - ông Trump nói với Fox News trong một cuộc phỏng vấn được ghi hình vào tuần trước.
Trung Quốc lặp lại lời kêu gọi đàm phán hòa bình tại Ukraine
Trong lần xuất hiện hôm 14-2, ông Vương Nghị được cho là đã né tránh câu hỏi về việc liệu Trung Quốc có ngừng mua khí đốt của Nga để gây sức ép với Điện Kremlin trong cuộc xung đột với Ukraine hay không.
“Nếu Trung Quốc không mua khí đốt từ Nga, thì quốc gia nào có thể cung cấp đủ lượng khí đốt để đáp ứng nhu cầu của người dân Trung Quốc? Điều đó là không thể” - ông nói.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhắc lại lời kêu gọi của nước này về các cuộc đàm phán hòa bình có sự tham gia của tất cả các bên, bao gồm cả châu Âu.
Nhưng Bắc Kinh phần lớn đã tránh né các vấn đề cốt lõi như yêu cầu của Ukraine rằng Nga phải từ bỏ lãnh thổ mà họ đã sáp nhập từ năm 2014.
“Trung Quốc mong muốn thấy mọi nỗ lực đều có lợi cho hòa bình, bao gồm cả việc trong vài ngày qua, Mỹ đã đạt được sự hiểu biết chung với Nga” - ông Vương Nghị nói thêm.
Trong cuộc điện đàm giữa ông Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng trước, cả hai nhà lãnh đạo đều cho biết họ sẵn sàng đối thoại với ông Trump về xung đột Ukraine "nếu Washington đưa ra tín hiệu phù hợp".