Đại biểu HĐND tỉnh Tiền Giang tiếp xúc cử tri TX. Cai Lậy, huyện Cái Bè và TP. Gò Công
Tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri, chiều 14-1, đồng chí Châu Thị Mỹ Phương, Ủy viên Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đồng chí Trần Thanh Nguyên, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Hữu Lợi, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang cùng các đại biểu HĐND tỉnh và đại biểu HĐND TX. Cai Lậy, huyện Cái Bè và TP. Gò Công đã đến tiếp xúc cử tri một số xã, phường thuộc TX. Cai Lậy, huyện Cái Bè và TP. Gò Công.
Tại buổi tiếp xúc, đại biểu HĐND tỉnh thông tin đến cử tri kết quả Kỳ họp thứ 15 - HĐND tỉnh khóa X và thông tin nội dung trả lời của UBND tỉnh, các ngành liên quan đến những ý kiến, kiến nghị của cử tri trong lần tiếp xúc trước Kỳ họp thứ 15.
Đồng thời, đại biểu HĐND TP. Gò Công, HĐND huyện Cái Bè và HĐND TX. Cai Lậy cũng thông tin đến cử tri nội dung Kỳ họp thường lệ cuối năm của HĐND TP. Gò Công, huyện Cái Bè và HĐND TX. Cai Lậy... Tiếp đó, cử tri phản ánh, kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến địa phương.
TẬP TRUNG ĐẦU TƯ CHO Y TẾ, GIÁO DỤC
Tại buổi tiếp xúc cử tri phường 1, đại biểu HĐND TX.Cai Lậy đã thông tin đến cử tri các nội dung liên quan đến địa phương và các vấn đề bức xúc, dư luận quan tâm trên địa bàn theo văn bản phúc đáp của UBND thị xã, các cơ quan chức năng đối với ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 10. Bên cạnh đó, đại biểu HĐND TX.Cai Lậy cho biết, địa phương sẽ tiếp tục phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Tại buổi tiếp xúc cử tri, đồng chí Châu Thị Mỹ Phương đã thông tin về tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh thời gian qua, trong đó tập trung vào hai lĩnh vực trọng tâm là y tế và giáo dục.
Về lĩnh vực y tế, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng nhằm cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân. Nổi bật là việc ban hành nghị quyết đầu tư mua sắm máy xạ trị phục vụ điều trị ung thư, giúp người dân không phải đến TP. Hồ Chí Minh để điều trị, giảm gánh nặng về chi phí và thời gian.
Bên cạnh đó, các trung tâm y tế địa phương được đầu tư trang bị máy chạy thận, nâng cao khả năng phục vụ người dân. Với tinh thần tương thân tương ái, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ 95,2% vào cuối năm 2024, tăng so với mức 94,6% của năm 2023. Điều này giúp chia sẻ gánh nặng chi phí điều trị cho người dân và góp phần cho công tác chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao chất lượng.
Về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Tiền Giang đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Trong giáo dục phổ thông, tỉnh tập trung xây dựng trường đạt chuẩn, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Kết quả, tỉnh đứng thứ 2 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về tỷ lệ học sinh giỏi cấp quốc gia và xếp thứ 6 cả nước về điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT.
Đối với công tác đào tạo nghề, tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở đào tạo nghề nghiệp nghiên cứu thị trường lao động, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp. Năm 2024, tỉnh đã đào tạo và bồi dưỡng tay nghề cho hơn 24.000 lao động, với tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đạt trên 85%.
Những kết quả này đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, tỉnh vẫn nhận thấy còn một số khó khăn, hạn chế cần được quan tâm và tìm giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
QUAN TÂM TIẾN ĐỘ XÂY DỰNG ĐƯỜNG GIAO THÔNG VÀ CẤP MÃ VÙNG TRỒNG
Tại buổi tiếp xúc, cử tri xã Mỹ Đức Đông (huyện Cái Bè) tiếp tục có ý kiến liên quan đến việc đầu tư đường dưới cầu Ông Vẽ do đã xuống cấp nặng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho dân trong việc đi lại, giao thương hàng hóa.
Trả lời ý kiến cử tri, Phó Chủ tịch HĐND huyện Lê Thị Thanh Nhàn cho biết, vấn đề này trong lần tiếp xúc trước, cử tri có ý kiến kiến nghị, Tổ Đại biểu HĐND huyện đã kiến nghị về Thường trực HĐND tỉnh. Thường trực HĐND tỉnh đã chuyển nội dung này cho Sở Giao thông Vận tải (GTVT) cũng như Ban An toàn giao thông tỉnh. Sau đó, Đoàn liên ngành của tỉnh, trong đó có Sở GTVT tỉnh, Ban An toàn giao thông, Văn phòng Quản lý đường bộ IV.3 phối hợp với huyện đến khảo sát thực tế vào tháng 11-2024.
Theo đó, Đoàn khảo sát đã có biên bản thống nhất chủ trương sẽ thực hiện. Các đoàn đi khảo sát về cũng đã kiến nghị UBND tỉnh và UBND tỉnh cũng đã thống nhất chủ trương thực hiện. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư tuyến đường này chờ UBND tỉnh xem xét lại vấn đề phân cấp nguồn vốn, có thể sử dụng nguồn vốn của tỉnh hoặc là phân cấp giao cho UBND huyện thực hiện trong thời gian tới.
Như vậy, nội dung kiến nghị của cử tri và sự nỗ lực của chính quyền địa phương đã được cơ quan cấp trên xem xét và thống nhất khi có vốn sẽ triển khai thực hiện. Vì vậy, mong cử tri tiếp tục theo dõi và ủng hộ cho địa phương khi triển khai thực hiện tuyến đường này trong thời gian tới.
Liên quan đến ý kiến của cử tri về vấn đề chậm cấp mã vùng trồng, đồng chí Lê Thị Thanh Nhàn cho biết, HĐND huyện rất quan tâm vấn đề này và năm 2024 HĐND huyện đã thành lập đoàn để giám sát công tác cấp, quản lý mã vùng trồng và các chính sách nông nghiệp trên địa bàn huyện.
Có thể nói, trước đây việc cấp mã vùng trồng quản lý chưa chặt chẽ nên còn một số bất cập, hạn chế, do đó vừa qua BTV Huyện ủy đã thống nhất, thời gian tới việc cấp và quản lý mã vùng trồng giao cho hợp tác xã (HTX) ở các xã quản lý tổ chức thực hiện.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu cho thấy, việc làm hồ sơ cấp cấp mã vùng trồng phải chuyển qua nhiều bộ phận từ huyện đến Trung ương và đơn vị phía bên nước ngoài (Trung Quốc) nên hồ sơ thủ tục mất rất nhiều thời gian.
Đoàn giám sát HĐND huyện cũng thấy nhiều bất cập ở quy trình cấp mã vùng trồng và đã ghi nhận; đồng thời, Thường trực HĐND huyện cũng đã có kiến nghị đến ngành Nông nghiệp cũng như các đơn vị liên quan. Thời gian tới, mong các HTX tiếp tục phối hợp cùng với địa phương thực hiện tốt hơn vấn đề này.
Ngoài ra, cử tri còn có nhiều ý kiến liên quan đến Nghị định 168/2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 1-1-2025, trong đó nhiều lỗi vi phạm giao thông tăng mức xử phạt lên gấp nhiều lần so với quy định cũ.
Cử tri cũng có ý kiến liên quan đến một số vấn đề như: Bất cập đối với việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vấn đề sáp nhập các cơ quan, đơn vị; tiến độ đầu tư đường đê bao chống lũ; vấn đề bất cập trong thanh toán tiền điện; vấn đề ô nhiễm môi trường của một số đơn vị chăn nuôi; khó khăn trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; vấn đề thu hồi đất công … Các vấn đề này cũng đã được lãnh đạo huyện, xã trả lời cụ thể đến cử tri tại buổi tiếp xúc.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, đồng chí Trần Thanh Nguyên đánh giá cao và cảm ơn các ý kiến đóng góp của cử tri trong việc xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Đồng chí Trần Thanh Nguyên cho biết, trong quá trình lãnh đạo điều hành của Đảng, Nhà nước, của địa phương phải đảm bảo theo quy định của Hiến pháp, pháp luật và các văn bản dưới luật, do đó qua mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ quy định khác nhau, cán bộ thay đổi nên việc hiểu, việc áp dụng pháp luật theo chức năng nhiệm vụ được giao có lúc chưa đảm bảo, còn những vấn đề gây bức xúc cho nhân dân.
Nhưng nhìn trên tổng thể, sự lãnh đạo điều hành của Đảng, Nhà nước với mục đích cao nhất là góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt hơn, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho người dân. Mọi chủ trương, đường lối của Đảng đều hướng đến sự ấm no hạnh phúc của nhân dân, mà rõ nhất là việc xây dựng nông thôn mới đã làm cho mỗi vùng quê trở nên phát triển rõ rệt.
Đồng chí Trần Thanh Nguyên nhấn mạnh: Có được kết quả này bên cạnh sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong toàn tỉnh thì có sự quan tâm theo dõi góp ý của cử tri tỉnh nhà. Đồng thời, mong muốn thời gian tới, cử tri tiếp tục quan tâm theo dõi đóng góp ý kiến. Những ý kiến đóng góp của cử tri sẽ giúp cho cơ quan quản lý nhà nước soi rọi lại trách nhiệm của mình, thấy rõ hơn những hạn chế, bất cập và kịp thời tháo gỡ, thực hiện nhiệm vụ tốt hơn. Việc quan tâm góp công, góp sức, góp ý, đồng hành chia sẻ của cử tri đối với chính quyền cũng là góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
KIẾN NGHỊ DUY TU, DẶM VÁ ĐƯỜNG GIAO THÔNG
Tại điểm tiếp xúc phường 1 (TP. Gò Công), cử tri phản ánh, kiến nghị việc lắp đặt tín hiệu đèn giao thông tại các điểm giao nhau tuyến đường Nguyễn Trọng Hợp với Quốc lộ 50; một số đoạn trên tuyến đường Nguyễn Trọng Hợp, đoạn vào khu dân cư đang bị xuống cấp nghiêm trọng, cử tri kiến nghị cần duy tu, dặm vá tuyến đường này, đảm bảo cho việc tham gia giao thông của người dân… Hầu hết các kiến nghị, phản ánh của cử tri đều được chính quyền các cấp giải đáp, làm rõ ngay tại điểm tiếp xúc.
Đối với vấn đề tuyến đường Nguyễn Trọng Hợp, đoạn vào khu dân cư đang bị xuống cấp nghiêm trọng, đồng chí Nguyễn Hữu Lợi cho biết: Khu đô thị đường Nguyễn Trọng Hợp là một dự án quan trọng trong xây dựng và phát triển, đảm bảo các tiêu chí để TP. Gò Công trở thành đô thị loại II. Do đó, việc duy tu, dặm vá tại một số đoạn đường vào khu dân cư trên tuyến đường này là điều cần thiết, đảm bảo nhu cầu đi lại chính đáng của người dân. Vì thế, UBND phường 1 cần khảo sát, lập kế hoạch, tìm kiếm nguồn phù hợp để giải quyết vấn đề cấp thiết này, nhằm đảm bảo nhu cầu lưu thông, đi lại của người dân trong thời gian chờ Dự án Khu đô thị Nguyễn Trọng Hợp được triển khai thi công trong thời gian tới.
Thông tin đến cử tri về việc cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt, sản xuất trên địa bàn tỉnh, đồng chí Nguyễn Hữu Lợi cho biết: Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh Tiền Giang đã đến khảo sát và làm việc với các sở, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh về tình hình cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Trong mùa hạn, mặn vừa qua, Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang đã cung cấp từ 50.000 - 70.000 m3/ngày/đêm, về cơ bản đã đảm bảo nhu cầu sử dụng nước trong sản xuất, sinh hoạt của người dân tại các phường tại TP. Gò Công và các khu vực phía Đông.
Thông qua việc khảo sát, kiến nghị và căn cứ vào thực tiễn từng địa phương, hiện kế hoạch đầu tư hệ thống cấp nước nâng cấp lên 70.000 m3/ngày/đêm đã được phê duyệt. Ngoài ra, tỉnh đã đầu tư 2 trạm tăng áp từ nguồn nước BOO (trạm Chợ Gạo, trạm TP. Gò Công) để phục vụ cung cấp nước sản xuất, sinh hoạt của người dân.