Âm nhạc cổ điển giao hòa cùng nghệ thuật

Trong những năm trở lại đây, thị trường âm nhạc cổ điển tại Việt Nam nói chung và tại TPHCM nói riêng trở nên sôi động hơn, với nhiều nhóm nhạc công lập và tư nhân ra đời. Điều này mở ra cơ hội cho khán thính giả yêu nhạc có thể lựa chọn và tham gia nhiều chương trình hòa nhạc cổ điển có chất lượng, cả về hình thức lẫn nội dung.

Sự gần gũi của âm nhạc đỉnh cao

Âm nhạc cổ điển là nền tảng của âm nhạc Tây phương hiện đại, với hệ thống nhạc lý chặt chẽ và quy củ, đòi hỏi cao về kỹ thuật biểu diễn đối với nghệ sĩ. Âm nhạc cổ điển được cho là khá trừu tượng, vì thế khán thính giả cần trang bị một số kiến thức âm nhạc căn bản để có thể thưởng thức trọn vẹn một tác phẩm. Chính vì những điều trên, âm nhạc cổ điển được xếp vào loại hình nghệ thuật hàn lâm và khó tiếp cận với đông đảo công chúng yêu nhạc.

Ngoài ra, một lý do khác dẫn đến việc “kén” khán giả của nhạc cổ điển còn là do sự thiếu kết nối trong hoạt động nghề nghiệp. Như ở Việt Nam trước đây, nghệ sĩ nhạc cổ điển thường chỉ tập trung luyện tập, biểu diễn chính thức mà rất ít có sự kết nối với các khán thính giả, ít có sự liên kết với các loại hình nghệ thuật khác.

Sự góp mặt của nhiều nhóm nhạc cổ điển trẻ thời gian qua được cho là thổi một làn gió mới, đưa nghệ thuật hàn lâm đến gần hơn với công chúng. Điển hình như ở một số phòng tranh, đang xuất hiện xu hướng kết hợp triển lãm tranh với hòa nhạc nhằm tạo không gian nghệ thuật đa cảm xúc cho khách tham quan trải nghiệm.

Chị Mai Thanh, quản lý một phòng tranh tại quận 3, TPHCM chia sẻ: “Khách đến với hội họa cũng có một trình độ thưởng thức nghệ thuật nhất định, vì thế những bản nhạc cổ điển trong không gian phòng tranh càng tăng thêm tính nghệ thuật. Nhiều tác giả có điều kiện kinh tế, buổi khai mạc triển lãm tranh thường mời cả dàn nhạc cổ điển đến chơi mở màn, tạo không gian sang trọng và tương tác nhiều hơn với khách đến triển lãm”.

Trên thực tế, sự kết hợp giữa âm nhạc cổ điển với các loại hình nghệ thuật khác đã phổ biến từ lâu trên thế giới. Các hoạt động này được cho là góp phần tiếp cận và mở rộng đa dạng hơn đối tượng khán giả yêu nghệ thuật, cũng như đem đến cho họ những trải nghiệm nghệ thuật kết hợp (nghe - nhìn) phong phú và thú vị.

Kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật cổ điển

Chương trình hòa nhạc Em do nhóm la Muse trình diễn, vừa diễn ra tại Bảo tàng Nghệ thuật Quang San, kết hợp âm nhạc cổ điển, triển lãm tranh, múa đương đại và nghệ thuật sắp đặt đã để lại nhiều ấn tượng với khán giả. Câu chuyện xuyên suốt chương trình được kể và dẫn dắt thông qua ngôn ngữ hình thể của múa, với 3 không gian sân khấu thể nghiệm mới lạ và di chuyển linh động dưới sự điều phối của các nghệ sĩ múa. Ở đó, gần như không còn khoảng cách giữa nghệ sĩ và khán thính giả; thay vào đó, chính là sự tương tác và khám phá, tìm hiểu, cảm nhận về nghệ thuật.

 Chương trình hòa nhạc Em do nhóm la Muse trình diễn, vừa diễn ra tại Bảo tàng Nghệ thuật Quang San, kết hợp âm nhạc cổ điển, triển lãm tranh, múa đương đại và nghệ thuật sắp đặt

Chương trình hòa nhạc Em do nhóm la Muse trình diễn, vừa diễn ra tại Bảo tàng Nghệ thuật Quang San, kết hợp âm nhạc cổ điển, triển lãm tranh, múa đương đại và nghệ thuật sắp đặt

“Thay vì chỉ ngồi nghe hòa nhạc như nhiều chương trình khác, đêm nhạc có kết hợp nghệ thuật sắp đặt, tạo ra không gian cho khán giả khi thưởng thức âm nhạc nhưng khán giả cũng chính là chủ thể. Nhất là những người thích chụp ảnh, việc kết hợp này vừa đã tai, đã mắt vừa có những bức ảnh đậm chất nghệ thuật”, anh Huỳnh Văn Vương (29 tuổi, nhân viên y tế, ngụ quận Tân Bình) chia sẻ.

Tuy nhiên, các hoạt động nghệ thuật kết hợp thế này vẫn còn chưa phổ biến tại Việt Nam do vướng nhiều khó khăn. Nguyễn Cao Hùng, thành viên nhóm nhạc la Muse, cho biết: “Khó khăn trước mắt là kinh phí sản xuất. Một chương trình có hình thức và nội dung càng phức tạp, cầu kỳ thì chi phí sản xuất sẽ càng cao. Đây là một bài toán kinh tế khó, khi nhà tổ chức phải cân đối giữa chi phí và giá vé để khán thính giả quan tâm dễ mua, đồng thời đảm bảo lợi nhuận cho chương trình.

Riêng với các chương trình hòa nhạc cổ điển tại TPHCM, lợi nhuận đến từ các chương trình này còn khá khiêm tốn, nên việc đầu tư vào chương trình hòa nhạc cổ điển có kết hợp với các loại hình nghệ thuật khác chỉ mang tính bước đầu. Cần nhiều thời gian và nỗ lực hợp tác giữa nghệ sĩ, nhà tổ chức để sự giao hòa nghệ thuật có thể phát huy hiệu quả”.

Nhóm la Muse được thành lập ngày 25-10-2022 quy tụ tập thể nghệ sĩ trẻ đến từ Nhạc viện TPHCM với 3 mục tiêu cụ thể: tạo một không gian rèn luyện chuyên môn và biểu diễn chuyên nghiệp cho các nghệ sĩ trẻ đến từ Nhạc viện TPHCM; hướng dẫn khán thính giả về âm nhạc cổ điển thông qua chuỗi chương trình hòa nhạc và chuỗi hoạt động giáo dục âm nhạc cho đại chúng diễn ra định kỳ (2 chương trình hòa nhạc và 4 chương trình giáo dục âm nhạc “Sắc màu âm nhạc” hàng năm).

THIÊN THANH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/am-nhac-co-dien-giao-hoa-cung-nghe-thuat-post765206.html
Zalo