Ấm no trên vùng đất biên cương

Diện mạo xã biên giới Lóng Sập, huyện Mộc Châu đang từng ngày khởi sắc. Những tuyến đường bê tông kéo dài vào tận bản, các ngôi nhà xây kiên cố mọc lên san sát hay vườn cây ăn quả phủ kín các sườn đồi là minh chứng cho sự no ấm của vùng đất biên cương của Tổ quốc.

Một góc trung tâm xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu.

Một góc trung tâm xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu.

Trong câu chuyện của ngày đầu năm mới, ông Lò Hải Yên, Chủ tịch UBND xã Lóng Sập, thông tin: Xuất phát điểm là một xã khó khăn, công tác giảm nghèo được cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể của xã Lóng Sập xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Vì vậy, xã đã tổ chức đánh giá, rà soát, khảo sát nhu cầu cần hỗ trợ của hộ nghèo, hộ cận nghèo đưa ra phương án hỗ trợ; sử dụng có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước trong công tác giảm nghèo; lồng ghép thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân.

Các chính sách, dự án giảm nghèo được triển khai trên địa bàn xã Lóng Sập đã phát huy hiệu quả, từ năm 2020 đến nay, xã được hỗ trợ đầu tư 55 công trình phục vụ đời sống dân sinh, như: Đường giao thông nông thôn, công trình thủy lợi, nước sinh hoạt, nhà cộng đồng... Điển hình, tại bản Phiêng Cài, nơi có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống, tuyến đường hơn 2,6 km của bản đã được bê tông hóa, tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại và giao thương hàng hóa. Các hộ dân tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, lựa chọn những cây trồng, vật nuôi phù hợp đưa vào sản xuất, nâng cao năng suất, thu nhập, làm cho cuộc sống của người dân trong bản ấm no hơn trước rất nhiều.

Ông Tráng A Tủa, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Phiêng Cài, cho biết: Cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, ngành, các gia đình trong bản đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Hiện nay, bà con trồng hơn 100 ha ngô, sắn và 33 ha lúa, 32 ha chè, gần 100 ha cây ăn quả. Nhân dân còn tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 40 triệu đồng/người/năm, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nâng lên. Phiêng Cài là bản biên giới đầu tiên của Mộc Châu đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2024.

Tuyến đường nội bản Phiêng Cài được bê tông hóa giúp nhân dân đi lại thuận tiện.

Tuyến đường nội bản Phiêng Cài được bê tông hóa giúp nhân dân đi lại thuận tiện.

Nguồn vốn là động lực để các hộ khó khăn vươn lên, xã đã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể đứng ra ủy thác với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho các hộ nghèo vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, chăn nuôi. Đến nay, toàn xã có hơn 200 hộ được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, tổng dư nợ trên 10 tỷ đồng. Bên cạnh đó, xã thường xuyên kiểm tra việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, nhiều hộ đã thoát nghèo có cuộc sống ổn định.

Anh Tráng Pó Của, bản Phiêng Cài, xã Lóng Sập chia sẻ: Trước đây, gia đình thuộc diện hộ nghèo; được tuyên truyền, vận động và hỗ trợ giống cây trồng và tôi vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư nuôi bò và trồng cây ăn quả. Đến nay, đàn bò của gia đình phát triển ổn định với số lượng 5 con, 1 ha cây ăn quả phát triển tốt. Đến năm 2023, gia đình tôi đã thoát nghèo.

Nông dân bản Phiêng Cài, xã Lóng Sập chăm sóc cây mận.

Nông dân bản Phiêng Cài, xã Lóng Sập chăm sóc cây mận.

Cùng với đó, Lóng Sập có cửa khẩu quốc tế Lóng Sập - Pa Háng. Từ lâu, cửa khẩu Lóng Sập đã trở thành trung tâm mua bán, giao lưu, trao đổi hàng hóa giữa đồng bào các dân tộc hai bên biên giới, đặc biệt là giữa nhân dân 2 huyện Mộc Châu và huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào. Ông Lò Hải Yên, Chủ tịch UBND xã Lóng Sập thông tin thêm: Hằng năm, xã đã phối hợp tổ chức các hoạt động để nhân dân hai bên biên giới giao lưu trao đổi kinh nghiệm sản xuất, giúp đỡ nhau về con giống, cây trồng, vật nuôi, thúc đẩy tăng gia, sản xuất, chăn nuôi, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Đồng thời, phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới của hai nước, thường xuyên duy trì tuần tra đường biên, mốc giới, giữ vững biên giới của Tổ quốc

Với những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân, đến nay, toàn xã có 614 ha cây ăn; 177 ha chè; 450 ha ngô; duy trì đàn gia súc trên 5.000 con, đàn gia cầm khoảng 45.000 con. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 11,4%. Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân ngày càng no ấm, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh, củng cố hệ thống chính trị, mang lại sự bình yên nơi vùng cao biên giới.

Huy Thành

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/am-no-tren-vung-dat-bien-cuong-Sa3ceaDNR.html
Zalo