Tổ đan gùi truyền thống ở xã Ninh Tây: Cần được trợ lực để phát triển

Sau 5 tháng hoạt động, bước đầu, tổ hội nghề nghiệp đan gùi truyền thống ở xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa) đã giúp một số bà con dân tộc Ê Đê có thêm thu nhập. Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển mạnh hơn, tổ hội rất cần sự hỗ trợ từ nhiều phía.

Kết quả bước đầu

Những năm gần đây, các sản phẩm công nghiệp dần chiếm lĩnh thị trường bởi ưu thế về mẫu mã, độ bền, thời gian sản xuất, giá thành cạnh tranh hơn so với các sản phẩm thủ công. Vì vậy, một số nghề thủ công truyền thống, trong đó có nghề đan lát của đồng bào Ê Đê mai một dần. Theo thời gian, số người biết đan gùi trong đồng bào Ê Đê ngày càng giảm. Nhận thấy trên địa bàn vẫn còn nhiều nơi có nhu cầu mua gùi để sử dụng và làm đồ lưu niệm, Hội Nông dân xã Ninh Tây đã đề xuất và được Đảng ủy xã đồng ý thành lập tổ hội nghề nghiệp đan gùi truyền thống vào cuối tháng 5 và chính thức hoạt động từ tháng 6, với 7 thành viên.

Ông Y Sum (Buôn Đung, tổ trưởng) cho biết, hồi nhỏ, ông đã được cha dạy cách đan gùi; nhưng khi trưởng thành, thỉnh thoảng ông mới đan 1-2 chiếc để sử dụng. Tới khi bị bệnh, không đủ sức khỏe làm mướn, ông mới nghĩ đến việc đan gùi bán vì công việc này có thể làm lúc nông nhàn, phù hợp với người có sức khỏe hạn chế. Hồi đó, ông chỉ bán được cho vài người trong thôn. Sau khi tổ hội nghề nghiệp thành lập, ông và bà con có thể hỗ trợ nhau trong các công đoạn đan gùi, quảng bá sản phẩm, từ đó tăng số lượng khách hàng, thêm thu nhập. Ông Y BRốt (71 tuổi, Buôn Đung) cho hay, nhờ có tổ hội nghề nghiệp, những người cao tuổi như ông có thể tham gia và có thêm thu nhập.

Các thành viên chuẩn bị sản phẩm mang đi bán.

Các thành viên chuẩn bị sản phẩm mang đi bán.

Chiếc gùi của đồng bào Ê Đê hiện nay sử dụng nguyên liệu chính là cây tre lồ ô, ngoài ra còn dùng sợi mây làm quai và thân cây nhàu làm đế. Gùi có 4 cỡ, tính theo đường kính miệng gùi. Theo ông Y Sum, việc đan gùi chủ yếu cần công sức của người thợ, nguyên liệu chính được khai thác từ cây tre, lồ ô có sẵn, chỉ tốn thêm một ít chi phí mua sợi mây. Trung bình 1 tháng, mỗi người đan được chừng 10 gùi. Từ khi thành lập đến nay, tổ hội nghề nghiệp đan được khoảng 110 chiếc, bán gần 60 chiếc. Riêng tại Phiên chợ nông sản và sản phẩm OCOP năm 2024 do Hội Nông dân tỉnh tổ chức hồi tháng 8, tổ bán được 10 chiếc, thu 3 triệu đồng. Với giá bán 270.000 đến 500.000 đồng/gùi, các thành viên đã bước đầu có thu nhập, đồng thời góp phần duy trì nghề truyền thống. Bà H’Rê (Buôn Đung) cho biết, bà dùng gùi đan để đi rừng, đi rẫy phù hợp hơn dùng giỏ nhựa, túi nilon hoặc ba lô vì gùi có quai đeo, phơi nắng không bị giòn, đựng rau, chuối không bị giập nát, dẻo dai khi ngậm nước, cứng cáp khi để khô, có thể dùng tới 4-5 năm.

Cần được hỗ trợ

Ông Nguyễn Đức Cường - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, để hỗ trợ hoạt động ban đầu của tổ, Hội Nông dân xã đã hỗ trợ 1 triệu đồng; đồng thời tích cực quảng bá sản phẩm qua nhiều kênh. Trong đó, hội đã đăng ký cho tổ tham gia 1 gian hàng tại Phiên chợ nông sản và sản phẩm OCOP năm 2024 để giới thiệu sản phẩm. Tuy nhiên, việc tiêu thụ vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc đan gùi thủ công cũng có một số khó khăn: Các thành viên đều tuổi cao, sức yếu; một số công đoạn đan gùi như chẻ tre, tuốt nan… rất dễ bị thương, cần sự hỗ trợ của thiết bị. Tuy nhiên, kinh phí của Hội Nông dân xã rất hạn hẹp, không thể hỗ trợ cho tổ.

Bà H'Ánh Nguyệt - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, lãnh đạo xã đánh giá cao đề xuất của Hội Nông dân xã trong việc giúp bà con dân tộc thiểu số duy trì công việc lúc nông nhàn và có thêm thu nhập. Việc thành lập tổ hội nghề nghiệp đan gùi truyền thống vừa góp phần gìn giữ, quảng bá một nghề truyền thống, vừa tạo điều kiện cho bà con kinh doanh sản phẩm thủ công. Xã sẽ tăng cường hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm của tổ tại các hội chợ, trên mạng xã hội, hệ thống truyền thanh xã; lồng ghép quảng bá sản phẩm tại hội thi các làng văn hóa, tại ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, ngày hội cúng bến nước; đồng thời tích cực vận động mạnh thường quân hỗ trợ hoạt động của tổ mạnh mẽ hơn nữa… “Đan gùi là nghề truyền thống của bà con Ê Đê, để mai một nghề sẽ rất đáng tiếc. Hội Nông dân xã rất mong nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn của các cấp, ngành, địa phương, nhất là về máy móc thiết bị và tiêu thụ sản phẩm. Khi sản phẩm được tiêu thụ mạnh, không chỉ bà con phấn chấn mà những người trẻ cũng tự tìm đến học nghề, qua đó mới duy trì bền vững nghề truyền thống”, ông Nguyễn Đức Cường nói.

NGUYỄN THIỀU

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202410/to-dan-gui-truyen-thong-o-xa-ninh-tay-can-duoc-tro-luc-de-phat-trien-53f3bba/
Zalo