Ám ảnh người dưng

Minh họa: Phan Nhân

Minh họa: Phan Nhân

Đà Lạt, ngày ấy chưa ồn ào nhộn nhịp như bây giờ. Những con đường trong phố vẫn nho nhỏ loanh quanh tràn đầy hoa dại và sương mù bảng lảng. Vẫn “đường quanh co quyện gốc thông già” như lời trong ca khúc Thành phố buồn của nhạc sĩ Lam Phương. Cư dân thành phố thầm lặng, chậm rãi với những nghề bình yên như làm dịch vụ du lịch, trồng rau, trồng hoa và buôn bán nhỏ. Những người phụ nữ phố núi má hồng trong sương lạnh còn làm một nghề rất nhẹ nhàng, lặng thầm lãng mạn đó thêu tranh từ nhiều năm nay.

Rồi đầu thập niên 90, có một bác sĩ bỏ nghề cùng người vợ gốc Huế của mình thành lập một công ty chuyên về thêu tranh. Vợ chồng họ cùng các đồng nghiệp đã tâm huyết và tốn không biết bao nhiêu công sức để từng bước xây dựng một đội ngũ nghệ nhân xuất sắc với nhiều chi nhánh trên cả nước, cả ở nước ngoài. Mỗi năm, lễ Giỗ Tổ nghề thêu đều trở thành một lễ hội tưng bừng với nhiều hoạt động mang tính tâm linh và chiều sâu văn hóa. Những bức tranh thêu Đà Lạt dần nổi tiếng và bán ra nhiều nơi. Nhưng họ không bao giờ chịu gọi những bức tranh thêu ấy là hàng hóa, mà họ yêu cầu mọi người cùng gọi nó là những tác phẩm nghệ thuật thêu. Thế mới biết họ tâm huyết và trân trọng nghề thêu của họ đến chừng nào.

Linh, một thiếu phụ là một người mẹ đơn thân, khoảng chừng hai mươi sáu tuổi. Linh làm nghề thêu theo truyền thống của gia đình, từ hồi còn học tiểu học đã được mẹ dạy làm quen với nghề thêu. Hai mươi sáu tuổi nhưng có tay nghề thêu cũng gần hai mươi năm. Linh cũng là lớp thợ thêu đầu tiên ở Đà Lạt được công ty tôn vinh là nghệ nhân thêu trong một kỳ Giỗ Tổ nghề thêu.

Hai mẹ con sống trong một căn nhà gỗ nhỏ nhưng xinh xắn trong một khu vườn đầy hoa, cuối một con dốc nhỏ. Ba mẹ Linh đều đã khuất núi. Để lại cho cô con gái một tủ sách khá đầy đặn và một bộ sưu tập đĩa nhạc than cùng chiếc máy hát cũ kỹ nhưng bền bỉ và âm thanh ngọt ngào. Từ nhỏ, Linh như sống trong không khí của những câu chuyện cổ tích và âm nhạc cổ điển cùng những bản tình ca ray rứt mà sang trọng của một thời êm đềm trong vòng tay ba mẹ. Linh có dáng người cao, da trắng và đôi má hồng cùng giọng nói nhẹ nhàng của người con gái xứ Đà Lạt mộng mơ. Chồng Linh, một người bạn học từ thuở nhỏ cũng đã ra đi trong một tai nạn giao thông ở đèo Bảo Lộc, cách đó khoảng ba năm, để lại một đứa con gái nhỏ chừng sáu tuổi. Từ đó, Linh càng sống lặng lẽ, khép kín hơn, luôn hướng về nội tâm nhưng những nét thanh tú và quý phái vẫn không thể giấu được trên khuôn mặt. Mọi người ai cũng mến Linh ngay từ lần gặp đầu tiên, nhất là các bạn trong tổ thêu chân dung. Tổ thêu chân dung, nơi tập trong hầu hết những nghệ nhân đã được tôn vinh của công ty. Tổ thêu chân dung thường được giao thêu các bức tranh thêu khó nhất, nghệ thuật nhất như thêu tranh hai mặt, tranh thêu các bức chân dung khi được đặt hàng.

Đà Lạt năm đó, mùa mưa đến trễ. Thường là đầu tháng Tư Âm lịch hàng năm, nhưng năm đó thì đến cuối tháng Tư mới có những cơn mưa đầu mùa vào buổi chiều, sau đó là sương mù từ từ kéo đến. Có chiều tan ca, ghé trường đón bé Mai chạy về đến nhà thì sương mù đã giăng kín ngõ.

Sáng đó, chị Thu, phó giám đốc công ty gọi Linh lên phòng làm việc. Sau chén trà atiso nóng hổi, chị đưa cho Linh bức hình chân dung một người đàn ông khoảng gần sáu mươi tuổi. Bằng giọng Huế ngọt ngào, thuần khiết, chị nói:

- Đây là giáo sư Minh, một người bạn vong niên của anh Quang, tháng chín này là sinh nhật ông ấy. Anh Quang muốn em thêu bức chân dung này để làm quà tặng. Em tập trung thêu cho thiệt đẹp, thiệt có hồn đó nghe.

- Dạ chị, em sẽ cố gắng hết sức mình ạ.

- Anh chị biết và tin là em sẽ thêu thành công. Rất mong em sẽ thực hiện bức tranh thêu chân dung này thành một kiệt tác. Anh chị đã cân nhắc rất kỹ và quyết định giao cho em đó nghe.

Anh Quang là chồng chị và cũng là giám đốc và người sáng lập công ty. Cầm bức hình chân dung lên, nhìn một lát rồi lại đưa tận tay Linh lần nữa. Chị Thu tiếp:

- Em cầm về, tập trung ngắm thiệt kỹ trong ngày hôm nay. Chiều nay, phòng mẫu cũng sẽ hoàn tất công đoạn săm hình lên vải. Em cũng về phòng chuẩn bị khung thêu và các vật dụng đầy đủ nghe. Sáng mai, em lên phòng mẫu nhận bức vải thêu về và bắt đầu.- Dạ chị! Chào chị em về phòng đây ạ…

Nói rồi, Linh đứng dậy, cầm bức chân dung đi về phòng thêu của mình. Chị Thu nhìn theo Linh với ánh mắt trìu mến và tin tưởng.

Phòng thêu của Linh cùng hai bạn nữa chừng mười hai mét vuông bằng gỗ, lợp ngói rất xinh xắn. Cửa sổ rộng để căn phòng ngập tràn ánh sáng, nhưng buổi chiều, mùa mưa thì vẫn phải bật đèn. Căn nhà gỗ được sơn màu tím nhạt với các khung cửa sổ màu tím đậm, nằm giữa một khuôn viên nhỏ đầy hoa hồng, cẩm tú cầu, thạch thảo. Bên trái là một hồ cá trong vắt đầy những chú cá koi tung tăng thật đáng yêu. Tiếng nước chảy từ hòn non bộ chỉ róc rách rất khẽ. Bao quanh hồ cá có đến bốn căn phòng thêu như của Linh. Nhưng rất yên tĩnh, mỗi phòng chỉ có tiếng nhạc cổ điển được mở nhỏ, nhẹ nhàng. Cứ đến chín giờ ba mươi, giờ nghỉ giải lao, các bạn từ các phòng thêu khác cùng ùa ra cho cá ăn. Lúc đó mới có những tiếng cười, tiếng nói trong vắt và rộn ràng. Các nghệ nhân thêu của mỗi phòng đều bận áo dài truyền thống mỗi màu khác nhau. Những người phụ nữ Đà Lạt trong tà áo dài nhẹ nhàng, e ấp nhưng cũng rộn ràng trong giờ cho cá ăn. Có nhiều du khách tình cờ đi qua đây vào giờ này. Họ sững sờ đứng lại, nhìn ngắm và cảm nhận mà không nói nên lời. Khung cảnh ấy, những tà áo dài, hôm lạnh thì có khoác bên ngoài một tấm áo len mỏng, cũng công ty nhưng mang tâm hồn nghệ sĩ. Nhiều du khách tưởng mình như đang lạc vào nơi bồng lai tiên cảnh. Linh chưa bao giờ gặp người nào yêu Đà Lạt và yêu nghề thêu như anh Quang và chị Thu. Nghề thêu, đối với anh chị ấy như là một tôn giáo vậy.

Trên đường về phòng thêu của mình, Linh ghé vào phòng thờ Ông Tổ nghề thêu - cụ Lê Công Hành. Kính cẩn đặt bức hình chân dung được giao lên bàn thờ, thắp hương. Thành tâm, Linh quỳ lạy và khấn xin cụ Tổ độ trì cho bức chân dung thêu của mình được thành công viên mãn.

Ngày hôm đó, Linh chỉ phải tập trung vào bức hình chân dung giáo sư Minh vừa được giao. Phải nhìn kỹ, săm soi từng chi tiết, sao cho nhập tâm để khi bắt tay vào thêu, mỗi động tác, mỗi mũi thêu, mỗi sợi chỉ mong manh đều mang theo lòng mình trong đó, bức tranh thêu có vậy mới có hồn, mới toát lên được tính cách của nhân vật.

Xem nào, giáo sư Minh trạc chừng sáu mươi tuổi. Theo kiến thức về nhân tướng học đã được đọc trong nhiều cuốn sách ba để lại, Linh bắt đầu định hình nhân vật mình sẽ thêu. Khóe miệng hơi nhếch lên cho thấy tính cách lạc quan, ý chí kiên cường trong mọi tình huống. Trán cao và rộng, môi trên dày hơn môi dưới thể hiện người có ý chí quyết tâm, chịu đựng khó khăn và luôn vượt qua. Hai gò má cao, sáng thể hiện sự kiên định và có lòng khát khao tiến bộ, tham danh vọng và tài chính. Lông mày cao, thanh mảnh, là người được hưởng phúc lớn, thông minh và tốt bụng. Ánh mắt sáng nhưng có chút lạnh lùng. Sống mũi thẳng, có tính tích cực, lạc quan và tinh thần trách nhiệm cao.

Thực ra thì người thợ thêu không cần đến những hiểu biết này. Nhưng là một nghệ nhân thêu, chuyên được giao thêu các bức chân dung của các khách hàng lớn, quan trọng, kiến thức về nhân tướng học giúp Linh nắm bắt được hồn cốt của nhân vật rất nhanh. Nên Linh thường thêu nhanh hơn và chất lượng gần như lúc nào cũng làm anh Quang và chị Thu hài lòng. Các bức thêu của Linh khi hoàn tất và nộp cho phòng kiểm soát chất lượng là hoàn hảo. Họ chỉ việc làm sạch và đóng khung để giao cho khách.

Sáng sớm hôm sau, khi vừa đến phòng thêu, Linh thấy tấm vải thêu đã hoàn tất công đoạn săm và đã được máng lên khung thêu. Bên cạnh ngọn đèn bàn là cái khay để kim, các cuộn chỉ màu và chiếc kéo bấm nhỏ. Uống xong ly cà phê đã được pha sẵn trên bàn, Linh nhẹ nhàng ngồi xuống sau khung thêu và khẽ khàng đưa mũi kim đầu tiên.

Suốt ba tháng trời sau đó, Linh như là một người thân của giáo sư Minh vậy. Bức thêu được tỉ mẩn đặt từng mũi kim với các màu chỉ thích hợp cho từng bộ phận, từng vị trí trên khuôn mặt. Khung cảnh nền chỉ đơn giản là một ngọn núi xa xa, hình như là núi Lang Biang. Bức tranh thêu khổ rộng từng ngày, từng ngày được bồi đắp bằng từng mũi thêu cẩn thận và trìu mến của Linh đang dần thành hình. Bây giờ thì Linh hầu như đã thuộc lòng từng nét trên khuôn mặt của giáo sư Minh. Khuôn mặt hình chữ “thân”, toát lên tính cách mạnh mẽ, độc lập do trải qua tuổi thơ khó khăn và cực nhọc, không có sự hậu thuẫn của gia đình. Để thành công được như hôm nay, chắc ông ấy phải tự mình bắt đầu và đối mặt với nhiều khó khăn, trắc trở. Không biết ông ấy có nôn nóng chiếm hữu trong tình cảm như trong nét thể hiện của nhân tướng học không nhỉ?

Tự nhiên, Linh thấy không hiểu sao lại rất gần gũi với giáo sư Minh, một người chưa bao giờ gặp. Chuyện nhỏ chuyện lớn gì trong cuộc sống hàng ngày, Linh đều thì thầm tâm sự với ông ấy. Rồi đặt câu hỏi, nếu như là giáo sư Minh thì tình huống này, ông ấy sẽ giải quyết thế nào?

Sáng nay lại hỏng xe, chiếc xe máy cũ kỹ của ba mua tặng Linh ngày vào học lớp cuối phổ thông. Hôm nay, nó lại giở chứng, đạp hoài không nổ. Sáng sớm, con bé Mai gọi không chịu dậy, sờ trán bé, sốt hầm hập, đạp xe không nổ, Linh cuống lên, lúng túng. Nước mắt đã chực rơi, chợt nghĩ, nếu là ông - giáo sư Minh ấy, thì ông ấy sẽ xử lý thế nào đây? Rồi, bình tĩnh đi, bác xe thồ thường ngồi đón khách đầu dốc, chạy lên xem. Hên quá, bác vẫn ngồi trên xe, trông chừng đang ngái ngủ. Linh gọi bác chở cả hai mẹ con chạy thẳng lên bệnh viện. Rồi gửi luôn chìa khóa nhà nhờ bác xe thồ trở về mang xe đi sửa. Đành nghỉ buổi làm, gọi điện lên công ty xin phép xong, Linh quay lại cho bé Mai ăn cháo và uống thuốc. Rồi gọi lên trường xin nghỉ học cho bé Mai. Ba ngày sau đó, Linh vẫn phải nghỉ làm và bé Mai vẫn phải nghỉ học. Ra viện, bé Mai lo lắng không theo kịp bài, còn Linh lại lo bức chân dung thêu không kịp thời gian giao hàng. Hiểu rồi, tại sao người phụ nữ nào cũng cần hình bóng một người đàn ông bên cạnh để dựa vào và trông cậy. Trường hợp này, hình ảnh ông ấy đã kịp trấn an Linh, dù là nhỏ thôi, nhưng không bình tĩnh, có lẽ Linh chỉ biết đứng khóc. Em cảm ơn ông nhiều lắm!

Cuối cùng thì bức chân dung thêu cũng xong. Thời gian công ty giao là chín mươi ngày. Nhưng cuối cùng thì gần một trăm ngày, Linh mới giao được bức chân dung giáo sư Minh cho phòng kiểm soát chất lượng. Anh Quang và chị Thu trực tiếp kiểm tra bức chân dung, vì đây là món quà tặng dành cho giáo sư. Anh chị tỏ ra rất hài lòng, bắt tay Linh và hứa sẽ vinh danh, trao thưởng trong đêm Year end party thường tổ chức vào đêm tất niên toàn công ty.

Chào anh Quang, chị Thu, chia tay bức chân dung thêu, Linh vào phòng thờ Tổ thắp nhang bái tạ rồi về phòng thêu của mình. Bước chân Linh tự nhiên như không còn làm chủ được. Hơi chóng mặt, may mà Linh kịp vịn vào khung cửa. Trấn tỉnh lại, nhìn vào cái khung thêu trống rỗng, tự nhiên Linh muốn khóc. Cũng không phải là lần đầu, Linh giao các bức thêu chân dung của mình cho công ty. Nhưng sao lần này lại có cảm giác thật khác lạ. Chưa có nhân vật nào Linh thêu trước đó cho Linh cảm giác này. Cảm giác gần gũi, thân quen như là đã gặp lâu rồi và thân mật lắm. Hay là Linh yêu ông ấy mất rồi. Không thể thế được. Linh gạt đi, hơn ba năm góa chồng, rất nhiều người đàn ông trong công ty cũng có, ngoài công ty cũng có, nhưng Linh chưa thấy mến hay lưu luyến một ai. Hết giờ làm là Linh lại đón con về, hai mẹ con quấn quýt bên nhau trong căn nhà gỗ xinh xắn và ấm cúng của mình. Cuộc sống cứ vậy, êm đềm trôi qua. Nhưng hơn ba tháng nay, thì đã khác. Có lúc nấu bữa tối, bé Mai quanh quẩn bên mẹ, nhưng tâm trí Linh như đang ở đâu đó. Bé Mai gọi hai ba tiếng, Linh mới giật mình quay lại, có lúc làm con bé phát hoảng. Nhưng cũng có lúc con bé cười nắc nẻ rồi chọc mẹ: Mẹ đang nhớ ai đó?

Thứ Bảy, công ty thường tan ca sớm. Linh tranh thủ chạy ra chợ Đà Lạt mua thêm tý thức ăn. Vừa qua cầu thang chợ, Linh chợt sững người và đứng lặng. Trước mắt Linh là ông ấy - giáo sư Minh bằng xương bằng thịt. Ông ấy đi cùng một phụ nữ trông rất đài các và xinh đẹp. Đôi môi Linh run rẩy, hai tay cũng run lên nhè nhẹ, Linh đứng trân rồi bỗng lắp bắp gọi tên ông ấy:

- Ông... giáo sư… ông Minh. Chào ông!

Hình như ông ấy không nghe. Hoặc cho là Linh đang gọi ai đó. Linh lại luống cuống, gọi thêm lần nữa:- Ông... ông Minh! Giáo sư Minh…!

Lúc này thì ông ấy nhìn thẳng vào mặt Linh với một ánh mắt lạnh lùng và xa cách. Ông ấy vẫn không nói gì, nhưng sao ánh nhìn của ông ấy không một chút ấm áp hay thiện cảm như Linh thường nghĩ. Linh bối rối. Lúc đó, người phụ nữ cạnh ông Minh quay lại kéo tay ông ấy vào một quầy bán áo len. Ông Minh nhìn Linh lần nữa vẫn với ánh mắt xa lạ và lạnh lùng. Linh run rẩy, chợt thấy bẽ bàng rồi như không bước nổi. Quay ngược lên cầu thang chợ, Linh thầm thì với đôi môi run rẩy, lạnh cóng trong một chiều mưa Đà Lạt.

Sương mù đã kéo đến, ùa vào từng căn nhà, ngõ phố, rặng thông. Linh bước đi trong vô định và bẽ bàng. Linh cứ đi mà không biết mình đi đâu, chỉ biết mình cần phải đi. Sương mù Đà Lạt như người bạn đồng hành, che chở và an ủi Linh.

Truyện ngắn: TRẦN THANH HÙNG

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/van-hoa-nghe-thuat/202504/am-anh-nguoi-dung-448075e/
Zalo