Quản lý và ứng xử thế nào với nghề sáng tạo nội dung?

Sáng tạo nội dung đã trở thành một ngành nghề hấp dẫn. Các nền tảng MXH như YouTube, TikTok, Instagram đã tạo ra cơ hội việc làm mới, thu hút đông đảo người tham gia. Vậy đâu là cơ hội, thách thức, cần quản lý và ứng xử với nghề mới này thế nào?

Sáng tạo nội dung đã trở thành một ngành nghề hấp dẫn

Sáng tạo nội dung đã trở thành một ngành nghề hấp dẫn

Sức hấp dẫn khó cưỡng của nghề sáng tạo nội dung (Content creator)

Với sự ra đời của các nền tảng mạng xã hội, hầu hết mọi người bị thu hút và tham gia kết nối, chia sẻ thông tin, từ những bài đăng đơn giản dạng chữ, hình ảnh, rồi mở rộng sang video, phạm vi và mục đích chia sẻ đã được mở rộng hơn rất nhiều.

Các tên gọi như Youtuber, Tiktoker, streamer xuất phát từ những người tạo và chia sẻ nội dung một cách bài bản, đều đặn trên các nền tảng, giờ được gọi là nhà sáng tạo nội dung và dần trở thành một nghề, có thể từ bán thời gian đến toàn thời gian, nhờ vào khả năng mang lại thu nhập cho người làm.

Điều hấp dẫn của nghề này đó là thời gian linh hoạt và bất kỳ lĩnh vực nào đều có thể tham gia. Một số dược sĩ làm nội dung nhận xét về thuốc, hóa mỹ phẩm; các nhà đầu tư chia sẻ kiến thức tài chính cho đến các nội dung gần gũi hơn như các bạn trẻ nhận xét (reviewer) về quán ăn, đập hộp hàng hóa hay nhảy nhót theo xu hướng.

Những thông tin về con số thu nhập khủng đã thu hút một lượng lớn người tham gia vào nghề sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội. Có người bắt đầu từ đam mê, nhu cầu muốn chia sẻ hoặc phục vụ giải trí. Song cũng có người tạo nội dung và xây kênh với mục đích kiếm tiền ngay từ đầu.

Với cả hai trường hợp, điều kiện tiên quyết để có thu nhập là khi kênh phát triển và có lượng người theo dõi đông đảo. Lúc này họ có ảnh hưởng với một cộng đồng người theo dõi riêng, từ đó có sức hút với các nhãn hàng, nhà tài trợ,... Vậy, những nguồn thu nhập của các nhà sáng tạo nội dung đến từ đâu?

Về cơ bản, có một số nguồn thu nhập chủ yếu là:

Thu nhập từ nền tảng: Đây là nguồn thu nhập chủ yếu của nhiều nhà sáng tạo nội dung. Các nền tảng như YouTube, TikTok, Instagram thường chia sẻ doanh thu quảng cáo dựa trên số lượt xem, tương tác và thời lượng xem video.

Kênh Riverside cho biết với mỗi video ngắn, YouTube sẽ trả từ 0,01 đến 0,06 USD cho mỗi 1000 lượt xem. Theo Social Blade, một YouTuber có 1 triệu người đăng ký có thể kiếm được từ 2.000 đến 5.000 USD/tháng chỉ từ nguồn quảng cáo.

Thu nhập từ hợp tác với nhãn hàng: Hợp tác với các nhãn hàng là một trong những cách phổ biến để nhà sáng tạo nội dung kiếm tiền. Các hình thức hợp tác đa dạng, từ quảng cáo sản phẩm trên video, bài đăng trên mạng xã hội đến việc tham gia vào các chiến dịch tiếp thị dài hạn. Một bài đăng trên Facebook của một KOL có giá từ 50 đến trên 100 triệu đồng tùy theo lượng người theo dõi. Với nền tảng Tiktok, một TikToker có 1 triệu follower có thể nhận được từ 5.000 đến 10.000 USD cho một bài đăng quảng cáo.

Thu nhập từ người theo dõi: Người theo dõi đóng vai trò quan trọng trong thành công của các nhà sáng tạo nội dung. Ngoài việc tương tác, họ còn có thể đóng góp tài chính thông qua các hình thức như cho tiền, mua hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo,...

Gần đây, hình thức bán hàng qua phát hình trực tiếp (livestream) rất được ưa chuộng. Với hình thức này, những người thực hiện sẽ có doanh thu trực tiếp từ người mua hàng và được chia hoa hồng từ doanh thu như các đầu mối kinh doanh thông thường.

Tại Việt Nam, các phiên livestream từ chục đến trăm tỷ đã xuất hiện và có cả những chương trình đào tạo định hướng livestream như Ngôi sao chốt đơn hay Vietnam livestream idol do FPT sản xuất.

Thu nhập từ các hoạt động khác: Bên cạnh các nguồn thu nhập chính, nhà sáng tạo nội dung còn có thể kiếm tiền từ các hoạt động khác như: tham gia sự kiện, chụp hình, đóng phim quảng cáo, được mời tham gia các dự án về kinh doanh hoặc giải trí khác…

Như vậy, với nguồn thu nhập đa dạng và dồi dào, thời gian làm việc linh hoạt, sáng tạo nội dung là nghề đầy hứa hẹn, hấp dẫn. Tuy nhiên, cũng như bao ngành nghề khác, nghề sáng tạo nội dung cũng có những khó khăn và thách thức riêng.

Thách thức và áp lực của công việc “sáng tạo”

Thách thức đầu tiên đến từ chính lợi thế gia nhập ngành: không đòi hỏi bằng cấp chuyên môn, không giới hạn độ tuổi về hưu. Thay vào đó, nghề này đòi hỏi sự kết hợp hài hòa giữa hiểu biết về công nghệ, khả năng sáng tạo và sự nhạy bén với thị trường. Chính vì vậy, ngành này luôn ở trong trạng thái cạnh tranh cao độ. Trong một “rừng” các nhà sáng tạo nội dung, chỉ một số ít có thể thu hút được lượng người theo dõi đủ lớn để kiếm sống.

Để duy trì sự thành công, các nhà sáng tạo phải liên tục đổi mới, đầu tư vào trang thiết bị, thậm chí xây dựng cả một đội ngũ hỗ trợ, không khác gì một công ty nhỏ. Lý Tử Thất – một người làm sáng tạo nội dung nổi tiếng ở Trung Quốc ban đầu tự quay và dựng video một mình. Sau khi bắt đầu nổi tiếng, cô thuê thêm trợ lý, hợp tác với công ty truyền thông tuy nhiên sau đó lại vướng vào các vấn đề pháp lý và bản quyền khiến việc sản xuất nội dung bị gián đoạn trong 3 năm.

Một trong những thách thức lớn nhất của nghề này là áp lực phải sản xuất nội dung liên tục. Nếu coi đây là công việc bán thời gian, người làm sẽ phải đầu tư thêm nhiều thời gian và công sức dành cho sáng tạo và sản xuất nội dung để có sản phẩm đều đặn.

Ngược lại, nếu làm toàn thời gian, áp lực về cả khối lượng và chất lượng sẽ càng lớn hơn. Mỗi video, mỗi bài đăng đều phải mang đến giá trị mới, thu hút người xem. Điều này đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng nghỉ, đồng thời đặt ra áp lực lớn lên sức khỏe tinh thần và thể chất của người làm nghề.

Đặc biệt với người phát sóng trực tiếp (streamer), thu nhập phụ thuộc vào thời gian trực tiếp và tương tác với khán giả. Nếu gặp phải vấn đề về sức khỏe, không ai có thể thay thế công việc và sẽ mất đi một nguồn thu nhập.

Ngược lại nếu bạn đi theo hướng nhà sáng tạo nội dung bền vững, bạn tạo ra những nội dung chất lượng cao, thu hút đều đặn người xem thì bạn vẫn có thu nhập từ lượt xem các video đã phát hành. Điều này tương tự với tiền tác quyền từ sản phẩm âm nhạc hay sách truyện khi vẫn có người tiêu thụ.

Thách thức tiếp theo các nhà sáng tạo nội dung phải đối mặt là tính không ổn định của thu nhập. Khác với những công việc có mức lương cố định, thu nhập của nhà sáng tạo nội dung có thể biến động rất lớn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Thuật toán của các nền tảng xã hội thay đổi liên tục, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiếp cận khán giả của các nhà sáng tạo.

Xu hướng và trào lưu liên tục thay đổi, những chủ đề hot có thể giúp một nhà sáng tạo nổi tiếng trong thời gian ngắn, nhưng cũng có thể khiến họ nhanh chóng bị lãng quên khi xu hướng đó qua đi.

Ngoài ra các nhà sáng tạo nội dung thường phụ thuộc vào các nền tảng xã hội để phân phối nội dung của mình. Nếu nền tảng đó thay đổi chính sách hoặc gặp phải vấn đề kỹ thuật, các nhà sáng tạo có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Như việc Tiktok Mỹ đối mặt với nguy cơ bị đóng cửa khiến nhiều nhà sáng tạo phải tìm kiếm nền tảng khác và xây dựng kênh lại từ đầu.

Cần có cơ chế quản lý về hoạt động sáng tạo nội dung

Có lẽ nhiều người cũng đang quen dần với nghề nghiệp rất mới này. Đây hoàn toàn là những nghề chính đáng, nghề nghiệp của tương lai, vì vậy thay vì ngăn cản, phủ nhận, xã hội cần có sự nhìn nhận đúng đắn và cập nhật hơn về ngành nghề này.

Với người làm nghề: những nhà sáng tạo nội dung muốn theo nghề bền vững cần từng bước có những sự chuẩn hóa về thông tin, quy trình để chuyên nghiệp hơn; đồng thời, tự nâng cao chất lượng nội dung, xây dựng những tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp. Đã có không ít trường hợp xảy ra việc các nội dung bẩn, trái thuần phong mỹ tục được đưa lên để câu tương tác hay việc bán sản phẩm với thông tin sai lệch, gây mất lòng tin của khách hàng.

Để mở rộng ngành này, những người tiên phong nên thành lập hiệp hội về ngành, tiến đến xác lập các tiêu chuẩn, tiêu chí định hướng nghề nghiệp. Việc thành lập hiệp hội sẽ giúp các nhà sáng tạo nội dung có tiếng nói chung, cùng nhau xây dựng và bảo vệ quyền lợi nghề nghiệp.

Về phía cơ quan quản lý: các nghề này thuộc ngành nghề tự do, không trực thuộc tổ chức nào, do đó, cần sớm có cơ chế quản lý và xây dựng quy định cụ thể về hoạt động sáng tạo nội dung, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến bản quyền, bảo vệ thông tin cá nhân, chống lại thông tin sai lệch. Do tính chất đặc thù của nghề, cơ chế quản lý cần linh hoạt, kết hợp giữa giám sát và khuyến khích tự do sáng tạo.

Nghề sáng tạo nội dung có một số tính chất giống với ngành nghề giải trí như ca sĩ, diễn viên, nhưng cũng có những tính đặc thù riêng về thông tin, công nghệ. Vì vậy, việc phân công trách nhiệm quản lý giữa các bộ, ngành cần được xác định rõ ràng để đảm bảo quản lý hiệu lực, hiệu quả.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã có giải thưởng cho nhà sáng tạo nội dung nên sau khi sáp nhập thành Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan phù hợp để quản lý các nghề từ mạng xã hội. Ngoài ra là một nghề lao động lao động nghiêm túc, các vấn đề về chế độ bảo hiểm, thuế thu nhập cần được hướng dẫn và hoàn thiện như những người lao động khác.

Việc công nhận những ngành nghề mới là sự phát triển tất yếu của tương lai, đòi hỏi sự chung tay của cả nhà nước, xã hội và cộng đồng người làm nghề. Chỉ khi có sự phối hợp chặt chẽ, chúng ta mới có thể phát huy tối đa tiềm năng của ngành này và góp phần xây dựng một xã hội văn minh, hiện đại.

Phạm Mạnh Hùng

Trần Thị Nhung

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/quan-ly-va-ung-xu-the-nao-voi-nghe-sang-tao-noi-dung-post182771.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat
Zalo