Ám ảnh trước những ca tử vong do ngộ độc methanol

Ngộ độc methanol trong rượu có thể khiến bệnh nhân bị mù mắt vĩnh viễn, tổn thương não, suy thận cấp, diễn tiến tim mạch, thậm chí tử vong.

Liên tiếp xảy ra ngộ độc methanol

Ngày 17/2, thông tin từ Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thời gian qua bệnh viện thường xuyên tiếp nhận các ca ngộ độc ethanol, methanol hoặc các ca bệnh liên quan đến rượu như viêm tụy cấp, xuất huyết tiêu hóa… Riêng tại Trung tâm chống độc, có những ca ngộ độc methanol chứa trong rượu rất nặng, thậm chí tử vong.

Điển hình là trường hợp nam bệnh nhân 28 tuổi được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Theo lời kể của người nhà, 2 ngày trước khi vào viện bệnh nhân uống rượu cùng nhiều đồng nghiệp. Sau uống rượu bệnh nhân mệt nhiều, nhưng vẫn về quê vợ ở Phú Xuyên, Hà Nội chơi. Bệnh nhân ngày càng thấy mệt nhiều hơn, xuất hiện khó thở nên người nhà đưa vào bệnh viện.

Kết quả xét nghiệm cho thấy, nam bệnh nhân nhiễm toan chuyển hóa nặng, chẩn đoán theo dõi ngộ độc methanol. Một ngày sau đó người bệnh hôn mê sâu, mất phản xạ và chụp sọ não cho thấy ngộ độc methanol gây biến chứng xuất huyết não lớn, nguy cơ tử vong cao. Thấy không còn cơ hội cứu chữa gia đình đã xin đưa bệnh nhân về.

Điều trị bệnh nhân ngộ độc rượu tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Thảo Nguyên

Điều trị bệnh nhân ngộ độc rượu tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Thảo Nguyên

Cũng về ngộ độc rượu, trước đó vào trưa 19/12/2024, tại quận Long Biên (Hà Nội), một vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng đã xảy ra, khiến 2 người tử vong, 15 người nhập viện, nhiều trường hợp nặng, lọc máu, di chứng nguy kịch. Cơ quan chức năng đã xác định nguyên nhân là do ngộ độc hóa chất acetonitrile có trong rượu trắng mà những người tham gia bữa tiệc đã uống.

Hai ngày sau đó, Bệnh viện Vũng Tàu tiếp nhận 4 bệnh nhân nhập viện với nghi ngộ độc rượu methanol. Một bệnh nhân trong số này đã hôn mê. Đây là một ví dụ điển hình về tác hại của việc sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, thường chứa cồn công nghiệp methanol, một chất cực kỳ nguy hiểm.

Trước đó, vào ngày 29/7/2024, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận 4 ca ngộ độc. Theo đó, sau khoảng 2 ngày uống rượu tại đám cưới, các bệnh nhân có biểu hiện mệt nhiều, chóng mặt, mờ mắt; có bệnh nhân xuất hiện khó thở.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, các bệnh nhân nhiễm toan chuyển hóa rất nặng, nồng độ methanol trong máu rất cao. Kết quả xét nghiệm mẫu rượu các bệnh nhân uống trong đám cưới cho thấy nồng độ cồn công nghiệp methanol là 34% trong khi ethanol (cồn thực phẩm trong rượu) chỉ có 14,4%.

"Chắc chắn đây là loại rượu "dởm", được pha với cồn công nghiệp methanol chứ không phải rượu gạo, rượu truyền thống", BS Nguyên nhận định.

Quản lý chặt chẽ cồn methanol

Trao đổi với Báo Công Thương, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ngộ độc rượu xảy ra khi một người uống quá nhiều rượu ethanol trong thời gian ngắn, lạm dụng rượu thời gian dài; hoặc uống rượu kém chất lượng có chứa độc chất methanol (cồn công nghiệp).

Trong đó, methanol là hóa chất được sử dụng rất rộng rãi trong đời sống, từ công nghiệp đến gia dụng, từ sản phẩm chính thức đến các sản phẩm phi pháp, sản phẩm "dởm". Do lượng hóa chất cồn công nghiệp methanol rất nhiều, được bán với giá rất rẻ nên cồn methanol rất dễ bị kẻ xấu dùng thay cho ethanol, dẫn tới nhiều sản phẩm ethanol có nguy cơ bị làm giả (thay vì chứa ethanol, nay lại bị thay bằng methanol) và gây ngộ độc/nhiễm độc cho người sử dụng.

Một số khác do mua cồn sát trùng (cồn y tế) về pha với nước thành rượu uống, tuy nhiên chai cồn sát trùng này vô tình bị pha trộn methanol.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai chỉ phần não bị tổn thương của người ngộ độc methanol. Ảnh: Thảo Nguyên

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai chỉ phần não bị tổn thương của người ngộ độc methanol. Ảnh: Thảo Nguyên

Cũng theo BS Nguyên, tỷ lệ bệnh nhân ngộ độc methanol đến viện muộn, nặng và tử vong rất cao. Tại Trung tâm Chống độc, tỷ lệ tử vong của bệnh nhân ngộ độc methanol là xấp xỉ 30%, ở các cơ sở y tế tuyến dưới, con số này thậm chí còn lên đến 50%. Trong trường hợp bệnh nhân được cứu sống thì cũng sẽ chịu những di chứng nặng nề đến hết đời.

Cồn công nghiệp methanol khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành axit formic, gây tổn thương nghiêm trọng cho các cơ quan, đặc biệt là não và thần kinh thị giác. Đặc biệt, do tính chất gây ngộ độc của methanol âm thầm, nhiều người uống phải rượu dởm nhưng không có biểu hiện ngay ra bên ngoài, nhưng trong cơ thể, methanol đã chuyển hóa và gây độc, gây tổn thương và chết một phần dây thần kinh thị giác, một phần não. Khi triệu chứng xuất hiện, tổn thương đã quá nặng, có thể dẫn đến mất chức năng cơ quan hoặc tử vong.

"Chúng tôi đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân với biểu hiện bên ngoài hoàn toàn bình thường nhưng nồng độ methanol trong máu rất cao. Những người này nếu không được điều trị sẽ nhanh chóng bị giảm thị lực và ảnh hưởng nặng đến não", BS Nguyên cho hay.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cũng cảnh báo thực trạng đáng lo ngại, hiện các sản phẩm cồn công nghiệp methanol được đóng chai với mẫu mã, hình thức, nhãn dán giống hệt cồn y tế và thậm chí bị trà trộn, bán tại các hiệu thuốc nên người dân "không biết đường nào mà lần", điều này rất nguy hiểm.

Do đó, vị chuyên gia kiến nghị cơ quan chức năng cần quản lý chặt cồn công nghiệp methanol, tránh tình trạng làm rượu giả bằng trộn methanol, gây tình trạng ngộ độc, ảnh hưởng nguy hiểm, lâu dài đến sức khỏe người uống.

Để đảm bảo sức khỏe và tránh các rủi ro không đáng có, người dân nếu có uống rượu, cần lựa chọn sản phẩm rõ nguồn gốc.

Không nên mua rượu trôi nổi trên thị trường vì chúng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc; rượu không đảm bảo chất lượng có thể chứa các chất độc hại, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí dẫn đến các trường hợp ngộ độc nghiêm trọng.

Thảo Nguyên

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/am-anh-truoc-nhung-ca-tu-vong-do-ngo-doc-methanol-374293.html
Zalo