Ấn Độ kết hợp công nghệ Nhật Bản và châu Âu trong dự án tàu cao tốc đầu tiên

Để thúc đẩy tiến độ của dự án tàu cao tốc đầu tiên tại Ấn Độ, tuyến đường sắt Mumbai-Ahmedabad dài 508km, chính phủ nước này đang nghiên cứu việc kết hợp các công nghệ của Nhật Bản và châu Âu cùng việc nội địa hóa.

Sáng kiến này nhằm tối ưu chi phí và đẩy nhanh tốc độ triển khai dự án. Ngày 21/5, chính phủ Ấn Độ công bố kế hoạch ký hợp đồng hệ thống tín hiệu và viễn thông trị giá gần 500 triệu USD với một liên danh gồm tập đoàn Siemens (Đức) và một doanh nghiệp trong nước. Động thái này đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong định hướng công nghệ, vốn trước đây hoàn toàn phụ thuộc vào giải pháp của Nhật Bản.

Tàu Shinkansen E5 được Nhật Bản tặng cho Ấn Độ để phục vụ mục đích thử nghiệm và đào tạo kỹ thuật (Ảnh: India Today)

Tàu Shinkansen E5 được Nhật Bản tặng cho Ấn Độ để phục vụ mục đích thử nghiệm và đào tạo kỹ thuật (Ảnh: India Today)

Theo đó, mức giá trúng thầu của Siemens và đối tác Ấn Độ thấp hơn đáng kể so với dự toán ban đầu và chỉ bằng khoảng một phần ba so với đề xuất của một liên danh khác giữa Pháp và một doanh nghiệp Ấn Độ. Việc lựa chọn công nghệ châu Âu cho hệ thống tín hiệu và viễn thông được xem là bước đi chiến lược nhằm tận dụng lợi thế cạnh tranh, giảm gánh nặng tài chính và mở rộng khả năng tích hợp công nghệ trong nước.

Dù mở rộng hợp tác với châu Âu, Nhật Bản vẫn giữ vai trò chính trong việc cung cấp thiết bị và công nghệ lõi cho tuyến đường sắt cao tốc này. Hồi tháng 4 vừa qua, Nhật Bản đã cam kết tặng Ấn Độ hai đoàn tàu Shinkansen E5 và E3 vào đầu năm 2026 để phục vụ mục đích thử nghiệm và đào tạo kỹ thuật. Đây là phần quan trọng trong quá trình nội địa hóa công nghệ, giúp Ấn Độ đánh giá các yếu tố khí hậu môi trường bản địa và điều kiện vận hành khắc nghiệt ảnh hưởng tới khả năng vận hành của thiết bị.

Ấn Độ hiện đang xem xét sử dụng tàu Shinkansen E10, thế hệ mới nhất của Nhật Bản, cho tuyến đường sắt cao tốc này. Dự kiến, các đoàn tàu E10 sẽ được đưa vào vận hành tại Nhật Bản vào năm 2030 và có thể được triển khai tại Ấn Độ sau đó. Trước khi các đoàn tàu E10 sẵn sàng, Ấn Độ có kế hoạch sử dụng tàu Vande Bharat được sản xuất nội địa đã được nâng cấp để vận hành tạm thời trên tuyến đường này.

Tuyến đường sắt cao tốc Mumbai – Ahmedabad dài 508 km, kết nối hai trung tâm kinh tế quan trọng là Mumbai, thủ phủ tài chính của đất nước và thành phố Ahmedabad, thủ phủ công nghiệp của bang miền Tây Gujarat. Với công nghệ Shinkansen, tàu có thể đạt vận tốc tối đa 320 km/h, rút ngắn thời gian di chuyển từ hơn 7 tiếng bằng tàu thông thường như hiện nay xuống còn chưa đến 3 tiếng.

Tính đến tháng 5/2025, khoảng 300 km cầu cạn, chiếm hơn 60% tổng chiều dài dự án đã được hoàn thành. Đặc biệt, 257 km trong số này sử dụng phương pháp lắp đặt dầm toàn khối (FSLM), cho phép thi công nhanh, an toàn và giảm thiểu ảnh hưởng đến khu vực dân cư. Bên cạnh đó, đã có 383 km trụ cầu, 401 km móng và 326 km dầm cầu được xây dựng. Công tác lắp đặt đường ray và xây dựng các nhà ga cũng đang được triển khai đồng bộ tại nhiều điểm dọc tuyến cao tốc.

Dự kiến, khi hoàn thành, tuyến đường sắt cao tốc Mumbai – Ahmedabad sẽ không chỉ thay đổi cách người dân di chuyển, mà còn thúc đẩy mạnh mẽ kết nối vùng, phát triển đô thị và tăng trưởng kinh tế tại khu vực phía Tây Ấn Độ.

Lê Dũng/VOV-New Delhi

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/an-do-ket-hop-cong-nghe-nhat-ban-va-chau-au-trong-du-an-tau-cao-toc-dau-tien-post1201142.vov
Zalo