Ai thực sự phải trả giá khi Ukraine ngừng trung chuyển khí đốt Nga?

Quyết định của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không gia hạn hợp đồng cho phép khí đốt của Nga đi qua lãnh thổ Ukraine để đến châu Âu đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Điểm xuất phát của hệ thống đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 2 ở Ust-Luga, Nga. Ảnh: Bloomberg/TTXVN

Điểm xuất phát của hệ thống đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 2 ở Ust-Luga, Nga. Ảnh: Bloomberg/TTXVN

Trong khi Ukraine mất hàng tỷ USD tiền phí trung chuyển, châu Âu đối mặt với giá năng lượng tăng vọt, còn Nga gần như không bị ảnh hưởng đáng kể.

Với quyết định này, Ukraine mất khoảng 1 tỷ USD tiền phí trung chuyển mỗi năm, chiếm 0,56% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dự kiến năm 2024 của nước này (189,83 tỷ USD).

Trong khi đó, Nga chỉ mất 5 tỷ USD, chiếm 0,22% GDP của họ (2.184 tỷ USD). Phần lớn nguồn thu từ dầu mỏ của Nga, ước tính khoảng 240 tỷ USD mỗi năm, vẫn ổn định nhờ các giao dịch với Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ. Các sản phẩm dầu mỏ này sau đó được chế biến và bán lại cho châu Âu, khiến tác động tài chính đối với Nga gần như không đáng kể.

Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu quyết định của Tổng thống Zelensky có phải nhằm trừng phạt Nga hay để gây áp lực lên các quốc gia châu Âu như Slovakia và Hungary, những nước phản đối Ukraine gia nhập tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và đôi khi cản trở viện trợ quân sự của Liên minh châu Âu (EU) cho Ukraine.

Mâu thuẫn giữa Ukraine và các nước láng giềng

Slovakia và Hungary phụ thuộc lớn vào nhiên liệu hóa thạch của Nga. Slovakia sử dụng khí đốt và dầu Nga cho hầu hết hệ thống giao thông và một phần sản xuất điện. Hungary nhập khẩu tới 70% dầu từ Nga.

Quyết định cắt nguồn khí đốt của Tổng thống Zelensky đã khiến Tổng thống Slovakia, ông Robert Fico, dọa cắt nguồn điện xuất khẩu sang Ukraine.

Lời đe dọa này trở nên nghiêm trọng hơn khi biết rằng Ukraine hiện đang nhập khẩu tới 19% điện từ Slovakia, trong bối cảnh hệ thống điện của Ukraine bị thiệt hại nặng nề do các cuộc tấn công của Nga, làm mất hơn 73% công suất nhiệt điện.

Quyết định của Tổng thống Zelensky chỉ là một phần trong chuỗi các sự kiện làm suy giảm an ninh năng lượng của châu Âu. Giá khí đốt tại châu Âu đã tăng 1.500% vào tháng 8/2022 so với mức giá trước năm 2021, do các lệnh trừng phạt của EU và Mỹ đối với Nga làm gián đoạn nguồn cung năng lượng giá rẻ từ Nga.

Dù giá khí đốt sau đó đã giảm, nhưng vẫn cao hơn 300% so với trước đây, gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế châu Âu. GDP của EU giảm từ mức tăng 3,4% năm 2022 xuống âm 0,4% năm 2023 và dự kiến chỉ tăng 0,9% năm 2024.

Đặc biệt, Đức, trụ cột kinh tế của EU, chứng kiến GDP giảm 0,1% năm 2024 do kế hoạch chuyển đổi năng lượng không thực tế và mất nguồn năng lượng giá rẻ từ Nga.

Nga vượt qua lệnh trừng phạt

Bất chấp các lệnh trừng phạt, kinh tế Nga không sụp đổ như nhiều chuyên gia dự đoán. GDP của Nga tăng 3,6% năm 2023 và 3,9% năm 2024. Tuy nhiên, lạm phát và các yếu tố khác có thể khiến tăng trưởng giảm xuống 2,5% vào năm 2025.

Trong khi đó, Mỹ, dù độc lập hơn về năng lượng, cũng phải trả giá cao khi người tiêu dùng và doanh nghiệp nước này phải chi hơn 100 tỷ USD cho khí đốt tự nhiên do cạnh tranh với châu Âu.

Tổng thống Fico cho rằng Ukraine gia nhập NATO sẽ làm gia tăng nguy cơ xảy ra Thế chiến thứ ba. Ông cũng kêu gọi đạt được thỏa hiệp với Nga, cho rằng việc Moskva từ bỏ bán đảo Crimea, Donbass và Luhansk là điều không thực tế.

Ông Zelensky dường như nhận thức rõ rằng hành động của mình không gây ảnh hưởng lớn đến Nga, nhưng lại gây thiệt hại lớn cho Ukraine và châu Âu.

Việc Ukraine mất nguồn thu từ phí trung chuyển và phải chi trả cao hơn để nhập khẩu điện từ các nước láng giềng, trong khi giá năng lượng tăng cao, khiến quyết định này bị nhiều người ví như "tự chặt tay mình để trả đũa".

Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo responsiblestatecraft)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/ai-thuc-su-phai-tra-gia-khi-ukraine-ngung-trung-chuyen-khi-dot-nga-20250109153202167.htm
Zalo