Chuyên gia đánh giá về việc Tổng thống Trump đưa ra tối hậu thư mới với Nga

Trong động thái bất ngờ, Tổng thống Donald Trump kêu gọi Nga ngay lập tức chấm dứt chiến sự tại Ukraine và cảnh báo các biện pháp trừng phạt mạnh tay nếu không tuân thủ. Thông điệp của ông Trump được giới chuyên gia đánh giá là khác thường, khiến cộng đồng quốc tế quan tâm đến khả năng giải quyết xung đột Nga - Ukraine.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng ngày 21/1/2025. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng ngày 21/1/2025. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Theo báo Izvestia (Nga) ngày 24/1, trong một diễn biến bất ngờ, Tổng thống Donald Trump vừa đã đưa ra thông điệp mới với Nga, kêu gọi chấm dứt ngay lập tức cuộc chiến ở Ukraine, đồng thời cảnh báo sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt nếu Moskva không tuân thủ.

Thông điệp của ông Trump được đăng trên nền tảng mạng xã hội Truth Social với giọng điệu quyết liệt: "Hãy giải quyết ngay bây giờ và dừng cuộc chiến này lại!", đồng thời cảnh báo sẽ không ngần ngại áp dụng các mức thuế, thuế quan và trừng phạt cao đối với bất kỳ sản phẩm nào Nga xuất khẩu sang Mỹ nếu không đạt được thỏa thuận hòa bình.

Giới chuyên gia nhận định rằng đây là một thông điệp khác thường so với cách tiếp cận ngoại giao truyền thống. Ông Vladimir Vasilyev, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Mỹ và Canada thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, chỉ ra rằng việc Washington thực hiện các cam kết trong bối cảnh hiện tại chỉ có thể dựa trên "những đảm bảo cá nhân của ông Trump vì chúng không có bất kỳ đảm bảo pháp lý quốc tế nào".

Tuy nhiên, các chuyên gia Nga cũng đánh giá khá thận trọng về khả năng tác động của các lời đe dọa này. Boris Mezhuyev, Giáo sư tại Viện Triết học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ không còn mạnh như trước. Ông nhấn mạnh mối lo ngại thực sự là sức ép của Mỹ đối với các quốc gia trung lập nhằm kéo họ vào cuộc đối đầu với Nga.

Về phần mình, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dmitry Novikov, Khoa Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế
tại Đại học HSE (Nga), tin rằng các hành động tiềm tàng của Mỹ sẽ không nhằm mục đích mở rộng phạm vi trừng phạt hiện có mà nhằm thắt chặt việc thực hiện của các quốc gia khác. "Tuy nhiên, cách tiếp cận như vậy có thể gây hại cho mối quan hệ của Washington với các quốc gia đó", Tiến sĩ Novikov lưu ý.

Trong khi đó, phía Điện Kremlin đã phản ứng tương đối bình tĩnh. Hãng thông tấn Đức DPA dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố: "Chúng tôi không thấy bất kỳ yếu tố mới nào ở đây". Ông khẳng định nền kinh tế Nga vẫn phát triển ổn định và Moskva sẵn sàng đối thoại một cách tôn trọng.

Về mặt kinh tế, các số liệu cho thấy thương mại Nga-Mỹ đã giảm đáng kể, giảm 6 lần trong 4 năm qua. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Nga sang Mỹ bao gồm uranium làm giàu, paladi, phân bón khoáng sản và các thành phần hàng không.

Một điểm đáng chú ý khác trong thông điệp của Tổng thống Trump là việc ông nhắc lại sự đóng góp của Nga trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Ông Trump ghi nhận: "Chúng ta không bao giờ được quên rằng Nga đã giúp chúng ta giành chiến thắng trong Thế chiến thứ hai, mất gần 60.000.000 sinh mạng trong sự kiện này".

Đáp lại, ông Peskov đã bác bỏ con số thương vong bị "thổi phồng" nhưng nhấn mạnh rằng Nga có đóng góp quan trọng nhất vào chiến thắng trước chủ nghĩa phát xít. Ông thậm chí gián tiếp mời ông Trump tham dự cuộc duyệt binh thường niên của Nga vào ngày 9/5 để kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng.

Trong bối cảnh trên, vẫn còn nhiều câu hỏi đặt ra về khả năng ông Trump sẽ duy trì mức viện trợ hàng tỷ đô la cho Ukraine như người tiền nhiệm Joe Biden đã cam kết. Ukraine hiện vẫn phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ của phương Tây, đặc biệt là nguồn cung vũ khí từ Washington.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo TASS/DPA)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/chuyen-gia-danh-gia-ve-viec-tong-thong-trump-dua-ra-toi-hau-thu-moi-voi-nga-20250125125438289.htm
Zalo