Ấn Độ lên ngôi, Pakistan lép vế: Ván bài mới của Mỹ ở Nam Á?

Quan hệ giữa Mỹ và hai 'ông lớn' Nam Á chứng kiến nhiều thăng trầm trong quá khứ, nay với chính quyền của Tổng thống Trump đầy quyết đoán hứa hẹn tái định hình quỹ đạo của tam giác chiến lược này.

Khi lương duyên Mỹ-Ấn Độ nảy nở, cũng là lúc tình cũ Mỹ-Pakistan lụi tàn? (Nguồn: Getty Images)

Khi lương duyên Mỹ-Ấn Độ nảy nở, cũng là lúc tình cũ Mỹ-Pakistan lụi tàn? (Nguồn: Getty Images)

Chiến thắng ngoạn mục của ông Donald Trump trong bầu cử Tổng thống Mỹ đã và đang tạo ra những thay đổi đáng kể trong cục diện chính trị toàn cầu. Sự thay đổi mạnh mẽ trong cách tiếp cận, tầm nhìn về quan hệ quốc tế thông qua lăng kính “Nước Mỹ trước tiên” của chính quyền Tổng thống Trump 2.0 đang gây nên dư chấn vượt xa phạm vi châu Mỹ, trong đó khu vực Nam Á bắt đầu đón nhận những đợt sóng ngầm mới.

Bàn cờ xoay chuyển

Mỹ có quan hệ khá sâu rộng với cả Ấn Độ và Pakistan. Washington thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với hai quốc gia Nam Á vào năm 1947, sau khi chính quyền thuộc địa Anh tại Ấn Độ sụp đổ. Ban đầu, Mỹ có quan hệ thân thiết hơn với Pakistan, quốc gia vốn nhận phần lớn viện trợ từ phương Tây.

Nguyên nhân xuất phát từ sự kiện Liên Xô đưa quân vào Afghanistan thập niên 1980, Islamabad trở thành đồng minh chính của Mỹ. Thông qua Pakistan, phần lớn viện trợ quân sự phương Tây đã đến tay các chiến binh thánh chiến ở Afghanistan, mở đường cho sự hình thành nhiều nhóm Hồi giáo cực đoan, tổ chức khủng bố ở Trung Đông.

Trong khi đó, Ấn Độ dưới thời Thủ tướng đầu tiên Jawaharlal Nehru theo đuổi chính sách Không liên kết, duy trì thế trung lập và giữ khoảng cách với hai cực Mỹ-Xô. Do vậy, quan hệ giữa Washington và New Delhi tương đối lạnh nhạt. Thậm chí, tham vọng hạt nhân của Ấn Độ vào thập niên 70-80 còn khiến Mỹ áp đặt biện pháp trừng phạt lên New Delhi.

Năm 1974, Ấn Độ khiến cả thế giới ngạc nhiên với “Đức Phật mỉm cười”, vụ thử hạt nhân dưới lòng đất thành công đầu tiên thực hiện ở sa mạc Rajasthan. New Delhi khẳng định vụ thử hạt nhân vì mục đích hòa bình, song Mỹ lên tiếng phản đối.

Tình thế dần xoay chuyển vào đầu thế kỷ 20, vụ khủng bố ngày 11/9/2001 cùng với việc quân đội Pakistan ủng hộ chế độ Taliban đầu tiên (1996-2001) đã đẩy Washington và Islamabad vào thế đối đầu. Quan hệ hai bên càng trở nên căng thẳng sau khi Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden ngay trên lãnh thổ Pakistan năm 2011, mà không báo trước cho Islamabad.

Sau khi các lực lượng Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rút quân khỏi Afghanistan năm 2021, tình hình tiếp tục diễn biến theo hướng bất lợi cho Pakistan, Islamabad không còn giữ được vị thế quan trọng như trước trong chiến lược của Mỹ. Trong khi đó, sự trỗi dậy của Ấn Độ về kinh tế và quân sự ngày càng thu hút sự chú ý của Washington, đặc biệt, cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc càng củng cố vai trò của New Delhi trong cạnh tranh địa chính trị toàn cầu.

Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), GDP Ấn Độ có thể sẽ đạt mức 4,33 nghìn tỷ USD vào năm 2025, vượt mức 4,31 nghìn tỷ USD của Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới. (Nguồn: Republic Business)

Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), GDP Ấn Độ có thể sẽ đạt mức 4,33 nghìn tỷ USD vào năm 2025, vượt mức 4,31 nghìn tỷ USD của Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới. (Nguồn: Republic Business)

Bên mặn nồng, bên lạnh nhạt

Sau chiến thắng áp đảo của ông Donald Trump, cả thế giới hướng về Washington, dõi theo “nhất cử, nhất động” của vị tân Tổng thống Mỹ. Pakistan cũng theo sát tình hình Washington và dù có nhiều nỗ lực ngoại giao nhằm tiếp cận chính quyền mới, Islamabad vẫn chưa có bất kỳ tương tác chính thức nào với Nhà Trắng.

Bộ trưởng Nội vụ Pakistan Mohsin Naqvi có mặt tại Mỹ vào ngày nhậm chức Tổng thống Trump nhưng không được mời tham dự buổi lễ. Tổng tư lệnh quân đội Pakistan, Tướng Syed Asim Munir, cũng kêu gọi chính phủ thiết lập kênh liên lạc chính thức với chính quyền mới của Mỹ, đặc biệt về các vấn đề hợp tác quốc phòng và an ninh.

Tuy nhiên, chính quyền ông Donald Trump vẫn chưa thể hiện bất kỳ sự quan tâm nào với Islamabad. Thêm vào đó, một số nhân vật thân cận của Tổng thống Trump còn công khai kêu gọi trả tự do cho cựu Thủ tướng Imran Khan và bày tỏ lo ngại về tình hình quản trị tại Pakistan, đặc biệt là mối quan hệ dân sự - quân sự.

Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar được mời ngồi ở hàng ghế đầu trong buổi lễ nhậm chức Tổng thống Donald Trump ngày 20/1, cho thấy sự ưu ái của Mỹ dành cho đối tác quan trọng tại Nam Á. (Nguồn: AFP)

Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar được mời ngồi ở hàng ghế đầu trong buổi lễ nhậm chức Tổng thống Donald Trump ngày 20/1, cho thấy sự ưu ái của Mỹ dành cho đối tác quan trọng tại Nam Á. (Nguồn: AFP)

Trong khi đó, quan hệ giữa Ấn Độ và chính quyền mới tại Mỹ lại suôn sẻ hơn. Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar được mời ngồi ở hàng ghế đầu trong buổi lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ thứ 47 vừa qua và có cuộc gặp gỡ với các quan chức cấp cao, bao gồm Ngoại trưởng và Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ. Đặc biệt, ngày 13/2, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trở thành một trong những nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên “xông đất” Nhà Trắng trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump.

Mối quan hệ cá nhân gần gũi giữa hai nhà lãnh đạo này thu hút không ít sự chú ý, nổi bật là sự kiện mang tính biểu tượng tại Houston, Texas (Mỹ) tháng 9/2019, khi ông Modi và ông Trump cùng phát biểu trước đám đông gồm 50.000 người Mỹ gốc Ấn.

Hội đàm tại Nhà Trắng cùng ngày, ông Trump hứa hẹn tăng cường bán vũ khí cho Ấn Độ từ năm nay, bao gồm cả tiêm kích F-35, đồng thời cho phép New Delhi nhập khẩu thêm dầu mỏ và khí đốt của Mỹ.

Việc này nhằm giảm thâm hụt thương mại giữa hai bên, hướng tới mục tiêu tạo ra "một trong những tuyến thương mại vĩ đại nhất trong lịch sử", kéo dài từ "Ấn Độ đến Israel, Italy và Mỹ" bao gồm các cảng biển, đường sắt và cáp ngầm dưới biển.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Nhà Trắng ngày 13/2. (Nguồn: X/@Narendra Modi)

Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Nhà Trắng ngày 13/2. (Nguồn: X/@Narendra Modi)

Chuyến thăm sớm này phản ánh mối quan hệ gần gũi giữa Thủ tướng Modi với các nhà lãnh đạo Mỹ trong hơn 1 thập kỷ vừa qua. Theo thống kê, ông Modi đã có hơn 10 cuộc tiếp xúc, gặp gỡ với các Tổng thống Mỹ kể từ khi nắm quyền năm 2014. Ông Modi cũng xây dựng được mối quan hệ cá nhân tốt với Tổng thống Trump trong giai đoạn nhiệm kỳ đầu, và đây là cơ sở để Ấn Độ tự tin sẽ thúc đẩy mối quan hệ song phương với chính quyền Trump bất chấp những biến động phức tạp hiện nay.

Như vậy, kể từ "buổi bình minh" của thế kỷ 20, mối tình thân giữa Washington và Islamabad dần phai nhạt, nhường lại khoảng trống để quan hệ Mỹ-Ấn Độ nảy nở theo thời gian. Chính quyền ông Donald Trump dù là 1.0 hay 2.0 đều dành ưu ái nhất định cho New Delhi, với minh chứng là chuyến công du Washington mới nhất của Thủ tướng Modi, góp phần xoa dịu căng thẳng thương mại song phương và khẳng định ưu tiên chiến lược của quốc gia Nam Á với cường quốc bên kia Thái Bình Dương.

(theo Modern Diplomacy)

Xuân Sơn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/an-do-len-ngoi-pakistan-lep-ve-van-ba-i-moi-cua-my-o-nam-a-304293.html
Zalo