Doanh nghiệp bình ổn thị trường Tết được vay lãi suất rất ưu đãi
Các ngân hàng thương mại trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cho vay vốn doanh nghiệp bình ổn thị trường với mức lãi suất bình quân khoảng 4,3%/năm ngắn hạn và 7,9%/năm đối với cho vay trung dài hạn.
Ngày 14/1, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh công bố, nhằm phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, thời gian qua các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã cho vay, cung ứng dịch vụ thanh toán cho các doanh nghiệp sản xuất và phân phối hàng hóa tiêu dùng thiết yếu.
Danh mục hàng hóa của chương trình bình ổn thị trường của UBND TP. Hồ Chí Minh công bố, qua đó các ngân hàng thương mại căn cứ vào danh mục hàng hóa doanh nghiệp cung ứng cho người tiêu dùng để cho vay.
Ông Nguyến Đức Lệnh – Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường vay vốn với lãi suất thấp hơn mặt bằng chung và lãi suất cho vay cùng kỳ hạn của chính tổ chức tín dụng.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước thành phố, các ngân hàng thương mại trên địa bàn cho vay vốn doanh nghiệp bình ổn thị trường với mức lãi suất bình quân khoảng 4,3 %/năm ngắn hạn và 7,9%/năm đối với cho vay trung dài hạn.
Tổng doanh số cho vay chương trình bình ổn thị trường các các ngân hàng thương mại tại TP. Hồ Chí Minh đến hết năm 2024 đạt 13.521 tỷ đồng, cho 37 doanh nghiệp vay vốn, trong đó 15 doanh nghiệp bình ổn và 22 doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng.
Theo đó, các khoản vay trong chương trình bình ổn thị trường chủ yếu đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn của doanh nghiệp, với dư nợ cho vay ngắn hạn chiếm 99,6% tổng dư nợ. Để chuẩn bị cho hàng hóa mùa Tết Nguyên đán và các ngày lễ cao điểm cuối năm, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường đã khơi động nguồn hàng từ tháng 4 năm liền kề.
Ông Lệnh cho rằng: Chi phí vay vốn thấp, đã trực tiếp tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp giảm, giữ ổn định giá thành sản phẩm, từ đó giữ ổn định hoặc giảm giá bán sản phẩm. Đáp ứng nhu cầu sản phẩm hàng hóa thiết yếu, tiêu dùng cho người dân, nhất là người lao động thu nhập thấp, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời góp phần thực hiện hiệu quả chính sách giá và phát huy hiệu quả của chính sách tiền tệ, với yêu cầu kìm giữ lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Chương trình bình ổn thị trường ở TP. Hồ Chí Minh trước đây được thành phố trích ngân sách cấp bù lãi suất cho những doanh nghiệp tham gia, từ sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cơ chế bù lãi suất này dừng lại. Theo đó, các ngân hàng thương mại chính thức thực hiện cho vay các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường, tạo nguồn hàng hóa tiêu dùng thiết yếu dồi dào cho người dân thành phố, với những kênh phân phối đa dang, linh hoạt vào dịp cuối năm và Tết cổ truyền.
Những doanh nghiệp bình ổn thị trường và doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng phát triển, ngân hàng cho vay đều là những doanh nghiệp tốt, nhất là các doanh nghiệp phân phối hàng hóa sử dụng nhiều phương thức thanh toán không dùng tiền mặt (tài khoản ngân hàng, quá chấp nhận thẻ - POS, mã QR, thẻ phi tiếp xúc…) dòng tiền rất lớn chảy qua ngân hàng.