Việt Nam - Ba Lan: Cơ hội lớn nâng tầm hợp tác
Thời gian tới, thương mại Việt Nam-Ba Lan sẽ có nhiều cơ hội lớn để nâng tầm hợp tác khi những bất ổn chính trị được giải quyết và EVFTA được tận dụng tốt hơn.
EVFTA - đòn bẩy thúc đẩy thương mại song phương
Ba Lan là một trong những đối tác thiết lập quan hệ ngoại giao sớm nhất với Việt Nam vào ngày 4/2/1950. 75 năm qua, quan hệ giữa hai nước đã được củng cố và phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế thương mại đến hợp tác đầu tư.
Hết năm 2023, GDP của Ba Lan vào khoảng 808,6 tỷ USD, tăng 0,2% so với 2022. Hiện nay, Ba Lan là nền kinh tế lớn thứ 10 trong Liên minh châu Âu; các đối tác xuất khẩu chính của Ba Lan là Đức, Cộng hòa Séc, Pháp, Vương quốc Anh, Italia... với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: Máy móc, phương tiện vận tải, thực phẩm, hóa chất...
Ngược lại, Ba Lan nhập khẩu hàng hóa chủ yếu ở các thị trường Đức, Trung Quốc, Italia, Hoa Kỳ, Hà Lan... với các mặt hàng như: Máy móc, phương tiện vận tải, hóa chất, nhiên liệu khoáng sản...
Với thị trường Việt Nam, theo nhận định từ các chuyên gia, Ba Lan là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng và năng động của nước ta tại khu vực Trung Âu. Ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng của Ba Lan tại châu Á.
Việt Nam, với vị trí chiến lược tại Đông Nam Á và là trung tâm sản xuất toàn cầu sẽ là cầu nối để các doanh nghiệp Ba Lan tiếp cận thị trường ASEAN với hơn 650 triệu dân. Ngược lại, Ba Lan là cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào thị trường EU rộng lớn, với gần 500 triệu người tiêu dùng và sức mua cao.
Tận dụng những thế mạnh sẵn có, những năm gần đây, thương mại hai nước Việt Nam - Ba Lan đã có được những động lực tăng trưởng đáng kể. Năm 2023, thương mại hai nước đạt 2,8 tỷ USD và 11 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng đã tăng lên mốc 3,1 tỷ USD, tăng đến 21,6% so với cùng kỳ.
Các mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Ba Lan gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, hàng may mặc, giày dép, thủy sản, các sản phẩm từ sắt thép...
Ngược lại, Ba Lan có thế mạnh về ngành công nghiệp đóng tàu, khai thác than, thiết bị giao thông đường thủy, hóa chất, quốc phòng, trùng tu di tích... Đây đang là những mặt hàng Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu khá lớn.
Đáng chú ý, kể từ khi có hiệu lực và được đưa vào thực thi, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã tạo ra cơ hội lớn thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU, trong đó có thị trường Ba Lan. EVFTA không chỉ giảm thiểu các rào cản thuế quan mà còn giúp tăng cường lưu thông hàng hóa và đầu tư song phương.
Ông Hoàng Mạnh Huê - Chủ tịch danh dự Liên hiệp các Hội Doanh nhân Việt Nam ở châu Âu cho biết, một trong những điểm sáng trong quan hệ thương mại giữa hai nước là khu trung tâm thương mại Wólka Kosowska. Đây không chỉ là trung tâm giao thương lớn nhất của người Việt tại Ba Lan mà còn là nơi tập trung các hoạt động kinh doanh đa dạng và hiệu quả. Với diện tích hơn 300.000 m², Wólka Kosowska đã trở thành cơ sở logistics quan trọng, nơi hàng hóa Việt Nam không chỉ phục vụ thị trường Ba Lan mà còn mở rộng ra toàn bộ khu vực EU.
Bên cạnh lợi thế về EVFTA, thương mại Việt Nam - Ba Lan còn rất nhiều những động lực tăng trưởng khác. Phân tích rõ hơn, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, Ba Lan là quốc gia đang nổi lên với tốc độ phát triển nhanh tại khu vực châu Âu. Với số lượng Việt kiều lớn tại Ba Lan và đều khá thành công khi là chủ các doanh nghiệp lớn tại thị trường này thì lượng hàng hóa Việt Nam xuất sang không chỉ phục vụ người tiêu dùng Ba Lan mà còn xuất khẩu sang các nước lân cận trong và ngoài khu vực châu Âu.
“Nếu khai thác tốt dư địa từ thị trường Ba Lan, hàng hóa, doanh nghiệp Việt Nam có thể tiến sâu hơn vào thị trường châu Âu cũng như cung cấp được hàng hóa cho mạng lưới các nước Baltics” - Cục Xúc tiến thương mại nhận định.
Cơ hội lớn để nâng tầm hợp tác
Với nhiều lợi thế hợp tác, song ông Nguyễn Sơn - Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Ba Lan cho rằng, thị trường Ba Lan vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Một số doanh nghiệp trong nước vẫn chưa tiếp cận được thị trường Ba Lan do khoảng cách địa lý cũng như những biến động chính trị tại các khu vực trong thời gian qua.
Dù vậy, theo dự báo của thương vụ, trong thời gian tới, cơ hội sẽ mở rộng hơn, đặc biệt khi những bất ổn chính trị ở các khu vực lân cận được giải quyết, hứa hẹn sẽ mang lại những biến động lớn, mang tính cơ hội trong hoạt động thương mại tại Ba Lan.
Thương vụ Việt Nam tại Ba Lan khuyến cáo, để tận dụng tốt hơn những ưu đãi từ EVFTA, cũng như đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Ba Lan và các nước lân cận, bên cạnh việc từng bước đầu tư, phát triển ngành công nghiệp thực phẩm nội địa, doanh nghiệp trong nước cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, bởi, với một thị trường có nhiều tiêu chuẩn khắt khe như EU nói chung, Ba Lan nói riêng, chất lượng sản phẩm là yếu tố quyết định sự thành công. Các chứng nhận kiểm định về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường… cần được chú trọng.
Không những vậy, để thâm nhập thị trường Ba Lan, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ lưỡng xem sản phẩm của mình có đáp ứng được thị hiếu và nhu cầu tại đây hay không, cần hiểu rõ nhu cầu, thói quen tiêu dùng và các xu hướng nổi bật tại Ba Lan. Chính sự phù hợp này sẽ tạo nên lợi thế cạnh tranh quan trọng.
Nhận lời mời của Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ có chuyến thăm chính thức đến Ba Lan từ 16-18/1/2025, đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Đây là chuyến thăm của Thủ tướng nước ta đến Ba Lan kể từ 18 năm trở lại đây, và 15 năm kể từ chuyến thăm của Thủ tướng bạn đến Việt Nam. Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng đối với việc thúc đẩy quan hệ hai nước thời gian tới; là cơ hội để các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và Ba Lan gặp gỡ, trao đổi trực tiếp về những vấn đề quan trọng, từ đó xây dựng lòng tin và hiểu biết lẫn nhau, thể hiện cam kết trong việc duy trì và phát triển mối quan hệ lâu dài và bền vững.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh chính trị quốc tế đang diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường, nhiều điểm nóng trên thế giới có nguy cơ lan rộng, tác động đến hòa bình ổn định của khu vực và quốc tế, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích, an ninh quốc gia của Việt Nam và Ba Lan.
Việc Thủ tướng ta thăm Ba Lan tiếp nối các chuỗi hoạt động đối ngoại năng động, tích cực của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta thời gian qua, khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, muốn làm bạn, làm đối tác tin cậy của các nước.
Chuyến thăm cũng thể hiện sự đánh giá cao của Việt Nam đối với quan hệ hữu nghị lâu đời với các nước bạn bè truyền thống ở Trung Đông Âu, trong đó có Ba Lan.
Chuyến thăm càng có ý nghĩa khi từ 1/1/2025 Ba Lan giữ chức Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu (EU), với vị thế, vai trò ngày quan trọng trong EU, trong khi Việt Nam và EU cũng đang kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hướng tới việc nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện.
Chuyến thăm Ba Lan của Thủ tướng Chính phủ góp phần thúc đẩy việc thông qua vai trò của Ba Lan tại EU để tăng cường hợp tác giữa Việt Nam-Ba Lan nói riêng, Việt Nam-EU nói chung.
Theo lịch trình dự kiến, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên - Trưởng Đoàn công tác Bộ Công Thương cũng sẽ tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Ba Lan từ 16-18/1/2025.